Chỉ cách trung tâm UBND xã Bảo Linh (Định Hóa) 8km, nhưng để đến được Khuổi Chao chúng tôi phải đi mất gần 1 tiếng đồng hồ. Con đường vào xóm nhỏ hẹp, men theo sườn núi, gập gồ đá to. Muốn đi hết xóm Khuổi Chao phải vượt qua tất cả 38 con suối…
Ông Triệu Tiến Chu, Trưởng xóm Khuổi Chao cho biết: "Xóm có tổng diện tích là 8 km2, 73 hộ, 299 nhân khẩu; 3 dân tộc: Sán Chí, Dao, Tày đang sinh sống. Diện tích lúa là 10 ha, 45 ha đất rừng, 3 ha chè. Hiện xóm còn 29 hộ nghèo, và gần như 100% nhà tạm…". Nhiều năm nay thu nhập bình quân của người dân trong xóm chỉ đạt mức 2,5 đến 3 triệu đồng/người/năm. Do điều kiện kinh tế khó khăn nên người dân chưa quan tâm đến việc học hành của con em mình. Hơn nữa đường đi lại khó khăn nên hành trình đến trường học chữ của các em học sinh ở đây còn nhiều gian nan. Khuổi Chao có 2 phân trường: Mầm non và tiểu học. Xóm hiện có 12 em học mầm non, 23 em học tiểu học, 24 em học THCS. Từ trước đến nay trong xóm chỉ có gia đình bà Bàn Thị Tư có 1 người con trai học Học viện Sĩ quan Lục quân I, 2 cô con gái học Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Nguyên. Ngoài ra số học sinh trong xóm học hết THPT chỉ có 7. Năm học 2009-2010 này, xóm có 3 em đỗ vào THPT.
Chúng tôi đến Phân trường Tiểu học Khuổi Chao khi các thầy cô chuẩn bị cho học sinh nghỉ để buổi chiều họp phụ huynh. Phân trường nằm trên một quả đồi heo hút, với 3 phòng học nhỏ do 3 thầy cô phụ trách. Phòng học lớp 1 chỉ có 2 chiếc bàn học sinh cho 7 em ngồi học và 1 bàn giáo viên, 1 chiếc bảng kê sát lối đi. Đây vốn là chỗ nghỉ cho các thầy cô giáo nhưng do thiếu phòng học nên được tận dụng. Chúng tôi quan sát trong lớp học ghép có 14 học sinh chia làm 2 dãy bàn học. Một dãy lớp 2 và một dãy lớp 3. Chiếc bảng được cô giáo ngăn đôi để dạy. Cô giáo đang dạy lớp này lại quay sang lớp kia nên các em học sinh không tập trung học tập. Cô Triệu Thị Ninh phụ trách lớp ghép 2 và 3 cho biết: “Các em học sinh tiếp thu bài rất chậm. Bài học 1 tiết nhưng lúc nào cũng phải giảng đến 2 tiết. Các bậc phụ huynh thì chưa quan tâm đến việc học hành của con em mình. Nhiều em đến lớp không có đồ dùng học tập, có em cả kỳ học không có cả dép đi học như em Triệu Thị Như". Như sinh năm 1998, nhưng 3 năm liền bị lưu ban. Năm nay em mới lên lớp 2. Mẹ em mất sớm, giờ nhà chỉ còn 3 bố con. Để có tiền nuôi con, hàng ngày bố em phải đi rừng cả ngày đào măng, hái củi. Em bị thiểu năng trí tuệ nên tiếp thu bài rất chậm. Tuy nhiên, Như cũng rất ham học. Em trai của Như là Triệu Văn Thế cũng đang học lớp 1. Mới 10 tuổi nhưng Thế đã bị các thanh niên rủ rê hút thuốc lá và thường xuyên bỏ học đi chơi. Các cô giáo đến động viên em đi học. Bố em mải đi nương rẫy nên cũng chẳng để ý. Hầu hết các học sinh trong xóm đều có hoàn cảnh khó khăn. Để đến trường các em thường phải dậy sớm lội hàng chục con suối, vượt đồi đi học. Trong cặp sách các em lúc nào cũng có gói mỳ tôm hay nắm cơm để ăn trưa.
Chất lượng giáo dục ở Khuổi Chao nhiều năm nay rất thấp. Cô Hoàng Thị Mạc, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bảo Linh cho biết: "Năm nào ở Phân trường Tiểu học Khuổi Chao chất lượng học tập cũng thấp nhất so với kết quả của toàn trường. Tỷ lệ học sinh yếu, bị lưu ban đều rơi vào phân trường này". Năm học 2003-2004, Phân trường Khuổi Chao có 32 học sinh tiểu học thì có 4 em đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện, 3 em học sinh khá, 22 học sinh trung bình và 2 em học sinh yếu. Hàng năm số học sinh học hết tiểu học ở đây là 5-7 em. Năm học 2008-2009, số học sinh ở Khuổi Chao là 20 em, trong đó học lực giỏi 2, khá 4, trung bình là 12 và 2 em học lực yếu.
Thực hiện chính sách luân chuyển giáo viên, mỗi năm Trường cử 3 thầy cô giáo vào Phân trường dạy. Điều kiện học tập, sinh hoạt trong đó rất khó khăn, phòng nghỉ của các thầy cô vào buổi trưa không có… Để đến Khuổi Chao dạy học các thầy cô phải gửi xe cách đó 2km rồi đi bộ vào phân trường. Buổi trưa, thầy trò cùng ăn mỳ tôm, cơm nắm, lấy lá cọ quạt để xua bớt cái oi nồng của mùa hè. Khi trời nắng ráo còn đỡ còn khi mưa lũ thì cả cô và trò đi lại vô cùng vất vả. Những buổi trời mưa to các em học sinh phải nghỉ học vì nước suối dâng cao không đi qua được. Cô Hà Thị Chỉ nhà ở xóm Bảo Hoa II, cách Khuổi Chao gần 15km. Hoàn cảnh gia đình cô rất khó khăn, chồng mất sớm, việc gì trong nhà cũng đến tay. Có lần trời mưa lũ, qua suối bị trượt ngã ướt hết cả quần áo, xe lại thủng săm cô Chỉ phải dắt đi gửi rồi đi bộ vào trường. Hình ảnh cô giáo Chỉ đứng lớp dạy cho các em với bộ quần áo ướt sũng đã khiến nhiều người cảm động.
Thầy Nguyễn Văn Tài phụ trách lớp 4 cho biết: "Trường ở đồi cao, không có điện nước nên rất bất tiện. Là đàn ông mà vào đây tôi còn thấy vất vả nữa là các chị em. Đường sá đi lại khó khăn, hơn nữa chế độ phụ cấp cho giáo viên trong khu vực này cũng chỉ được mức 0,5 như ngoài Trường trung tâm". Tuy khó khăn nhưng các thầy cô vẫn quyết tâm bám lớp và động viên các em đi học, thực hiện theo đúng khẩu hiệu "Tất cả vì học sinh Khuổi Chao" mà nhà trường đã đề ra đầu năm học này.
Hơn 13 giờ, chúng tôi đến Khuổi Gàn, khu vực cuối xóm Khuổi Chao. Giữa trưa nắng chúng tôi gặp nhiều học sinh trên đường đi học về. Nhìn em nào mặt cũng đỏ bừng, mồ hôi nhễ nhại, quần xắn ống thấp ống cao đang lội suối. Em Bàn Thị Tâm học sinh lớp 8A, Trường THCS Bảo Linh cho biết: "Mỗi ngày em phải đi bộ mất 3 tiếng cả đi và về”. Tuy khó khăn nhưng em luôn vươn lên trong học tập. Được biết, 7 năm học thì 6 năm em đều đạt danh hiệu học sinh giỏi. Ông Chu đi cùng chúng tôi cho biết: "Trời mùa hè còn đỡ chứ mùa đông rét mướt lúc các cháu đến trường hay tan học về đều phải đốt đuốc soi đường. Nắm cơm các cháu mang đi để ăn trưa cũng khô cứng lại vì trời lạnh". Điều kiện đi học khó khăn nên Khuổi Chao có hơn 20 em đang độ tuổi đến trường đã bỏ học.
Rời khỏi Khuổi Chao khi nắng chiều đã tắt, chúng tôi mang theo biết bao nỗi băn khoăn, trăn trở. Mong sao Khuổi Chao sớm có một con đường bằng phẳng để hành trình đến trường học chữ của các em học sinh vơi bớt những nhọc nhằn…