Doanh nghiệp Phổ Yên “căng mình” vượt khó

08:28, 13/08/2022

Tính đến hết tháng 7, giá trị sản xuất công nghiệp năm 2022 trên địa bàn TP. Phổ Yên đạt gần 418 nghìn tỷ đồng, bằng 49,9% kế hoạch, nhưng vẫn đạt mức tăng trưởng 12,5% so với cùng kỳ năm 2021. Trước bối cảnh tình hình sản xuất - kinh doanh gặp nhiều khó khăn do lạm phát tăng cao, kết quả trên cho thấy sự nỗ lực lớn từ phía các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn.

Ảnh hưởng lớn nhất hiện nay đối với các DN là lạm phát tăng cao do giá nhiều loại nguyên liệu, vật tư đầu vào, đặc biệt là giá xăng, dầu những tháng đầu năm luôn ở mức cao... đã gây áp lực lớn cho cho hầu hết các hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn TP. Phổ Yên. Một trong số những ngành nghề chịu ảnh hưởng nặng nề là gia công, chế tạo kết cấu thép vì không tìm được thị trường tiêu thụ.

Ông Lê Mạnh Cường, Giám đốc Công ty CP thương mại thép Việt Cường, ở phường Ba Hàng, cho biết: Thời gian qua, giá thép liên tục tăng cao khiến thị trường tiêu thụ gần như bị “đóng băng”, do không có đầu ra. Từ đầu năm đến nay, doanh thu của Công ty chỉ đạt 21 tỷ đồng, bằng 20% kế hoạch cả năm.

Cũng với ngành nghề tương tự, doanh thu 7 tháng qua của Công ty CP kết cấu thép và xây dựng Tân Khánh, ở phường Đắc Sơn, ước đạt 70 tỷ đồng, chỉ bằng 90% kế hoạch đề ra.

Trước khó khăn trên, các công ty đã hạn chế nhập thép với số lượng lớn để tránh "chôn vốn"; tích cực ứng dụng sáng kiến cải tiến kỹ thuật, tăng năng suất lao động, tiết giảm tối đa chi phí đầu vào...

Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, nhiều DN của Phổ Yên đã phải cắt giảm lợi nhuận để có đơn hàng. Đơn cử như tại Công ty CP Prime Phổ Yên chuyên sản xuất gạch ốp lát, ông Nguyễn Văn Diên, Phó Giám đốc phụ trách sản xuất - kinh doanh, chia sẻ: Giá than tăng đến 200% so với cùng kỳ, cộng với các chi phí nguyên liệu sản xuất, cước vận chuyển tăng theo giá xăng, dầu đã "đội" giá thành sản phẩm của Công ty tăng tới gần 20%. Tuy vậy, Công ty không tăng giá bán sản phẩm mà chấp nhận giảm lợi nhuận để giữ vững thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đó, Công ty cũng đã chuyển sang sử dụng 100% chất đốt có nguồn gốc từ gỗ để thay thế than hóa thạch tại các lò đun tần sôi nhằm tiết kiệm chi phí.

Nhờ vậy, trong 7 tháng vừa qua, Công ty CP Prime Phổ Yên tiêu thụ 6 triệu m2 gạch lát nền các loại, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2021. Anh Ma Đình Biển, công nhân Công ty, cho hay: Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, áp lực nhưng Ban Giám đốc Công ty đã nỗ lực tìm giải pháp tháo gỡ để bảo đảm việc làm cho người lao động chúng tôi, với thu nhập bình quân đạt 9,5 triệu đồng/người/tháng (tăng 500 nghìn đồng so với năm 2021). 

Để tạo thuận lợi cho DN, một trong những giải pháp được TP. Phổ Yên quan tâm là cải cách thủ tục hành chính. Trong ảnh: Bộ phận “một cửa” tại UBND TP. Phổ Yên. 

Không riêng các DN trong nước, DN có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động trên địa bàn TP. Phổ Yên ở nhiều lĩnh vực như: Sản xuất linh phụ kiện điện tử, sản phẩm ống nhựa... cũng gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ.

Ông Lại Duy Đông, Giám đốc Công ty TNHH nhựa Châu Âu Xanh (đơn vị có 50% vốn đầu tư nước ngoài) ở Khu công nghiệp Nam Phổ Yên, tính toán: Là đơn vị chuyên sản xuất ống nhựa phục vụ các công trình xây dựng, việc chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng cao khiến Công ty phải "đau đầu" tính toán tăng giá thành phẩm. Bởi nếu giữ nguyên giá cũ thì DN sẽ phải bù lỗ. Vì vậy, Công ty buộc phải tăng giá bán lên 15% để bảo đảm có lợi nhuận, duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh. Tuy nhiên, điều này cũng khiến cho thị trường tiêu thụ có phần bị ảnh hưởng. Theo đó, doanh thu 7 tháng qua của Công ty chỉ đạt 400 tỷ đồng (giảm 5% so với cùng kỳ năm 2021).

Ông Trần Xuân Trường, Phó Chủ tịch UBND TP. Phổ Yên, đánh giá: Mặc dù giá trị sản xuất công nghiệp toàn thành phố trong 7 ttháng qua chỉ đạt gần 49,9% so với kế hoạch nhưng vẫn tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2021. Điều này, cho thấy các DN trên địa bàn đã có sự phục hồi sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, trước khó khăn mới do ảnh hưởng của giá nguyên, nhiên vật liệu tăng cao nên mức tăng trưởng của các DN nói chung, DN sản xuất công nghiệp nói riêng trên địa bàn chưa đạt như kỳ vọng. Dù vậy, kết quả này cũng đáng được ghi nhận bởi đó là sự nỗ lực lớn từ phía cộng đồng các DN. Cùng với đó là vai trò đồng hành của chính quyền thành phố trong việc tích cực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; cải cách thủ tục hành chính, triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ, gia hạn thời hạn nộp thuế, giảm thuế, giãn thuế... cho DN. 

Theo kế hoạch năm 2022, TP. Phổ Yên phấn đấu đạt giá trị sản xuất công nghiệp trên 840 nghìn tỷ đồng. Như vậy, từ nay đến cuối năm, giá trị sản xuất công nghiệp cần đạt hơn 84 nghìn tỷ đồng/tháng. Để hoàn thành mục tiêu này, thành phố tập trung thực hiện một số giải pháp như: Tiếp tục nâng cao chất lượng cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh; đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án xây dựng hạ tầng Cụm công nghiệp Tân Phú 1, Tân Phú 2, mở rộng Cụm công nghiệp số 3 Đa Phúc và khu công nghiệp Yên Bình giai đoạn II; hỗ trợ nâng cao năng lực các DN công nghiệp thông qua các giải pháp hỗ trợ về tín dụng, nguồn nhân lực, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và phát triển thị trường; cũng như các ưu đãi về thuế và đất đai theo quy định của pháp luật...