Một trong những mục tiêu trọng tâm nhằm phát triển kinh tế - xã hội TP. Sông Công giai đoạn 2020-2025 là đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao tỷ trọng các ngành công nghiệp, xây dựng và thương mại, dịch vụ, phát triển ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản theo hướng nâng cao giá trị. Sự chuyển dịch cơ cấu các ngành kinh tế đã góp phần nâng cao chất lượng tăng trưởng, tạo tiềm lực vững chắc để thành phố phấn đấu trở thành đô thị loại II vào cuối năm 2022.
Khu công nghiệp Sông Công II được mở rộng thêm 300ha là điều kiện thuận lợi để TP. Sông Công đẩy mạnh thu hút đầu tư, gải quyết việc làm cho người lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại địa phương. |
Đồng chí Vũ Duy Nghĩa, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Sông Công, cho biết: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ IX, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra mục tiêu phấn đấu xây dựng Sông Công là một trong 3 khu vực trọng điểm của tỉnh về phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Trên cơ sở này, thành phố đã tập trung thu hút đầu tư các dự án phát triển công nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ cao, thân thiện với môi trường nhằm tạo việc làm và tăng thu nhập cho người lao động. Cùng với đó, phát triển thương mại, dịch vụ theo hướng đô thị văn minh, hiện đại.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, TP. Sông Công đã dành nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng các tuyến giao thông huyết mạch, xây mới và nâng cấp hệ thống giao thông đô thị. Công tác giải phóng mặt bằng cũng được thành phố ưu tiên thực hiện, nhằm tạo quỹ đất thu hút các nhà đầu tư. Trong 5 năm gần đây, Sông Công đã phối hợp giải phóng mặt bằng được trên 500ha đất để triển khai các dự án, tổng kinh phí hỗ trợ, bồi thường gần 1.600 tỷ đồng. Trong đó, giải phóng mặt bằng xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp là trên 335ha; xây dựng khu đô thị, khu dân cư trên 113ha; xây dựng các dự án thương mại, dịch vụ 15ha…
Với lợi thế có 2 khu công nghiệp lớn của tỉnh đứng chân (Khu công nghiệp Sông Công I và Khu công nghiệp Sông Công II) cùng hệ thống giao thông kết nối đồng bộ với một số tỉnh lân cận, thời gian qua, TP. Sông Công đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển công nghiệp.
Trong đó, địa phương ưu tiên phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ vi mạch; điện tử, điện lạnh ứng dụng công nghệ số; công nghiệp chế biến lâm sản; công nghiệp hạ tầng xử lý môi trường và chất thải. Đồng thời tiếp tục duy trì và phát triển nhóm ngành công nghiệp cơ khí, công nghiệp may mặc xuất khẩu... Chỉ tính riêng từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn thành phố đã có 15 doanh nghiệp được thành lập mới; thu hút 3 dự án đầu tư vào Khu công nghiệp Sông Công I và Khu công nghiệp Sông Công II, với tổng số vốn đầu tư 197 tỷ đồng và 30 triệu USD; tỷ lệ lấp đầy tại các cụm công nghiệp đạt 60-80%.
Hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn TP. Sông Công phát triển mạnh, với trên 3.600 cơ sở, đại lý bán lẻ, phân bố đều ở các xã, phường. |
Lĩnh vực thương mại, dịch vụ cũng được TP. Sông Công triển khai hiệu quả. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành thương mại, dịch vụ bình quân giai đoạn 2019-2021 đạt 7,5%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ từ đầu năm 2022 đến nay của thành phố đạt trên 982 tỷ đồng, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2021.
Để có được kết quả này, thành phố đã quy hoạch sắp xếp, nâng cấp các chợ truyền thống; xây dựng và đưa vào hoạt động các tổ hợp dịch vụ và trung tâm thương mại... nhằm đáp ứng nhu cầu kinh doanh, mua sắm của nhân dân.
Bà Nguyễn Thị Hoa, một tiểu thương tại Khu dịch vụ tổ 7-8 phường Mỏ Chè, chia sẻ: Cơ sở vật chất tại đây được đầu tư xây dựng khang trang, các gian hàng được bố trí, sắp xếp khoa học đã thu hút đông đảo khách hàng đến tham quan, mua sắm và giúp tiểu thương chúng tôi yên tâm kinh doanh. Đặc biệt, trong các giao dịch thông thường, người dân đã bắt đầu thanh toán qua hệ thống điện tử, hạn chế dùng tiền mặt nên rất tiện lợi.
Trong lĩnh vực du lịch và dịch vụ, TP. Sông Công đã tập trung khai thác lợi thế cảnh quan hồ Gềnh Chè, hai bên bờ sông Công, các điểm di tích lịch sử, làng nghề chè truyền thống… Đến nay, thành phố dành nguồn lực hàng tỷ đồng mỗi năm để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhằm phát triển du lịch sinh thái gắn với du lịch trải nghiệm. Trên cơ sở này, một số nhà đầu tư có tiềm lực tài chính đã đến nghiên cứu khảo sát, đầu tư khu dịch vụ tổng hợp sân golf, khu nghỉ dưỡng tại xã Bình Sơn và phường Châu Sơn. Từ đó, mở ra cơ hội lớn để phát triển lĩnh vực thương mại - du lịch, dịch vụ của thành phố.
Từ những định hướng phát triển kinh tế đúng đắn và phù hợp, bức tranh kinh tế - xã hội của TP. Sông Công trong những năm qua đã có nhiều khởi sắc, nổi bật là sự chuyển dịch về cơ cấu kinh tế. Nếu như năm 2018, tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng chiếm gần 60%; thương mại - dịch vụ chiếm 30,8%; nông - lâm nghiệp và thủy sản chiếm 9,3% thì đến nay, tỷ trọng các ngành lần lượt là: 75,4%, 17,4% và 7,2%. Trong tổng số gần 120 nghìn lao động trên địa bàn, có trên 80% lao động làm việc trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Qua đó, góp phần đưa thu nhập bình quân của người dân thành phố tăng từ 50 triệu đồng (năm 2019) lên 70 triệu đồng/người/năm (năm 2021); tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 2,5%...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin