Đó là yêu cầu mà Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân vừa đưa ra tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2009 - 2010 ngày 25-8 với sự tham dự của 376 hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng trong cả nước.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân khẳng định giáo dục đại học có 3 vấn đề bất cập lớn cũng là "3 câu hỏi cần có lời giải".
Thứ nhất là đảm bảo chất lượng bậc đại học như thế nào khi chưa có hệ thống giám sát chất lượng đầy đủ. Vừa qua chỉ có 54% số trường gửi báo cáo tổng kết về Bộ, còn lại 46% không có báo cáo? (Nguyên nhân là do các trường trực thuộc Bộ chỉ chiếm số nhỏ, còn phần lớn trực thuộc các bộ, ngành khác hoặc thuộc các địa phương).
Thứ hai là quản lý các trường như thế nào? Hiện nay Bộ Giáo dục Đào tạo trực tiếp quản lý, nếu mỗi tuần Bộ đi kiểm tra 2 trường thì phải mất tới 3 năm mới làm việc hết 1 lượt hơn 370 trường. Bộ không nhớ hết tên các hiệu trưởng. Do vậy, phương pháp Bộ trực tiếp quản lý là khó khả thi. Thực tế này đòi hỏi phải phân cấp mạnh, giao cho các tỉnh, địa phương tham gia quản lý các trường. Thứ ba là sử dụng ngân sách cho giáo dục đại học như thế nào để đạt hiệu quả? Luật Giáo dục quy định cần tăng quyền tự chủ cho các trường. Tuy nhiên quyền tự chủ phải đi đôi với việc tự chịu trách nhiệm. Cần phải làm rõ việc sử dụng ngân sách và chất lượng đào tạo của nhà trường là do ai chịu trách nhiệm: hiệu trưởng, Hội đồng nhà trường, giáo viên, tổ bộ môn hay giáo viên?
Hiện nay, hệ thống giáo dục đại học có sự phát triển mạnh về quy mô với số trường tăng gấp 3,7 lần so với năm 1987. Tuy nhiên, chưa có sự cân đối giữa nhu cầu đào tạo và khả năng đào tạo: Tổng số sinh viên tăng 13 lần trong khi số giảng viên chỉ tăng 3 lần.
Nét nổi bật trong năm học vừa qua là Chương trình đào tạo của các trường đại học tiên tiến trong khu vực và thế giới đã được thí điểm triển khai rộng rãi tại nhiều trường. Các trường đẩy mạnh đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, thi kiểm tra, đánh giá, biên soạn giáo trình đảm bảo đủ giáo trình có chất lượng phục vụ giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học, nhất là các môn học chuyên ngành. Số lượng và chất lượng đội ngũ giảng viên tiếp tục được các trường quan tâm. Năm học 2009 - 2009, số giảng viên cơ hữu của các trường đại học, cao đẳng tăng 9,03% so với năm trước với tỷ lệ giảng viên có trình độ cao như giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ, thạc sỹ cao hơn.
Trong năm học mới, để đảm bảo bài toán chất lượng đào tạo, Bộ chủ trương giáo dục đại học sẽ tập trung vào những nội dung chính sau: Trước hết là tiếp tục thực hiện các cuộc vận động giúp cán bộ quản lý, giảng viên và sinh viên xác định rõ đổi mới quản lý giáo dục đại học là khâu đột phá để nâng cao chất lượng giáo dục.
Về đào tạo, các trường sẽ có phần mềm tổ chức và quản lý đào tạo, tài liệu hướng dẫn đào tạo theo tín chỉ. Đồng thời các trường sẽ thực hiện việc công bố chuẩn đầu ra và 3 công khai về cam kết chất lượng đào tạo và chất lượng đào tạo thực tế; tỷ lệ sinh viên có việc làm và học lên trình độ cao hơn sau 1 năm ra trường; điều kiện đảm bảo chất lượng như cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý và nhân viên và công khai thu chi tài chính theo đúng quy chế.
Trong năm học mới 2009-2010, đổi mới công tác xây dựng kế hoạch khoa học và công nghệ, xây dựng quy định gắn kết đào tạo nghiên cứu sinh với hoạt động nghiên cứu khoa học là nhiệm vụ trọng tâm về hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ ở các trường đại học, cao đẳng.
Các trường đại học sẽ thực hiện việc đăng ký kiểm định chất lượng giáo dục để năm học 2009 - 2010 có 90% số các trường hoàn thành báo cáo tự đánh giá và khuyến khích các trường đăng ký kiểm định trường, chương trình bởi các tổ chức quốc tế. Trong năm học mới 2009-2010, hội đồng Hiệu trưởng các trường đại học sẽ được thành lập nhằm tư vấn cho Bộ những vấn đề liên quan đến phát triển ngành, đồng thời hỗ trợ lẫn nhau, chia sẻ nguồn lực giữa các trường. Ngoài đề án 322, giáo dục đại học trong năm tới sẽ tăng cường khai thác học bổng quốc tế cũng như thương lượng, ký kết các thỏa thuận công nhận tương đương bằng cấp giữa Việt Nam và các nước, các hiệp định hợp tác về giáo dục với nước ngoài.
Trong năm học này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đẩy mạnh thanh tra các hoạt động liên kết đào tạo, đào tạo theo hình thức vừa học vừa làm. Các trường cần tổ chức thanh tra, kiểm tra việc hoàn chỉnh chương trình đào tạo, đổi mới phương pháp dạy và học, kiểm tra đánh giá kết quả học tập...
Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tổ chức ít nhất 9 hội nghị quy mô lớn; hoàn thành kênh thông tin có nhiệm vụ kết nối và theo dõi các hoạt động của sinh viên sau khi tốt nghiệp, là cầu nối để doanh nghiệp gặp gỡ, hỗ trợ sinh viên, gắn kết đào tạo trong nhà trường với nhu cầu xã hội vào cuối năm 2009; triển khai thực hiện các dự án vốn vay ODA xây dựng 4 trường đại học đẳng cấp quốc tế...