Xem bảng tổng hợp chất lượng thi 2 môn Toán, Văn (2 môn thi điều kiện để làm cơ sở xét tuyển vào lớp 10 năm học 2009-2010), của Sở Giáo dục& Đào tạo (GD&ĐT) chúng tôi giật mình bởi kết quả khá thấp.
Có tới 393 học sinh (HS) bị điểm 0 môn Toán. Môn Văn được coi là dễ dàng hơn, cũng có 6 HS bị 0 điểm. Nhiều nhất là số bài thi chỉ đạt từ 0,5 tới 5 điểm. Trong khi đó, tỷ lệ HS học lực khá, giỏi ở các trường THCS trong toàn tỉnh là trên 46%. Hầu hết các trường THCS đều có tỷ lệ tốt nghiệp đạt 100%. Như vậy, kết quả thi 2 môn Toán và Văn đầu vào lớp 10 đã phản ánh đúng thực chất quá trình dạy và học ở các trường THCS hay chưa?
Ngay sau khi kết thúc kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT, theo thăm dò của chúng tôi, phần lớn giáo viên và HS đều có chung nhận xét đề thi chủ yếu nằm trong chương trình lớp 9 vừa sức với HS. Nhưng tại sao điểm thi 2 môn Toán, Văn của các thí sinh rất thấp? Được biết, bắt đầu từ năm học 2006, Bộ GD&ĐT quyết định bỏ kỳ thi tốt nghiệp THCS. Thay vào đó là các cơ sở giáo dục xét công nhận kết quả tốt nghiệp dựa trên học bạ của HS. Đối với tỉnh Thái Nguyên, để tuyển sinh đầu vào lớp 10, cũng như đánh giá lại kết quả đào tạo ở bậc THCS, ngành GD&ĐT đã tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức tuyển sinh theo phương thức thi tuyển kết hợp xét tuyển (Xét tuyển kết quả học tập 4 năm THCS và thi 2 môn điều kiện Toán, Văn). Qua các năm thực hiện phương thức này cho thấy số HS có điểm 2 môn thi tuyển khá thấp. Liệu có phải xuất phát từ việc bỏ kỳ thi tốt nghiệp THCS nên HS giảm động lực phấn đấu trong học tập.
Đê trả lời câu hỏi này, chúng tôi đã phỏng vấn nhiều giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và học sinh. Đa số các ý kiến đều có chung nhận định: Việc Bộ GD&ĐT quyết định bỏ kỳ thi tốt nghiệp THCS có ưu điểm là giảm áp lực thi cử cho HS, thầy cô giáo, nhà trường, gia đình và xã hội. Tuy nhiên, cùng với những ưu điểm nêu trên cũng bộc lộ nhiều mặt cần phải kê chỉnh.
Một số cán bộ quản lý giáo dục còn do từ bậc tiểu học đến THCS, HS không phải tham gia bất kỳ một kỳ thi nào. (Vì cả 2 bậc học này đều xét tốt nghiệp). Ở bậc tiểu học, nếu HS yếu văn hoá, nhà trường tổ chức cho ôn tập trong dịp hè, ôn đi, ôn lại, kiểm tra đến khi nào đạt thì thôi. Bậc THCS cũng vậy, vì thế cụm từ “HS đúp” rất ít xuất hiện, trừ trường hợp HS nghỉ ốm quá 45 ngày mới phải ở lại lớp. Biện pháp này các trường thực hiện cũng nhằm mục tiêu thực hiện công tác phổ cập giáo dục. Tuy nhiên, mặt trái của nó cũng là làm giảm động lực phấn đấu của chính các em HS.
Khi biết điểm thi tuyển sinh 2 môn Toán và Văn vào lớp 10 của HS trường mình đạt thấp, một số cán bộ quản lý còn tỏ ra ngỡ ngàng. Chúng tôi đặt câu hỏi kết quả trên có đánh giá thực chất chất lượng giảng dạy và học tập của nhà trường hay không, thì đa phần các cán bộ quản lý các trường mà chúng tôi đến phỏng vấn đều lảng tránh câu trả lời. Thậm chí có cán bộ quản lý còn đùn đẩy cho giáo viên trả lời phỏng vấn. Mặc dù mới bước vào năm học mới được 2 tuần, nhưng khi hỏi cán bộ quản lý các trường có nắm được có bao nhiêu HS của mình đỗ lớp 10 các trường công lập hay không? Câu trả lời chúng tôi nhận được là không nắm được. Rõ ràng nếu các trường nắm được chất lượng HS thông qua kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 thì sẽ có cơ sở để có biện pháp điều chỉnh trong phương pháp giảng dạy và học tập tốt hơn trong thời gian tới.
Nhiều cán bộ công tác có thâm niên trong ngành Giáo dục cho rằng việc bỏ kỳ thi tốt nghiệp THCS ở thời điểm hiện nay là không phù hợp. Bởi đơn giản là việc học của HS chưa được tự giác. Phần lớn HS chủ yếu xác định học để thi mà chưa có ý thức học để dành lấy kiến thức cho mình. Thế nhưng, quyết định bỏ thi tốt nghiệp của Bộ GD&ĐT không có nghĩa là bỏ đánh giá. Vì thế, thời gian tới bên cạnh việc tiếp tục tuyên truyền để các em HS có động lực đúng đắn trong học tập, các cơ sở giáo dục cần quản lý tốt việc thực hiện chương trình dạy học, sớm loại bỏ tâm lý của giáo viên và HS là có thi tốt nghiệp mới dạy và học nghiêm túc. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện tốt Cuộc vận động “Hai không”, đánh giá HS thực chất hơn, để làm cơ sở để đề ra các biện pháp giáo dục phù hợp. Tránh tư tưởng không tổ chức thi đánh giá HS lỏng lẻo, chất lượng thực thì thấp, nhưng kết quả lại cao. Mặt khác, Ngành GD&ĐT nên in kết quả thi tuyển sinh đầu vào lớp 10 của HS từng trường gửi cho các trường THCS trong toàn tỉnh, để các trường làm căn cứ nhìn nhận lại kết quả đào tạo của mình, từ đó có biện pháp phù hợp trong giảng dạy và học tập.