Ngân hàng - doanh nghiệp cùng vượt khó

15:05, 02/05/2022

Có lẽ chưa bao giờ ngành Ngân hàng (NH) lại “kề vai sát cánh” cùng cộng đồng doanh nghiệp (DN), hộ kinh doanh như hơn 2 năm qua, kể từ khi dịch COVID-19 xuất hiện tại nước ta. Đã có rất nhiều cách thức hỗ trợ được các NH triển khai, từ đó góp phần quan trọng giúp hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN vay vốn được duy trì, dần lấy lại đà tăng trưởng, đồng thời cũng giúp các NH vượt qua khó khăn của chính mình.

Kề vai sát cánh
Là đơn vị cho vay DN chiếm tỷ trọng lớn nhất trong hệ thống các NH trên địa bàn tỉnh, hơn 2 năm qua, NH TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) Chi nhánh Thái Nguyên luôn tích cực, chủ động triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ các khách hàng vượt qua khó khăn. 

Theo ông Hà Mậu Quý, Giám đốc BIDV Thái Nguyên: Để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp bởi dịch COVID-19, Chi nhánh đã đồng thời thực hiện nhiều biện pháp. Trước hết là giảm lãi suất các khoản vay hiện hữu, với mức giảm bình quân từ 0,75-1,5%/năm; giảm lãi suất từ 2-3% so với lãi suất thông thường cho hơn 250 DN với doanh số giải ngân lũy kế đến hết tháng 3-2022 lên tới hơn 50.000 tỷ đồng. Cùng với đó là cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ đối với một số DN thuộc đối tượng với tổng số tiền được cơ cấu 203 tỷ đồng...

Cũng có các giải pháp hỗ trợ tương tự, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc NH TMCP Ngoại thương (Viecombank) Chi nhánh Thái Nguyên chia sẻ: Vietcombank xác định rõ vai trò, trách nhiệm của một tổ chức tín dụng (TCTD) lớn, đó là vừa phải bảo đảm hoạt động kinh doanh an toàn, hiệu quả, vừa chuẩn bị tốt mọi nguồn lực để thực thi tốt chủ trương, chính sách của Chính phủ và NH Nhà nước trong việc hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn. 

Nhờ đó đã tạo thêm sự gắn kết, hợp tác giữa khách hàng với Vietcombank; tăng số lượng khách hàng sử dụng sản phẩm dịch vụ tại Chi nhánh. Tính đến cuối quý I/2022, huy động vốn của Chi nhánh đạt 2.790 tỷ đồng, tăng 5,7%, dư nợ cho vay đạt 3.182 tỷ đồng, tăng 18,9% so với cuối năm 2021.

Đối với NH TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) Chi nhánh Thái Nguyên, tính đến cuối quý I/2022, trong tổng số 5.250 tỷ đồng dư nợ của Chi nhánh thì dư nợ được ưu đãi lãi suất chiếm tới 85%. Ngoài ra, trên 70 tỷ đồng của khách hàng đã được Chi nhánh cơ cấu lại nợ, qua đó giúp khách hàng ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh, trả nợ đúng hạn nên dư nợ cơ cấu giữ nguyên nhóm nợ đã bằng 0. 

Đặc biệt, đơn vị còn áp dụng linh hoạt cơ chế cho vay bảo đảm một phần đối với các khách hàng DN đủ điều kiện với mức cho vay không có tài sản lên tới 30% tổng dư nợ, từ đó hỗ trợ các DN có tình hình sản xuất, kinh doanh và tài chính tốt có điều kiện về vốn để phát triển, tăng trưởng quy mô… 

Cân bằng cung - cầu
Trao đổi về nội dung này, ông Bùi Văn Khoa, Giám đốc NH Nhà nước Chi nhánh tỉnh cho biết: Lũy kế đến đầu tháng 4-2022, các TCTD trên địa bàn tỉnh đã miễn giảm lãi vay từ 0,15-2%/năm với dư nợ 3.075 tỷ đồng, cho 3.259 khách hàng, số lãi được miễn giảm là 1,4 tỷ đồng. Cơ cấu thời hạn trả nợ và tạm thời giữ nguyên nhóm nợ cho 6.030 khách hàng, với dư nợ 8.923 tỷ đồng. Doanh số cho vay mới với lãi suất ưu đãi lên tới 118.502 tỷ đồng, với 27.513 khách hàng còn dư nợ; cho vay đối với 11 DN để trả lương ngừng việc và lương phục hồi sản xuất cho người lao động với lãi suất 0%, số tiền giải ngân đạt 5 tỷ đồng.

Với việc được các ngân hàng hỗ trợ lãi suất với mức tối đa đã giúp nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh duy trì hoạt động, lấy lại đà tăng trưởng.

Có thể nói, sự đồng hành của ngành NH đã góp phần quan trọng giúp các DN khôi phục sản xuất, kinh doanh, quay lại với nhịp độ hoạt động trước đây. Đồng thời cũng giúp ngành NH vượt qua khó khăn, gia tăng các sản phẩm, dịch vụ. Chính vì thế, nhu cầu về vốn của các DN ngay từ quý I năm nay tăng cao gấp 2-3 lần so với quý I những năm gần đây. Kết quả này cho thấy “sức khỏe” của các DN đang được cải thiện, dòng vốn lưu thông hiệu quả, nhờ đó đã tác động tích cực đến tốc độ tăng trưởng kinh tế...

Tuy nhiên, theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, năm 2022 vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức đặt ra đối với nền kinh tế, không ít DN chưa thể phục hồi ngay sau một thời gian dài bị đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất đình trệ… Do đó, các DN, hộ kinh doanh và cả người tiêu dùng vẫn rất cần sự đồng hành của ngành NH cũng như việc sớm triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

 

Tính đến hết quý I/2022, tổng nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn tỉnh đạt 89.877 tỷ đồng, tăng 5,88%; dư nợ cho vay đạt 74.989 tỷ đồng, tăng 4,89% so với cuối năm 2021. Tỷ lệ nợ xấu tiếp tục duy trì ở mức thấp, với 552 tỷ đồng, chiếm 0,74% trong tổng dư nợ.