Nghiêm cấm giáo viên dọa nạt, quát mắng trẻ

08:12, 20/08/2009

Theo Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục năm học 2009-2010 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, những hành vi dọa nạt, quát mắng, thiếu trách nhiệm trong chăm sóc, giáo dục  trẻ của các giáo viên, nhân viên hoạt động trong ngành giáo dục đều bị nghiêm cấm.

 

Trong hướng dẫn, Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường tập trung vào 4 nhiệm vụ trọng tâm gồm: Tăng cường quản lý, chỉ đạo công tác xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục theo hướng đảm bảo đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, chuẩn hóa về trình độ; Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả việc thực hiện các cuộc vận động và phong trào thi đua trong ngành. Tập trung giải quyết những bất cập trong thực hiện chính sách với nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; Đổi mới công tác bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục nhằm nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp, từng bước đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ của giáo dục và đào tạo trong giai đoạn hiện nay; Tiếp tục triển khai áp dụng Chuẩn nghề nghiệp giáo viên các cấp học mầm non, tiểu học; nghiên cứu triển khai Chuẩn nghề nghiệp giáo viên trung học (THCS, THPT), Chuẩn Hiệu trưởng trường THCS, THPT và Chuẩn giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên theo hướng dẫn của Bộ.

 

Đáng chú ý, Bộ đề nghị các trường xây dựng kế hoạch sử dụng hợp lý đội ngũ nhà giáo hiện có. Thực hiện việc bố trí và sử dụng đội ngũ nhà giáo trên cơ sở các tiêu chuẩn, định mức cụ thể của từng cấp học, tập trung triển khai kế hoạch bồi dưỡng giáo viên chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo, kiên quyết không để giáo viên, nhân viên không qua đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trực tiếp làm công tác nuôi dạy trẻ; nghiêm cấm những hành vi dọa nạt, quát mắng, thiếu trách nhiệm trong chăm sóc, giáo dục  trẻ.

 

Các trường cần tham mưu cho UBND tỉnh/thành phố để xây dựng quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục phù hợp với thực tiễn phát triển giáo dục của địa phương; xây dựng kế hoạch đào tạo giáo viên đạt chuẩn, trên chuẩn và giáo viên các bộ môn đặc thù như Âm nhạc, Mỹ thuật, Giáo dục Quốc phòng, Tin học, Công nghệ, khắc phục tình trạng thiếu, thừa giáo viên cục bộ của những năm học vừa qua. Chú trọng đào tạo đội ngũ viên chức phụ trách thiết bị, thí nghiệm và đồ dùng dạy học. Khuyến khích và giao nhiệm vụ cho giáo viên giỏi viết các chuyên đề khoa học để bồi dưỡng nâng cao kiến thức cho giáo viên; khuyến khích, động viên các giáo viên dạy giỏi, chủ nhiệm lớp giỏi viết sáng kiến kinh nghiệm để trao đổi, học hỏi vận dụng ở các cơ sở giáo dục, địa phương và trong toàn ngành.

 

Đồng thời, thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ chính sách về lương, phụ cấp theo lương và việc nâng ngạch, nâng bậc đối với nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục theo các văn bản hiện hành. Bố trí giáo viên, nhân viên đủ theo quy định về định mức biên chế, phân công lao động hợp lý, đảm bảo những điều kiện về cơ sở vật chất để giáo viên giảng dạy đạt hiệu quả cao. Đặc biệt, chú ý tới nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục công tác tại vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, nhà giáo là người dân tộc thiểu số, nhà giáo có năng lực và trình độ cao. Phối hợp với các đơn vị liên quan, giải quyết kịp thời, dứt điểm những khiếu nại, bức xúc của nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục ở địa phương.

 

Theo HNM