Trường Trung cấp nghề Nam Thái Nguyên tiền thân là Trung tâm Dạy nghề của huyện Phổ Yên được thành lập từ năm 2005 với nhiệm vụ đào tạo nghề ngắn hạn, giới thiệu việc làm cho người lao động trên địa bàn huyện.
Do vậy, những ngày mới thành lập, các nguồn lực về con người, cơ sở vật chất của đơn vị đều thiếu và gặp nhiều khó khăn, hạn chế, nhất là đội ngũ giáo viên có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm. Nhưng được sự quan tâm thường xuyên của cấp ủy, chính quyền huyện Phổ Yên và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, sự đoàn kết, thống nhất của đội ngũ cán bộ trong đơn vị, Trung tâm Dạy nghề Phổ Yên đã không ngừng phát triển để đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho hàng ngàn lao động.
Hơn 4 năm qua, Trung tâm Dạy nghề Phổ Yên đã thực hiện đào tạo các nghề như: may công nghiệp; quản lý điện nông thôn, sửa chữa điện; mây tre đan xuất khẩu; công nghệ thông tin; mộc mỹ nghệ và gia dụng; chăn nuôi công nghiệp với tổng số 5.234 lao động. Trong đó, nghề may công nghiệp, Trung tâm đào tạo 1.331 lao động và 100% số học viên này sau khi tốt nghiệp đã được một số doanh nghiệp như: HTX may Tân Bình Minh, Công ty cổ phần Đầu tư - Thương mại TNG, Công ty may Hà Phú (Hà Tây), Công ty may Thăng Long (Hà Nội), Công ty may mặc Vitgarment (Vĩnh Phúc) tuyển dụng… với mức thu nhập đạt khoảng 1,2 triệu đồng/người/tháng. Đối với nghề quản lý điện nông thôn, sửa chữa điện lạnh - điện dân dụng, Trung tâm chỉ đào tạo 182 học viên nhưng hầu hết học viên sau khi có nghề đã tìm được việc làm ngay tại các trạm điện, HTX dịch vụ điện trong huyện. Riêng với nghề mây tre đan xuất khẩu, đào tạo 1.610 lao động, mộc mỹ nghệ và gia dụng đào tạo 420 lao động, tin học văn phòng đào tạo 1.242 lao động, nghề hàn đào tạo 30 lao động, chăn nuôi công nghiệp đào tạo 419 lao động, các lao động đều được Trung tâm phối hợp với các xã để đào tạo gắn với các làng nghề hoặc những nơi có khả năng phát huy được những nghề đã học.
Đơn cử như hầu hết những lao động học nghề mây tre đan xuất khẩu, mộc đều phát huy được những kiến thức đã học tại làng nghề ở các vùng trong huyện Phổ Yên như: thôn Thái Cao, Giã Trung của xã Tiên Phong; các khu vực có nghề chăn nuôi công nghiệp phát triển tại các xã Hồng Tiến, Đồng Tiến, Minh Đức, Phúc Thuận (đến nay trong huyện đã có 10 tổ hợp chăn nuôi công nghiệp được thành lập). Việc gắn kết giữa đào tạo và giải quyết việc làm của Trung tâm Dạy nghề Phổ Yên đã góp phần nâng cao nhận thức của người lao động trên địa bàn về tầm quan trọng của việc học nghề, cũng như uy tín về chất lượng đào tạo của đơn vị đối với người lao động. Song song với việc đào tạo nghề tại chỗ, Trung tâm Dạy nghề Phổ Yên còn phối hợp với 12 cơ sở sản xuất kinh doanh, các cơ sở đào tạo nghề trong, ngoài tỉnh để tổ chức đào tạo nghề có trình độ từ sơ cấp trở lên cho trên 2.000 lao động.
Bên cạnh việc thực hiện đào tạo nghề theo nhu cầu của lao động trên địa bàn huyện Phổ Yên và các vùng phụ cận (Phú Bình, T.X Sông Công và huyện Hiệp Hòa - Bắc Giang), Trung tâm Dạy nghề Phổ Yên còn thực hiện hiệu quả công tác đào tạo nghề miễn phí cho các đối tượng chính sách trên địa bàn như: người lao động thuộc diện hộ nghèo, con em gia đình chính sách xã hội, người khuyết tật, người dân thuộc diện Nhà nước thu hồi đất sản xuất nông nghiệp phục các dự án phát triển công nghiệp trên địa bàn. Việc làm này đã góp phần giải quyết tốt các vấn đề xã hội tại Phổ Yên, giúp các đối tượng chính sách có nghề phù hợp để đảm bảo nguồn thu nhập, từng bước ổn định cuộc sống.Tuy nhiên, trong nhu cầu phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp và dịch vụ càng đòi hỏi sự cần thiết phải có đội ngũ lao động đã qua đào tạo. Do vậy, những kết quả mà Trung tâm Dạy nghề Phổ Yên đã đạt được trong thời gian qua vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của nền kinh tế của huyện Phổ Yên nói riêng và cả tỉnh nói chung.
Sự quan tâm đầu tư của Trung ương, của tỉnh và huyện Phổ Yên để Trung tâm Dạy nghề Phổ Yên được nâng cấp thành Trường Trung cấp nghề Nam Thái Nguyên là điều vinh dự, sự tín nhiệm của các cấp, ngành đối với tập thể cán bộ, giáo viên của đơn vị. Nhưng đi theo đó là nhiều khó khăn, thách thức mà tập thể cán bộ, giáo viên Trường Trung cấp nghề Nam Thái Nguyên phải nỗ lực để vượt qua. Hơn nữa là có sự quan tâm đặc biệt từ các cấp, ngành để Nhà trường từng bước đi vào hoạt động ổn định, góp phần đóng góp công sức, trí tuệ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đất nước.