Sản xuất lâm nghiệp đang là một trong những lĩnh vực kinh tế có thế mạnh của Thái Nguyên. Phát huy lợi thế đó, tại một số địa phương đã hình thành các mô hình hợp tác xã (HTX) lâm nghiệp. Qua đó, không chỉ góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân mà còn đảm bảo được các lợi ích về môi trường.
Là địa phương có diện tích đất lâm nghiệp chiếm trên 65% tổng diện tích đất tự nhiên và nghề trồng rừng phát triển, thời gian gần đây, một số HTX nông, lâm nghiệp trên địa bàn huyện Định Hóa đã mở hướng sản xuất cây giống lâm nghiệp. Đơn cử như HTX Đại Vượng (xã Lam Vỹ), HTX Quế Linh (xã Bảo Linh), HTX nông sản Phú Đạt (xã Sơn Phú), HTX Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Bảo Minh (xã Bảo Linh)…
Anh Nguyễn Gia Như, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Bảo Minh, cho biết: Với kinh nghiệm, nghề ươm cây giống sẵn có của gia đình, năm 2021, tôi vận động thêm 12 thành viên tham gia thành lập HTX nhằm mở rộng quy mô cung ứng các loại cây giống như keo, quế, mỡ, chè… để cung ứng cho người dân trong xã và vùng lân cận. Với diện tích 2.000m2 vườn ươm, năm đầu tiên HTX đã cung ứng 150 vạn hom cây giống các loại đảm bảo chất lượng, thu về 300-400 triệu đồng lợi nhuận…
Còn với HTX nông sản Phú Đạt, kể từ khi thành lập vào năm 2018 đến nay, HTX vẫn duy trì sản xuất cây giống (quế, hồi, chè) với tổng diện tích 3ha. Trung bình mỗi năm, HTX cung ứng ra thị trường 100 vạn cây giống quế, hồi, đạt lợi nhuận từ 500-700 triệu đồng/năm. Hiện nay, HTX đang tạo việc làm thường xuyên cho 9 thành viên và 30 lao động thời vụ với mức thu nhập từ 3,5 -5 triệu đồng/tháng…
Là một trong những lao động thời vụ tại vườn ươm của HTX nông sản Phú Đạt, bà Trần Thị Thủy, xóm Bản Giáo, xã Sơn Phú, chia sẻ: Tôi đã ngoài 60 tuổi nên sức khỏe yếu. Khi vào đây làm việc, tôi không phải đi xa nhà, công việc không mấy vất vả mà lại được trả công theo ngày, rất phù hợp với những người cao tuổi như tôi.
Thành viên HTX nông lâm nghiệp và môi trường Hòa Bình kiểm tra, thống kê số cây trong rừng.
Cũng là địa phương có nhiều diện tích đất lâm nghiệp (62,7 nghìn ha) song với huyện Võ Nhai, các HTX lâm nghiệp đa phần tham gia vào công tác gìn giữ, phát triển bảo vệ rừng cộng đồng. Hiện nay, toàn huyện có 7 HTX nông lâm nghiệp và môi trường gồm: HTX Hòa Bình và HTX Thống Nhất (xã Bình Long); HTX Dân Tiến (xã Dân Tiến), HTX Tràng Xá (xã Tràng Xá), HTX Ba Nhất (xã Phú Thượng), HTX Phương Giao (xã Phương Giao)… Các HTX này được thành lập, hoạt động do tổ chức phi chính phủ (Tổ chức Z+) và Trung tâm nghiên cứu và phát triển vùng cao (CERDA) hỗ trợ kinh phí nhằm thực hiện Dự án trồng rừng và chống biến đổi khí hậu từ năm 2012 và hiện đã kết thúc.
Ông Hà Trung Thông, Giám đốc HTX nông lâm nghiệp và môi trường Hòa Bình, cho hay: Thời điểm trước năm 2012, xã Bình Long còn nhiều khó khăn, người dân sinh sống chủ yếu nhờ sản xuất nông, lâm nghiệp và khai thác rừng tự nhiên. Vì vậy, những cánh rừng tự nhiên ở địa phương bị tàn phá nghiêm trọng. Năm 2013, HTX được thành lập với nhiệm vụ chính là phát triển, quản lý và bảo vệ rừng cộng đồng, thu hút 946 hộ gia đình trên địa bàn tham gia. Sau khi thành lập, HTX được các cấp chính quyền giao khoán quản lý, bảo vệ và phát triển rừng với diện tích 946ha rừng và đất rừng (trong tổng số hơn 1.168ha rừng của toàn xã). HTX đã chủ động xây dựng kế hoạch quản lý rừng cộng đồng, quy ước và tự tổ chức quản lý bảo vệ rừng; mỗi hộ thành viên được giao 1ha rừng để bảo vệ và trồng rừng. Sau 3 năm, toàn bộ diện tích đồi núi trọc trước gần như được phủ xanh… Mặc dù dự án hỗ trợ đã kết thúc từ năm 2018, nhưng hiện nay HTX vẫn phát huy trách nhiệm, với 950 thành viên chia thành 45 tổ tự quản .
Ông Long Văn Lưu, Chủ tịch UBND xã Bình Long, đánh giá: Bình Long là xã vùng cao 135 với hơn 80% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Kể từ khi rừng được giao cho 2 HTX nông lâm nghiệp và môi trường Hòa Bình và Thống Nhất, nhận thức bảo vệ và phát triển rừng của người dân được nâng cao, tạo tâm lý phấn khởi, động viên cộng đồng cùng tham gia. Nhờ đó, Bình Long không còn xảy ra nạn khai thác gỗ, săn bắt động vật, vận chuyển và buôn bán lâm sản trái phép. Việc giao rừng theo mô hình cộng đồng cho các HTX giúp cho người dân trong xã có sinh kế lâu dài. Mặt khác, người dân quản lý rừng ngay tại nơi mình cư trú, trở thành “tai, mắt” quan trọng cùng với chính quyền địa phương và kiểm lâm địa bàn bảo vệ rừng hiệu quả.
Qua những hoạt động trên có thể thấy rằng, loại hình HTX lâm nghiệp đã và đang có những đóng góp không nhỏ trong việc khai thác, phát huy lợi thế, bảo vệ và phát triển kinh tế rừng tại các địa phương trong tỉnh. Tuy nhiên, theo thống kê sơ bộ, hiện trên địa bàn tỉnh mới có khoảng 20 HTX lâm nghiệp, hàng chục HTX hoạt động trong khâu chế biến, tiêu thụ lâm sản. Con số này vẫn còn khiêm tốn so với lợi thế, tiềm năng của tỉnh với 178.800ha đất quy hoạch cho lâm nghiệp, trong đó diện tích rừng sản xuất là 99.500ha.
Theo Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo: "Muốn phát triển rừng và lâm nghiệp thì chỉ bằng cách phát triển HTX trồng rừng, HTX lâm nghiệp”. Chính vì vậy, các HTX lâm nghiệp trong tỉnh cũng đang rất cần được đầu tư, quan tâm mở rộng hơn về quy mô hoạt động, mở rộng diện tích và nâng cao hiệu quả sản xuất để nâng cao thu nhập từ kinh tế rừng cho thành viên. Cùng với đó là tháo gỡ chính sách về vốn vay cho các HTX cũng như làm các thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các HTX theo đúng quy định; triển khai nhiều dự án phát triển lâm sản ngoài gỗ, trồng rừng nguyên liệu gắn với chế biến lâm sản, ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất lâm nghiệp…