Thực hiện ''hai không'', nhiều HS bỏ học

09:28, 31/10/2007

Cuộc vận động "hai không" với nội dung: chống "ngồi nhầm lớp" đã "cho" nhiều HS phải ở lại lớp. Tỷ lệ lưu ban cao, đồng nghĩa với việc nhiều HS bỏ học do không chịu học lại, do hoàn cảnh gia đình.

Miền núi: Không cho lên lớp - bỏ học

Năm học 2007 - 2008, số HS bỏ học của Nghệ An là 1,7% với gần 11.000 em. Trong đó, hệ THPT có gần 4.000 HS, THCS hơn 4.000 HS, Tiểu học có 568 HS và hệ bổ túc văn hoá có khoảng 1.700 HS không đến lớp.

So với mọi năm, tỷ lệ HS bỏ học gấp 1,5 lần. Theo Phạm Huy Đức, Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT Nghệ An, lý do bỏ học, cũng như những năm trước, chủ yếu là HS lưu ban. Đối tượng bỏ học phần nhiều là HS nữ, chủ yếu là người H’Mông, chỉ học hết tiểu học là dừng, ở nhà lao động và lấy chồng.

Tỷ lệ bỏ học nhiều hơn gấp rưỡi năm ngoái là do năm nay thực hiện cuộc vận động "hai không", trong đó, có nội dung không để HS "ngồi nhầm lớp". Giải thích lý do, ông Đức cho biết thêm "ngành giáo dục Nghệ An không bất ngờ với kết quả này".

Cận kề Hà Nội, Bắc Ninh, vùng đất có truyền thống hiếu học, cũng có tỷ lệ lưu ban và bỏ học cao hơn những năm trước. Ở bậc tiểu học, số HS lưu ban là 1.400 em, trong đó có 9 em bỏ học; THCS có hơn 1.600 em lưu ban, 20 em bỏ học và THPT có 580 em lưu ban, 264 em bỏ học.

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Bắc Ninh Hoàng Sỹ Phương thông tin, số HS bỏ học ở cấp THPT cao, tập trung chủ yếu ở khối trường dân lập. Năm nay, học phí các trường dân lập được thu theo cơ chế thỏa thuận nên cao hơn mọi năm. HS ở lại lớp không đi học tiếp. Riêng HS trượt tốt nghiệp lớp 12 vừa rồi, không ai đăng ký đi học lại.

Ngay từ đầu năm học, tỉnh Bắc Kạn đã tiến hành rà soát lại trình độ HS. Ở lớp 6, có 170 HS (trong tổng số hơn 5.000 em) "không đạt chuẩn", phải lưu ban. "Đến nay, chưa thấy báo có HS bỏ học. Con số cụ thể phải đến hết học kỳ I mới thống kê. Tuy nhiên, tỷ lệ bỏ học năm nay chắc chắn tăng, có khả năng chiếm 1%". Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Văn Bền cho biết. Mọi năm, tỷ lệ bỏ học ở tỉnh khoảng 0,3-0,4%.

Chưa ảnh hưởng đến... phổ cập

Ông Nguyễn Thế Thọ, Giám đốc Sở GD-ĐT Bắc Giang cho hay, tại địa phương, ở các cấp học, nhà trường đều gắn với chính quyền cấp xã, phường, gắn với tiêu chuẩn gia đình văn hóa. Bên cạnh đó, tạo điều kiện về kinh phí, như miễn hoặc giảm tiền học. Hoặc, mở lớp bổ túc phổ cập tại chỗ.

Vừa rồi, Sở đã kiến nghị Bộ cần tăng thêm kinh phí để duy trì phổ cập. Vì nếu làm nghiêm túc chống "ngồi nhầm lớp", chắc chắn tỷ lệ HS bỏ học sẽ tăng và như vậy sẽ khó khăn hơn trong việc duy trì phổ cập.

Ông Đức thì lạc quan, tỷ lệ HS bỏ học như vậy không ảnh hưởng đến kết quả phổ cập. Vì tiêu chuẩn phổ cập yêu cầu tỷ lệ HS lên lớp là 90% (miền núi: 80%). Theo ông, con số 11.000 HS bỏ học, so với các tỉnh khác là nhiều, nhưng so với số lượng 600.000 HS phổ thông của Nghệ An thì không đáng kể.

Điều này, được lãnh đạo Sở "xác định từ cuối năm học trước". Bởi vậy, ngay từ đầu năm, đã tổ chức cho các thầy cô giáo đến tận nhà vận động HS trở lại học. Ở Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Kỳ Sơn, 62 HS không được lên lớp 11, có 30 em trở lại trường; trong số 31 HS lớp 11 không "lên nổi" lớp 12, có hơn 10 em trở lại lớp.

Một giải pháp khác là kết hợp với chính quyền địa phương. Trường hợp HS quá nghèo sẽ có Hội Khuyến học hỗ trợ. Ông Đức cho biết, trên thực tế, đến nay chưa có huyện nào báo cáo có HS quá khó khăn phải bỏ học.

"Thông thường, HS bỏ học quay trở về địa phương sản xuất. Nhiều em đã vào Nam lao động. Vì HS ở miền núi thường có việc làm hết, không phải bỏ học ở nhà lêu lổng, khác với thành phố".

Thực hiện cuộc vận động "hai không" với việc chống "ngồi nhầm lớp", nhiều HS không đạt chuẩn đã phải "cho" học lại. Tâm lý e ngại, mặc cảm, hoàn cảnh gia đình... đã dẫn đến việc tỷ lệ HS bỏ học tăng cao. Giải pháp xã hội cho những HS này đang còn bỏ ngỏ...