Từ diệt dốt đến học tập suốt đời

10:38, 08/09/2009

Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, trên 90% dân số nước ta bị mù chữ. Mặc dù còn bộn bề công việc, Chính phủ cách mạng Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định một chiến dịch "Chống giặc dốt, mở ra phong trào bình dân học vụ".

 

Một phong trào "học cái chữ" để đọc được những chủ trương, chính sách của Mặt trận Việt Minh, của Chính phủ đã nhanh chóng lan rộng trong cả nước, từ nông thôn đến thành thị, từ trong các xí nghiệp, nhà máy đến đồng ruộng, núi rừng. Người biết chữ dạy người chưa biết chữ, người lớp 2 dạy người lớp 1, chữ bò lên hàng rào, thân cây dọc hai bên đường đi, chữ nằm cả trên lưng trâu bò, chữ xếp hàng ở các bức tường, cổng chợ để bà con nhẩm đọc, nhìn nhận biết các mặt chữ cái. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, hàng triệu đồng bào đã biết đọc, biết viết. Khi bà con ta đã biết chữ rồi, phong trào học tập được tiếp tục nâng cao. Phong trào bổ túc văn hóa ra đời để kế tục sự nghiệp của bình dân học vụ nhằm nâng cao trình độ dân trí cho nhân dân.

 

Đến nay, trên 90% dân ta đã biết chữ, 74,6% số địa phương đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục đúng độ tuổi; 87,3% số tỉnh, thành đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Công tác xóa mù chữ vẫn được ngành giáo dục coi là một nhiệm vụ trọng tâm của ngành học giáo dục thường xuyên. Năm học vừa qua, cả nước đã huy động được trên 30 nghìn người chưa biết chữ từ độ tuổi 15 trở lên học lớp xóa mù chữ. Hiện nay, số người mù chữ tập trung chủ yếu ở vùng khó khăn, vùng dân tộc nên công tác xóa mù chữ cần phải có những chủ trương, giải pháp phù hợp trong tình hình mới.

 

Trong năm học mới 2009-2010, ngành giáo dục - đào tạo các địa phương sẽ phối hợp với chi cục thống kê để có số liệu chính xác người mù chữ trong các độ tuổi, phân loại và có biện pháp vận động từng đối tượng ra lớp. Đặc biệt, các địa phương sẽ tích cực tìm giải pháp để các đối tượng đã biết chữ tiếp tục học nhằm chống tái mù, củng cố vững chắc kết quả chống mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học. Không chỉ xóa mù chữ, bổ túc văn hóa cho số lượng lớn học viên, ngành học giáo dục thường xuyên còn tổ chức các lớp học chuyên đề với hơn 11 triệu lượt người tham gia trong năm học vừa qua để đáp ứng nhu cầu học tập thường xuyên, suốt đời của người dân, góp phần xây dựng xã hội học tập.

 

Nhìn lại 64 năm qua, chúng ta đã và đang thực hiện có hiệu quả lời dạy của Bác Hồ: "... Dân tộc Việt Nam có vẻ vang sánh vai cùng các cường quốc năm châu hay không, một phần là nhờ vào sự học tập của các cháu". Từ phong trào "Diệt dốt" năm xưa, sau là "Bình dân học vụ", "Bổ túc văn hóa" đến ngày nay là "Giáo dục thường xuyên", trình độ dân trí của nước ta đã được nâng lên, là cơ sở vững chắc cho sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.