Kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập Trường

15:32, 13/11/2010

Ngày 13/11, Trường Đại học Nông lâm - Đại học Thái Nguyên đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập Trường. Dự buổi Lễ có đồng chí Nguyễn Minh Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn; Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Quang Quý, Thứ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo và các đồng chí là đại diện một số bộ, ngành, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam...

 

Về phía lãnh đạo tỉnh có đồng chí Nguyễn Văn Vượng, Chủ tịch HĐND, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; đồng chí Vũ Hồng Bắc, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và hàng nghìn cựu học sinh, sinh viên của Trường. 

 

[embed][VIDEO-BAOTHAINGUYEN][/embed] 

 

Tại buổi Lễ, thầy trò các thế hệ của Trường đã cùng nhau ôn lại truyền thống lịch sử thành lập, phát triển của Nhà trường. Ngày 19/9/1969, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 98/TTg về việc chuẩn bị cơ sở vật chất để thành lập Trường Đại học Kỹ thuật Miền núi vào năm học 1970 - 1971 trên cơ sở của Trường Trung học Nông nghiệp Việt Bắc. Như vậy, ngày 19/9/1970 được xác định là ngày thành lập Trường. Kể từ ngày thành lập đến nay, Trường đã ba lần đổi tên: Từ Trường Đại học Kỹ thuật miền núi thành Trường Đại học Nông Lâm miền núi sau đó thành Trường Đại học Nông nghiệp III và bây giờ là Trường Đại học Nông Lâm thuộc Đại học Thái Nguyên.

 

Trường Đại học Nông Lâm được Nhà nước giao nhiệm vụ đào tạo cán bộ có trình độ đại học và sau đại học, nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ về lĩnh vực nông, lâm nghiệp; phát triển nông thôn; tài nguyên và môi trường; phục vụ phát triển kinh tế xã hội bền vững khu vực trung du, miền núi phía Bắc. Trong suốt chặng đường 40 năm đã qua, Trường không ngừng phát triển, trưởng thành. Từ 2 ngành đào tạo đại học ban đầu là trồng trọt và chăn nuôi thú y với hai khoa chuyên môn, đến nay đã phát triển tới 22 ngành đào tạo đại học (trong đó có 1 chuyên ngành nhập khẩu tiên tiến từ Mỹ), 6 ngành đào tạo thạc sỹ, 6 ngành đào tạo tiến sỹ và hàng loạt các ngành, bậc học liên kết đào tạo quốc tế với 7 khoa chuyên môn, 1 khoa đào tạo sau đại học và 1 trung tâm liên kết đào tạo quốc tế. Quy mô đào tạo tăng liên tục, hiện nay Nhà trường có hơn 12.000 HSSV (trong đó có khoảng 6.000 là hệ VLVH); 320 cán bộ giảng dạy, trong đó trên 21% là tiến sỹ, gần 45% là thạc sỹ (chưa kể hàng chục GS, PGS thỉnh giảng). Tỷ lệ này tương đương với các trường đẳng cấp quốc tế của khu vực và là tốp trên của các trường đại học trong nước.

 

Hoạt động của Nhà trường đã từng bước khẳng định được vị trí trọng điểm thực hiện nhiệm vụ cung cấp nguồn nhân lực có trình độ cao cho khu vực. Đồng thời trở thành trung tâm nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ về nông, lâm nghiệp, phát triển nông thôn và quản lý tài nguyên môi trường, góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế xã hội của khu vực trung du, miền núi phía Bắc. Hiện, Nhà trường đang có quan hệ hợp tác với 40 trường, viện đại học, trung tâm đào tạo nghiên cứu, tổ chức quốc tế. Kinh phí dự án quốc tế bình quân 0,5 triệu USD/năm. Số lượng HSSV đào tạo liên kết quốc tế bình quân 200 đến 300 HSSV/năm.

 

 

Trong 40 năm đã qua, Nhà trường đã nhận được các phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động hạng Ba (1981); Huân chương Lao động  hạng Nhì (1985); Huân chương Lao động hạng Nhất (1995); Huân chương Độc lập hạng Ba (2005); Cờ thi đua của Bộ Giáo dục và Đào tạo (2010); Cờ thi đua của UBND tỉnh Thái Nguyên (2010); 2 Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đơn vị có hoạt động hợp tác quốc tế tiêu biểu (1997, 2003) và nhiều bằng khen, cờ thi đua của các bộ, ngành và các đoàn thể trao tặng. Đặc biệt liên tục trong 20 năm gần đây Trường liên tục được công nhận là Trường tiên tiến xuất sắc; Đảng bộ trong sạch vững mạnh.

 

Thay mặt lãnh đạo Bộ Giáo dục & Đào tạo, Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Quang Quý đã ghi nhận, biểu dương những thành tích mà Nhà trường đã dành được trong suốt chặng đường vừa qua. Đồng chí chỉ đạo: Trong những năm tiếp theo Trường tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, xây dựng Trường ngày càng phát triển nhanh, mạnh, đáp ứng yêu cầu giáo dục có trình độ cao. Để làm được như vậy, Nhà trường cần tập trung vào các nội dung như: Đổi mới công tác giáo dục, đào tạo, coi đổi mới là khâu đột phá để nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo; bám sát nhu cầu đào tạo; đẩy mạnh công tác xây dựng, đổi mới đội ngũ cán bộ bằng quan tâm đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, từng bước xây dựng chuẩn đội ngũ cán bộ quản lý và giảng viên...