Được nâng mức vay vốn tối đa từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng từ ngày 1/3/2019, song đến nay cả 3 chương trình cho vay gồm: Hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh mới có khoảng 13% số hộ được vay mức trên 50 triệu đồng. Trong khi đó, nguồn vốn các chương trình đều đủ đáp ứng nhu cầu.
Theo Quyết định số 12/QĐ-HĐQT ngày 22/2/2019 của Hội đồng quản trị NHCSXH và các hướng dẫn của NHCSXH Trung ương về nâng mức cho vay và thời hạn cho vay tối đa đối với 3 chương trình kể trên, từ ngày 1/3/2019, mức vay tối đa được nâng từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng không phải đảm bảo tiền vay và thời hạn cho vay cũng được nâng lên tối đa là 120 tháng, thay vì 60 tháng như trước đó. Quy định này đã mở ra cơ hội cho rất nhiều hộ có điều kiện vay vốn để mở rộng sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập.
Tuy nhiên, tính đến đầu tháng 5-2022, mới có trên 5,5 nghìn hộ (chiếm 13% tổng số hộ đang vay vốn của 3 chương trình nêu trên) được vay số vốn trên 50 triệu đồng. Trong khi đó, theo đại diện lãnh đạo NHCSXH tỉnh, đơn vị đủ điều kiện đáp ứng nhu cầu vay của người dân ở cả 3 chương trình này. Chính vì thế, trong nhiều phiên họp giao ban của NHCSXH tỉnh với 4 tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác, một trong những vấn đề được ông Lê Văn Hồng, Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh, thường xuyên đề cập và đề nghị đó là: Cần quan tâm, làm tốt hơn việc cho vay nâng mức đối với các chương trình này.
Lãnh đạo NHCSXH tỉnh cũng đặt vấn đề: Tại sao lúc chưa có quy định cho vay nâng mức thì các hội, đoàn thể và chính quyền nhiều xã, phường đều cho rằng, mức vay tối đa 50 triệu đồng là quá thấp, không đủ đáp ứng nhu cầu vốn để các hộ đầu tư sản xuất, kinh doanh nên cần tăng mức cho vay? Vậy nhưng, khi chính sách mới được ban hành thì số hộ vay nâng mức lại quá thấp?
Tìm hiểu vấn đề này, chúng tôi được biết, có nhiều nguyên nhân khiến việc cho vay nâng mức đạt tỷ lệ thấp. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là do đa số các tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn đều có chung tâm lý lo ngại nếu cho vay cao, các hộ sử dụng không hiệu quả, dễ dẫn đến nợ xấu, làm ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của tổ. Cùng với đó, bản thân tổ trưởng sẽ vất vả hơn trong việc đôn đốc, nhắc nhở trả lãi và nợ gốc, cũng như làm ảnh hưởng đến công tác thi đua khen thưởng và một số nội dung khác của tổ. Chính vì thế, có những hộ mặc dù có nhu cầu, nhưng chỉ cần có một yếu tố được cho là rủi ro như có vợ hoặc chồng không chí thú làm ăn, nghiện hút, cờ bạc, sức khỏe yếu…, nhiều tổ tiết kiệm và vay vốn sẽ không xem xét cho vay nâng mức.
Thêm một nguyên nhân khác là công tác tuyên truyền về các quy định cho vay nâng mức ở nhiều nơi còn chưa thực sự được quan tâm. Chính vì thế, nhiều hộ dân đến nay vẫn không biết được mình thuộc đối tượng được vay tối đa 100 triệu đồng.
Được vay 96 triệu đồng từ Chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo, anh Bùi Trung Dũng, xóm 2, xã Phúc Hà (TP. Thái Nguyên) có điều kiện mở rộng quy mô xưởng sản xuất đồ gỗ.
Ngoài ra, theo phân tích của một số tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn, trong những năm gần đây, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm diễn biến ngày càng phức tạp. Cùng với đó là ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã khiến việc tiêu thụ nông sản và nhiều sản phẩm khác của người dân trở nên khó khăn. Vì thế, nhiều hộ dân không dám vay nhiều vốn để đầu tư do lo ngại không mang lại hiệu quả. Lại có những hộ, có con hoặc vợ, chồng làm tại các công ty, doanh nghiệp với mức thu nhập ổn định nên có điều kiện về vốn mà không cần đến nguồn vay từ NHCSXH.
Bà Trần Thị Mỹ Hà, Chủ tịch UBND xã Linh Sơn (TP. Thái Nguyên), chia sẻ: Toàn xã hiện có 67 hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo. Tuy nhiên, chưa có hộ nào vay trên 50 triệu đồng. Nguyên nhân là do người dân chỉ có nhu cầu vay ở mức đó, họ lo ngại nếu vay 100 triệu đồng mà không sử dụng hết thì ảnh hưởng đến việc trả nợ sau này.
Đây cũng là thực trạng chung của TP. Thái Nguyên, vì tính đến đầu tháng 4-2022, toàn thành phố mới có 7/517 món vay từ 50 triệu đồng trở lên (chiếm tỷ lệ 1,3%).
Còn theo chị Triệu Thị Tươi, xóm Mãn Quang, Hợp Thành (Phú Lương): Gia đình tôi trước đây vay vốn hộ nghèo nhưng từ năm 2021, đã chuyển sang vay vốn hộ mới thoát nghèo, với mức vay 50 triệu đồng, để nuôi trâu. Tôi cứ nghĩ, đó là mức vay tối đa. Nếu đúng là được vay 100 triệu đồng, tôi cũng muốn được vay thêm để đầu tư phát triển kinh tế gia đình.
Không chỉ các hộ vay, một số cán bộ xã cũng chưa thực sự nắm bắt đầy đủ về các chương trình cho vay này. Ông Đỗ Ngọc Đông, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Hòa (Đồng Hỷ) cho rằng: Do nhu cầu người vay lớn, trong khi nguồn vốn vay các chương trình lại không đủ đáp ứng nên xã chỉ đạo bà con nhân dân có sự chia sẻ để nhiều người có cơ hội được tiếp cận nguồn vốn. Nếu để ở mức 100 triệu đồng thì số người được vay sẽ bị hạn chế hơn.
Ngoài ra, lại có hộ cho rằng, muốn được vay nâng mức thì phải trả xong toàn bộ số nợ cũ nên không dám đặt vấn đề vay ở mức cao hơn.
Thiết nghĩ, việc đảm bảo chất lượng tín dụng là điều rất cần thiết và yêu cầu bắt buộc đối với tất cả các ngân hàng. Tuy nhiên, theo đồng chí Bùi Văn Khoa, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh: Không nên vì quá lo chất lượng mà không đảm bảo hài hòa nhu cầu vốn phát triển kinh tế của người dân… Với thực trạng hiện nay, điều cần làm trước nhất là NHCSXH tỉnh và các hội, đoàn thể sớm có các giải pháp hiệu quả hơn để có nhiều hơn hộ dân được vay nâng mức.