Khuyến học trên quê lúa

08:53, 08/09/2009

Phú Bình lâu nay vẫn được nhắc đến là huyện thuần nông với biết bao nhọc nhằn, vất vả, nhưng Phú Bình cũng được mọi người nhắc đến là mảnh đất có truyền thống hiếu học. Công tác khuyến học ở đây được các cấp, ngành cũng như các dòng họ, gia đình đặc biệt quan tâm.

 

Sau 6 năm kể từ ngày Hội Khuyến học huyện được thành lập, toàn huyện đã có 396 chi hội khuyến học, thu hút trên 32.560 hội viên và số tiền thưởng mà các cấp hội trên địa bàn huyện chi cho công tác này lên tới trên 1,3 tỷ đồng.

           

Trước đây, khi Hội Khuyến học huyện chưa ra đời thì ở nhiều cơ quan, thôn, xóm trên địa bàn huyện Phú Bình đã tự phát thành lập một số mô hình, hình thức giúp đỡ, động viên con cháu học tốt. Năm 2002, Hội Khuyến học huyện được thành lập đã nhanh chóng nhận được sự ủng hộ, hưởng ứng nhiệt tình của mọi tầng lớp nhân dân. Ban đầu, toàn huyện có 171 chi hội, với 7.162 hội viên (trong đó có 67 chi hội trường học, 22 chi hội cơ quan và 82 chi hội thôn, xóm). Chỉ sau hơn 1 năm, đến cuối năm 2003, cả 21/21 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã có tổ chức hội với 246 chi hội và 8.793 hội viên. Nhiều xã đã thành lập được chi hội khuyến học ở 100% các thôn, xóm, như xã Tân Khánh, Đáo Xá, Hương Sơn, Dương Thành, Kha Sơn, Tân Đức… Để hoạt động của Hội đạt hiệu quả cao, các cấp hội từ huyện đến cơ sở luôn chú trọng đến việc đổi mới hình thức sinh hoạt, vận động ủng hộ, dân chủ, bình đẳng trong việc xét  và và khen thưởng.

 

6 năm qua, Hội Khuyến học huyện đã khen thưởng cho 678 học sinh và 289 giáo viên có thành tích xuất sắc trong học tập, công tác, với tổng số tiền thưởng trên 40 triệu đồng. Đặc biệt, năm 2006, Hội đã phối hợp với Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện tổ chức thành công Hội nghị Tuyên dương khen thưởng cho 80 học sinh và giáo viên giỏi cấp tỉnh và cấp Quốc gia. Trong số này có 2 sinh viên đỗ thủ khoa được đi du học nước ngoài và 2 giáo viên có học sinh giỏi cấp quốc gia. Hội nghị này đã có tác dụng rất lớn trong việc động viên, khích lệ học sinh, các bậc phụ huynh cũng như toàn xã hội quan tâm, chăm lo hơn nữa tới việc học tập, rèn luyện của con em mình. 4 năm trở lại đây, hầu hết các chi hội cơ sở đều đã tổ chức tốt việc gặp mặt hàng năm để tuyên dương, khen thưởng những học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng. 4 năm qua, toàn huyện có trên 1.400 học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng. Trong đó, số lượng của năm sau luôn cao hơn năm trước. Chỉ tính riêng năm 2009, toàn huyện có gần 300 em thi đỗ đại học và trên 100 em đỗ cao đẳng. Trung bình mỗi em được nhận thưởng từ chi hội khuyến học từ 50-100 nghìn đồng.

 

Cùng với đó, phong trào xây dựng gia đình khuyến học, dòng họ khuyến học cũng được các địa phương đặc biệt quan tâm, tạo đà phát triển nhanh và rộng khắp trên địa bàn huyện. Năm 2004, toàn huyện có 11.040 hộ đạt gia đình hiếu học thì đến nay con số này đã là 16.476, đạt tỷ lệ 49,7% trên tổng số hộ trên địa bàn huyện. Nhiều gia đình đã thực sự trở thành tấm gương sáng để mọi người học tập, noi theo. Điển hình trong số đó phải kể: gia đình bà Nguyễn Thuý Nga, xã Kha Sơn, là vợ liệt sỹ lúc 35 tuổi, với nghị lực của giáo viên, bà đã nuôi dạy cả 2 con đỗ vào các trường đại học danh tiếng; hay như bà Nguyễn Thị Thêm, xóm Giếng Mật, xã Tân Hoà, dân tộc Tày, làm ruộng, có 6 người con thì có 5 con học đại học chính quy (trong đó có 1 người học cao học) và 1 con học Cao đẳng Sư phạm, nay là đại biểu HĐND tỉnh… 

 

Cùng với gia đình hiếu học, nhiều dòng họ khuyến học cũng đã có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp khuyến học, khuyến tài. Đến nay, Phú Bình đã có 217 dòng họ khuyến học. Trong số này điển hình có dòng họ: Dương Ngọc, xã Nhã Lộng với 350 hộ, trên 1.850 nhân khẩu, bằng 1/4 dân số của cả xã, từ nhiều năm nay đã thực hiện tốt việc huy động vốn để xây dựng quỹ hộ và số tiền ấy được sử dụng rất hiệu quả thông qua việc khen thưởng, động viên học sinh có thành tích trong học tập cũng như đỗ đạt vào các trường chuyên nghiệp với các mức thưởng rất cụ thể, rõ ràng (150.000 đồng/học sinh đỗ đại học, cao đẳng; 100 nghìn đồng cho học sinh giỏi từ cấp huyện trở lên). Số tiền tuy còn khiêm tốn nhưng ở một vùng quê thuần nông như Phú Bình thì đây có thể xem là cả một sự nỗ lực rất lớn của một dòng họ, là nguồn động viên, khích lệ kịp thời để các em không ngừng phấn đấu vươn lên. Ngoài ra, còn có thể kể ra rất nhiều những dòng học khác làm rất tốt công tác khuyến học như: dòng họ Dương Văn, xóm Ngoài, xã Xuân Phương; dòng họ Hoàng Văn, xóm Ngọc Lý, xã Tân Đức; dòng họ Vũ Đức, xóm Phú Yên, xã Thanh Ninh…

 

Trong những năm qua, với sự quan tâm, đầu tư của các cấp ngành, sự nỗ lực của mỗi gia đình, công tác giáo dục - đào tạo của huyện Phú Bình đã có những bước khởi sắc, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu học tập và rèn luyện của con em các dân tộc trên địa bàn huyện.