Nguồn sinh lực mới cho giáo dục mầm non

16:32, 28/12/2011

Từ năm 2006-2010, trong hàng chục nghị quyết chuyên đề của HĐND tỉnh thuộc các lĩnh vực văn hóa - xã hội thì có tới 3 nghị quyết riêng cho ngành Giáo dục – đào tạo. Các nghị quyết chuyên đề đi vào cuộc sống thể hiện sự quan tâm rất lớn của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đối với sự nghiệp giáo dục của tỉnh nhà. Đây được xem là tiền đề tốt để ngành Giáo dục – đào tạo tỉnh nhà tiếp tục có bước phát triển mới và bền vững hơn.

 

Trong 3 nghị quyết chuyên đề của HĐND tỉnh dành cho ngành giáo dục – đào tạo, trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin đề cập tới 2 nghị quyết đối với ngành học mầm non. Thực tế, giai đoạn trước năm 2006, khi có Quyết định 161/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chuyển đổi các trường mầm non từ bán công sang công lập thì số trường mầm non công lập trên địa bàn tỉnh rất thấp. Trong tổng số 205 trường mầm non của toàn tỉnh thì số trường bán công, dân lập, tư thục chiếm tới 146 trường. Mặc dù một số xã đặc biệt khó khăn trong tỉnh được hưởng Chương trình 135 giai đoạn II như Yên Trạch (Phú Lương) nhưng trường mầm non vẫn là trường bán công, đời sống của cán bộ, giáo viên gặp rất nhiều khó khăn, trung bình thu nhập của giáo viên ở khu vực này chỉ đạt từ 600-700 nghìn đồng. Nhiều giáo viên dạy học gần 20 năm vẫn chưa được vào biên chế. Thu nhập giữa giáo viên hợp đồng và biên chế chênh nhau tới 5-7 lần. Sau nhiều lần khảo sát, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đã báo cáo và trình HĐND tỉnh về vấn đề này. Tai kỳ họp cuối năm 2007, HĐND tỉnh đã quyết nghị Nghị quyết số 24/2007/NQ-HĐND về việc hỗ trợ chế độ đối với giáo viên mầm non ngoài biên chế Nhà nước. Theo đó, các giáo viên hợp đồng ngoài biên chế ở khu vực các xã nông thôn miền núi được hỗ trợ 500 nghìn đồng; ở các xã nông thôn còn lại, các thị trấn mức hỗ trợ là 400 nghìn đồng/người/tháng; các phường thuộc T.P Thái Nguyên, T.X Sông công mức hỗ trợ là 300 nghìn đồng/người/tháng. Các chế độ hỗ trợ bao gồm một phần tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và kinh phí công đoàn. Năm đầu tiên thực hiện nghị quyết (2008) đã có 1.399 giáo viên được hưởng số tiền hỗ trợ với tổng số tiền gần 7,5 tỷ đồng. Năm 2009 có 1.817 giáo viên được hưởng với số tiền trên 9,2 tỷ đồng và 9 tháng năm 2010 có 1.847 giáo viên được hưởng tiền hỗ trợ với tổng số tiền trên 7 tỷ đồng. Như vậy trong gần 3 năm qua, tỉnh đã dành ngân sách trên 23,8 tỷ đồng hỗ trợ cho đội ngũ giáo viên hợp đồng ngoài biên chế. Việc thực hiện Nghị quyết số 24 của HĐND tỉnh về việc hỗ trợ giáo viên mầm non hợp đồng ngoài biên chế đã tạo điều kiện cho giáo viên tăng thu nhập, đảm bảo một phần đời sống, giúp họ yên tâm công tác.

 

Mặc dù đội ngũ giáo viên mầm non hợp đồng ngoài biên chế đã được hỗ trợ, song phần lớn cơ sở vật chất của các nhà trường ngoài công lập còn thiếu thốn rất nhiều so với yêu cầu đề ra, rất khó khăn cho việc tổ chức dạy học theo chương trình mới cũng như thực hiện mục tiêu xây dựng trường chuẩn. Hiện nay, bậc học mầm non của toàn tỉnh mới có 58/205 trường đạt chuẩn Quốc gia. Để bậc học này phát triển toàn diện, ngày 28/4/2010, tại kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 06/2010/NQ-HĐND về việc chuyển đổi loại hình trường mầm non bán công sang trường mầm non công lập, dân lập, tư thục. Theo đó, lộ trình chuyển đổi năm 2010 là 79 trường; năm 2011 là 58 trường và năm 2012 chuyển 9 trường mầm non bán công sang loại hình trường mầm non dân lập, tư thục hoặc công lập. Về tổ chức và hoạt động, các trường được chuyển đổi từ bán công sang công lập hoạt động theo điều lệ trường mầm non, đảm bảo quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức, bộ máy và biên chế, tài chính đối với đơn vị sự nghiệp. Việc chuyển đổi mô hình trường nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp chính quyền, sự ủng hộ nhiệt tình của đội ngũ giáo viên.

 

Trường Mầm non Yên Lãng (Đại Từ) là 1 trong 79 trường được chuyển đổi đợt 1 (năm 2010). Theo cô giáo Nguyễn Thị Phương, Hiệu trưởng Nhà trường: Trước đây Trường có 23 giáo viên thì có tới 18 người là hợp đồng ngoài biên chế. Với khoản thu học phí đối với học sinh ở độ tuổi nhà trẻ là 60 nghìn đồng/cháu/tháng, mẫu giáo 30 nghìn đồng/cháu/tháng thì trung bình thu nhập của giáo viên khu vực này chỉ được khoảng 800 nghìn đồng/tháng, cộng với khoản tiền hỗ trợ theo Nghị quyết số 24 của HĐND tỉnh (500 nghìn đồng/người/tháng) thì thu nhập cũng chỉ đạt 1,2-1,3 triệu đồng/người/tháng. Trong khi đó, giáo viên phải làm việc rất vất vả (đi làm từ 6h tới 17h). Thực hiện Nghị quyết số 06 của HĐND tỉnh về chuyển đổi trường mầm non từ bán công sang công lập, tháng 9 vừa qua, Trường được chuyển đổi sang mô hình công lập. Theo đó, 18 giáo viên hợp đồng đã được xét tuyển vào biên chế từ ngày 1/10/2010. Các cô giáo vô cùng phấn khởi, bởi có cô đã qua hơn 10 năm công tác giờ mới được vào biên chế. Tôi cho rằng chủ trương chuyển đổi trường mầm non của tỉnh là rất sát thực với tình hình thực tiễn của địa phương, thể hiện sự quan tâm của tỉnh tới bậc học đầu đời của mỗi học sinh. Đây là cơ sở để đội ngũ giáo viên yên tâm công tác, nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ”.

 

Mặc dù đến thời điểm này việc chuyển đổi các trường mầm non trong kế hoạch năm 2010 theo tinh thần Nghị quyết số 06 ở một số huyện còn chậm, nguyên nhân là do trong năm đầu thực hiện chuyển đổi, các văn bản hướng dẫn, nhất là quyết định xét tuyển viên chức đối với giáo viên hợp đồng tại các trường mầm non bán công được chuyển sang loại hình trường công lập và hướng dẫn về chuyển đổi cơ sở vật chất các trường của các cơ quan chức năng của tỉnh ban hành chậm. Song thực hiện được chủ trương này thì riêng năm nay sẽ có gần 1.400 giáo viên mầm non ở các trường bán công chuyển sang công lập được xét tuyển vào biên chế. Cơ sở vật chất của các trường cũng từng bước được đầu tư theo hướng chuẩn hoá, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường chuẩn Quốc gia ở khu vực này, phấn đấu đến năm 2015 có 65% số trường mầm non của tỉnh đạt chuẩn Quốc gia theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra.

 

Có thể khẳng định 2 nghị quyết nói trên của HĐND tỉnh đi vào cuộc sống đã và đang mang lại một nguồn sinh lực mới cho đội ngũ cán bộ, giáo viên ngành học mầm non nói riêng, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của tỉnh nói chung.