Vượt khó đến trường

16:06, 27/10/2010

Lâu nay, đồng bào dân tộc Mông thường quen sống du canh, du cư và chọn những triền núi cao để dựng nhà ở. Cuộc sống nay đây, mai đó đã khiến cho cái nghèo cứ bám diết lấy họ. Vì lẽ đó, việc học của con trẻ chưa được cha mẹ quan tâm đúng mức. Đây cũng là thực trạng của hầu hết những bản Mông trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, ở xã vũng cao Thượng Nung của huyện Võ Nhai lại có một ngôi trương mà ở đó nhiều học sinh người dân tộc Mông đang từng ngày vượt khó để tìm đến với những con chữ…

 

Gặp anh Lý Văn Sinh, xóm Lũng Luông xuống thăm em gái là Lý Thị Sua đang học lớp 9, Trường THCS xã Thượng Nung. Nhà Sinh có 5 anh em nhưng chỉ có hai em được đi học. Gia đình Sinh là người dân tộc Mông thuộc diện hộ nghèo xóm Lũng Luông nên việc để hai con được đến trường là cả một sự cố gắng lớn của bố mẹ Sinh. Để đến được lớp học, Lý Thị Sua phải vượt qua gần chục km đường núi đá lởm chởm với những lối mòn chỉ đủ một người đi. Chính vì thế, 3 năm qua, em đã phải ở nội trú với hai người bạn cùng lớp trong căn phòng chưa đầy 5m2. Tất cả mọi sinh hoạt, học hành của 3 em đều ở trong căn phòng chật hẹp ấy. Sua bảo: Được cắp sách đến trường đối với em là một niềm hạnh phúc lớn. Em sẽ quyết tâm học thật giỏi để không phụ công lao của cha, mẹ đã cho em đến trường và có cơ hội thực hiện ước mơ của mình là trở thành cô giáo về dạy chữ cho trẻ em trong bản. Chỗ ở chật hẹp là vậy nhưng điều kiện sinh hoạt của các em còn khó khăn hơn gấp nhiều lần. Các em phải tự nấu ăn trong khu nhà bếp được dựng tạm, giờ đã xiêu vẹo. Hôm đó, anh trai Sua mang vài bơ gạo xuống nên bữa cơm của Sua và 2 bạn không phải ăn độn với bột ngô. Thức ăn của các em thường là những ngọn rau rừng, gói mì tôm làm canh và thỉnh thoảng là những con cua, con cá bắt được ngoài suối.

 

Do nhận thức được tầm quan trọng của việc học, nên Sua và các bạn luôn cố gắng, nỗ lực vượt qua khó khăn để đến lớp. Tình trạng học hết tiểu học rồi ở nhà cùng cha mẹ làm nương, làm rẫy đã ít dần. Vài năm trở lại đây, trên địa bàn xã Thượng Nung tỷ lệ huy động học sinh vào lớp 6 đều đạt 100%. Nói về sự cố gắng của thầy và trò, sự tạo điều kiện của gia đình, địa phương để học sinh nơi triền núi cao xuống học chữ, thầy giáo Lương Thanh Nam, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Thượng Nung cho biết: Trường hiện có 4 lớp, 131 học sinh, trong đó có 60 em là người dân tộc Mông. Vì các em đều ở xa, đi lại vất vả nên gia đình, nhà trường đã cùng bàn bạc, sửa lại một lớp học cũ rộng khoảng 30m2 và ngăn ra làm 6 phòng cho 24 em học sinh để các em có nơi ăn, nơi ở. Tuy nhiên, Trường vẫn còn gần 20 em có nhu cầu ở nội trú nhưng chưa bố trí được. Ngày nắng, cũng như ngày mưa, các em phải dậy từ mờ sớm để vượt 5-7km đến lớp cho kịp giờ học và trở về khi trời đã nhá nhem.

 

Anh Sùng Văn Chầu, xóm Lũng Hoài (xã Thượng Nung) nói: Gia đình tôi chỉ có một cháu đang theo học ở Trường nhưng không có phòng ở nội trú nên hàng ngày cháu phải đi mất hơn 1 giờ mới đến lớp, có những hôm mưa bão phải nghỉ học vì đường xa, đi lại không đảm bảo an toàn. Tôi mong địa phương, nhà trường tạo điều kiện sắp xếp chỗ ở để các cháu học chữ sau này có kiến thức mới mong cuộc sống đỡ nghèo, đỡ khổ.     

 

Chia tay những học sinh dân tộc Mông cần cù, chịu khó, chịu khổ để đến trường học chữ, chúng tôi hiểu được suy nghĩ của đồng bào dân tộc Mông đã dần thay đổi và trẻ em đã bắt đầu được quan tâm. Họ bắt đầu quan tâm đến việc học hành của con trẻ, bởi họ hiểu rằng, chỉ có cái chữ mới mong cuộc sống bớt nghèo. Chúng tôi tin rằng, dù con đường đến trường của các em còn lắm gian nan, cuộc sống nội trú còn nhiều vất vả, thiếu thốn nhưng với sự quyết tâm, kiên trì, miệt mài trên con đường tìm kiếm tri thức của mình, các em sẽ vươn lên làm chủ tương lai. Và đằng sau những vất vả, khó khăn hôm nay sẽ cho các em một tương lai tốt đẹp  hơn…