Sản xuất công nghiệp tăng tốc phục hồi

07:53, 11/12/2021

Sau một thời gian trầm lắng do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, hiện nay, hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn T.P Sông Công đã có xu hướng phục hồi. Từ thực tế cho thấy, các DN đang dần thích ứng với trạng thái “bình thường mới”, nỗ lực bảo đảm việc làm, đời sống cho người lao động, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển.

Theo đánh giá của UBND T.P Sông Công, năm 2021, tình hình sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19, nhất là từ khi đợt dịch thứ 4 khởi phát với các biến chủng mới, khiến nhiều địa phương trong cả nước phải thực hiện giãn cách xã hội, phong tỏa để phòng, chống dịch. Vì thế, sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố có thời điểm bị ảnh hưởng lớn, các DN gặp khó khăn trong tiêu thụ, nhu cầu thị trường giảm sút, một số chuỗi cung ứng vật liệu bị "đứt gãy" khiến 33 DN phải tạm dừng hoạt động, 8 DN giải thể hoặc bỏ địa điểm kinh doanh.

Tuy nhiên, với quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép”, các DN đã chủ động, linh hoạt thực hiện các giải pháp phù hợp với tình hình thực tế để duy trì và phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, tháng 10-2021, tỉnh Thái Nguyên được đánh giá cấp độ dịch là vùng 1 (vùng xanh) đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh dần phục hồi với trạng thái “bình thường mới”.

Ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Vạn Xuân (thuộc phường Cải Đan) - đơn vị chuyên sản xuất khuôn mẫu, đồ gá, gia công cơ khí, cho biết: Để thích ứng với tình hình hiện nay, đơn vị đã xây dựng phương án sản xuất, chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào và kế hoạch tiêu thụ sản phẩm ở từng giai đoạn cụ thể. Nhờ đó, nếu như những tháng đầu năm, các đơn hàng của Công ty giảm 50%, người lao động phải nghỉ việc luân phiên thì bước sang quý IV-2021, ngoài việc duy trì ổn định với các khách hàng truyền thống như: Công ty TNHH Một thành viên Diesel, Công ty CP Phụ tùng máy số I, đơn vị đã kết nối được nhiều đơn hàng mới với các khách hàng tại tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ... Vì vậy, hoạt động của đơn vị những tháng cuối năm được duy trì ổn định, doanh thu tính đến hết năm 2021 ước đạt trên 40 tỷ đồng (tương đương năm 2020), trên 70 lao động trở lại làm việc với mức thu nhập bình quân đạt 10 triệu đồng/người/tháng…

Sau một thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, hiện nay, Công ty TNHH Một thành viên Vạn Xuân đã hoạt động ổn định trở lại. Ảnh: T.P

Còn tại Công ty CP Phụ tùng máy số I (ở phường Mỏ Chè), với kinh nghiệm thực tế trong hơn 1 năm vừa chống dịch, vừa duy trì sản xuất, đơn vị cũng đã có những chiến lược mới trong sản xuất - kinh doanh với mục tiêu công xưởng không ngừng hoạt động, người lao động không phải nghỉ việc.

Ngoài việc tăng cường khai thác thị trường, coi trọng khâu tiêu thụ sản phẩm, Công ty tiếp tục đầu tư chuyển đổi công nghệ, tập trung sản xuất các sản phẩm phục vụ cho các doanh nghiệp sản xuất ô tô, máy nông nghiệp, máy xây dựng. Đồng thời, ưu tiên ứng dụng các sáng kiến cải tiến kỹ thuật đem lại hiệu quả và giá trị kinh tế cao; đưa những sản phẩm mới đã qua chế thử vào sản xuất hàng loạt. Năm 2021, doanh thu của đơn vị ước đạt 800 tỷ đồng (tăng 5% so với năm 2020), giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 1.000 lao động… 

Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, cùng với việc triển khai kịp thời một số chính sách hỗ trợ DN theo quy định, T.P Sông Công cũng đã tạo điều kiện thuận lợi trong công tác tuyển dụng lao động; ưu tiên tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho người lao động tại các DN; kịp thời tiếp nhận các thông tin phản ánh, triển khai giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN.

Bên cạnh đó, thành phố khuyến cáo các DN chú trọng đào tạo đội ngũ nhân viên, người lao động có trình độ tay nghề cao và năng động tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, nắm bắt các giải pháp công nghệ để có thể thích ứng với bối cảnh dịch bệnh kéo dài…

Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Quảng Bá, Trưởng phòng Kinh tế T.P Sông Công thông tin: Bằng những giải pháp cụ thể, cùng với sự nỗ lực của cộng đồng DN, năm 2021, mặc dù giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn thành phố không đạt kế hoạch đề ra nhưng vẫn có sự tăng trưởng so với năm trước. Cụ thể, tổng giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ước đạt trên 9.400 tỷ đồng, tăng 14,4% so với năm 2020; giá trị sản xuất công nghiệp địa phương ước đạt 5.689 tỷ đồng, bằng 108% kế hoạch tỉnh giao, bằng 100% kế hoạch của thành phố, tăng 15,9% so với năm 2020. Tính riêng từ tháng 9-2021 đến nay, thành phố đã thu hút được 5 DN trong nước và nước ngoài đầu tư phát triển sản xuất tại các khu, cụm công nghiệp trên đia bàn; có trên 30 DN đăng ký thành lập mới, nâng tổng số DN thành lập mới trong năm 2021 lên 77 đơn vị, trong đó 23 DN đã có khai báo thuế…

Trên địa bàn T.P Sông Công hiện có trên 450 DN và 4.200 hộ kinh doanh cá thể tham gia hoạt động sản xuất - kinh doanh. Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực song tình hình sản xuất của các DN vẫn còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Vì vậy, để tạo điều kiện thuận lợi cho các DN tăng tốc khôi phục sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm việc làm, đời sống cho người lao động, thành phố xác định cần tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp hỗ trợ DN, như: Hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, giảm giá điện, hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ tuyển dụng…