Từ cuối thế kỷ 18, khi Nhà Tây Sơn dẹp Trịnh - Nguyễn, nhiều người mang dòng họ Trịnh phải phiêu bạt, tứ tán đến các vùng hẻo lánh, đổi sang họ Phạm Quang để tránh họa tru di cửu tộc...
Rồi, năm 1945, Gia tộc này thêm một lần khốn khó vì nạn đói. Anh em, họ mạc tha phương cầu thực, cho đến những năm sáu mươi của thế kỷ trước, họ mới tụ về sinh sống ở các xã Đồng Tiến, Hồng Tiến, Nam Tiến, thị trấn Ba Hàng... huyện Phổ Yên.
Ông Phạm Quang Chiến, 61 tuổi, xóm Dẫy (Đồng Tiến), Chủ tịch Hội đồng Gia tộc cho biết: Gia tộc Phạm Quang chính thức hợp lại từ năm 1980, lúc đó có 70 hộ, đến nay (2009) có hơn 170 hộ, thuộc 3 cành là: Phạm Quang Đẩu; Phạm Quang Cường và Phạm Quang Mão, với trên 30 chi và khoảng gần 1.000 người. Hiện Gia tộc có 2 tiến sĩ, 7 thạc sĩ và khoảng 90 người đã và đang theo học đại học, cao đẳng. Niềm tự hào trong Gia tộc Phạm Quang là đã có 30 người được đứng trong hàng ngũ của Đảng... Cũng từ gần 30 năm nay, gia tộc Phạm Quang thành lập được Hội Đồng gia tộc, trong Hội đồng lại có các ban Tài chính kế hoạch; Xây dựng kiến thiết; Tuyên truyền vận động, hòa giải và Ban Thi đua khen thưởng, Khuyến học, Trưởng các ban là thành viên của Hội đồng gia tộc. Riêng Ban Khuyến học có 2 ủy viên, 1 người chuyên theo dõi về thành tích học tập của con cháu; 1 phụ trách về tình hình phát triển kinh tế trong dòng họ.
Để mọi người trong Gia tộc thương yêu, gắn bó với nhau, Gia tộc Phạm Quang hằng năm tổ chức gặp mặt 2 lần: Lần 1 vào ngày 21 tháng chạp (tức ngày 21-12 âm lịch) để tổng kết một năm cũ đã qua, xem trong dòng họ có ai cần giúp đỡ về kinh tế, tinh thần và đặc biệt khen thưởng đối với các con cháu trong Gia tộc đỗ đạt... đồng thời ra nghị quyết hành động cho năm tới, Như việc trong Gia tộc có một người do đua đòi nên nghiện ma túy, Hội đồng Gia tộc giao nhiệm vụ cho họ mạc trong chi tập trung giúp đỡ anh này cai nghiện. Hiện anh đã từ bỏ được ma túy, làm được nhà ra ở riêng. Một số gia đình gặp khó khăn về kinh tế cũng được Hội đồng Gia tộc chỉ đạo mọi người trong dòng họ quyên góp, giúp đỡ xóa nhà tạm hoặc vốn đầu tư cho phát triển kinh tế. Vào ngày 30-6 hằng năm, Hội đồng Gia tộc họp đánh giá những việc đã làm được và bàn giải pháp thực hiện các nhiệm vụ gia tộc đề ra trước đó.
Ông Phạm Quang Hải, sinh năm 1960, người mới được cụ thân sinh là ông Phạm Quang Đẩu "truyền lại ngôi vị" Trưởng họ năm 2008 cho biết thêm: Gia pháp của Gia tộc Phạm Quang không cay nghiệt như thuở các cụ thời phong kiến, mà hằng năm được kê chỉnh, đổi mới, phù hợp với luật pháp và thuần phong mĩ tục của dân tộc. Trước đây, Gia pháp quy định các đinh (nam giới từ 18 tuổi trở lên) mới được tham gia hội họp. Nhưng đến năm 1985 được điều chỉnh lại nam - nữ trong Gia tộc đều có quyền bình dẳng như nhau. Ngay việc con gái trong Gia tộc đi lấy chồng, nếu có nguyện vọng tham gia sinh hoạt trong gia tộc thì cũng được chấp thuận. Gia pháp còn quy định: Mọi người trong dòng họ đều phải nghiêm chỉnh chấp hành chính sách pháp luật của Nhà nước. Có trách nhiệm dạy dỗ con cháu phấn đấu trong học tập, tu chí đạo đức. Những nhà có con đến tuổi đi học đều phải cho đến trường; với các cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, Gia tộc sẽ trích Quỹ khyến học mua tặng sách, vở, bút, mực... hoặc thậm chí giúp tiền đóng học phí.
Ông Chiến tâm đắc: Gia tộc mạnh, trước hết những người trong Gia tộc phải có trình độ học vấn, sống có văn hóa. Vì thế, Gia tộc Phạm Quang rất coi trọng việc khuyến học, khuyến tài, toàn bộ số tiền Quỹ khuyến học thu được hằng năm (25.000 đồng/hộ/năm), đều dành để khen thưởng, động viên con cháu trong Gia tộc có thành tích chăm ngoan, học giỏi.