Đến Trường Tiểu học số 1 Nam Hoà (Đồng Hỷ) hình ảnh đầu tiên khiến tôi rất ấn tượng là màu xanh non của cây lá trong tiết trời đông lạnh buốt.
Dọc từ cổng trường tới cửa các lớp là những hàng cây được trồng rất khoa học. Điều ngạc nhiên là chúng tôi quan sát sau giờ ra chơi mặc dù lứa tuổi học sinh tiểu học rất hiếu động nhưng cũng không thấy bất cứ trường hợp nào hái hoa, bẻ cành cây. Sân trường cũng như hệ thống đường dẫn tới các phòng học đều được láng bê tông sạch sẽ. Theo cô giáo Nguyễn Thị Kim Anh, Hiệu trưởng Nhà trường thì tất cả những kết quả trên đều nhờ thực hiện tốt phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực".
Phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" được Bộ GD & ĐT phát động thực hiện từ năm học 2008-2009. Đến thời điểm này đã thực hiện hơn 3 năm học. Phong trào đề ra 5 yêu cầu và 5 nội dung chính, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng trong và ngoài nhà trường để xây dựng một môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, hiệu quả, phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo của học sinh trong học tập một cách phù hợp.
Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ xin đề cập tới một trong 5 nội dung của phong trào đó là xây dựng trường, lớp xanh, sạch, đẹp, an toàn. Mới nghe thì nhiều người nghĩ đây có lẽ là nội dung dễ thực hiện. Song để hoàn thành nội dung này đòi hỏi phải có nguồn lực đầu tư, cũng như xây dựng ý thức thực hiện cho cả đội ngũ cán bộ giáo viên, học sinh. Đây cũng là một trong các tiêu chí để các trường phấn đấu đạt danh hiệu trường chuẩn Quốc gia. Theo nội dung này thì các trường phải đảm bảo an toàn, sạch sẽ, có cây xanh thoáng mát, lớp học đủ ánh sáng, bàn ghế phù hợp với học sinh; có đủ nhà vệ sinh được đặt ở vị trí phù hợp với cảnh quan trường học, được giữ vệ sinh sạch sẽ; tổ chức để học sinh trồng cây vào dịp đầu xuân và chăm sóc, bảo vệ… Cũng theo cô giáo Nguyễn Thị Kim Anh, nếu mới nghe qua nhiều người nghĩ đây là một tiêu chí có thể thực hiện được ngay. Nhưng khi nghiên cứu kỹ mới thấy khó khăn nhất của các trường là nguồn lực đầu tư xây dựng các phòng học đảm bảo về diện tích, ánh sáng, có đủ nhà vệ sinh…. Để thực hiện được mục tiêu mà phong trào đề ra, Nhà trường đã tích cực tuyên truyền đến các bậc phụ huynh, học sinh để họ hiểu như thế nào là môi trường giáo dục thân thiện từ đó có ý thức đóng góp, cùng nhau giữ gìn cảnh quan môi trường, đồng thời đẩy mạnh công tác xã hội hoá giáo dục.
Từ nguồn vốn của dự án tổ chức Plan, ODA và sự đóng góp của phụ huỵnh học sinh, trong 6 năm trở lại đây Trường đã được đầu tư xây dựng 17 phòng học, trong đó có 8 phòng học cao tầng. Tuy nhiên, ngoài hệ thống phòng học thì cần rất nhiều công sức, kinh phí để đầu tư xây dựng cảnh quan môi trường xung quanh đảm bảo xanh, sạch, đẹp thân thiện. Nhà trường đã huy động toàn thể giáo viên, cùng phụ huynh học sinh lao động nhiều ngày công để san phẳng, quy hoạch trồng cây xanh, xây dựng bồn hoa, cây cảnh… tạo cảnh quan môi trường thân thiện trong khuôn viên rộng gần 10 nghìn m2 trước đây chỉ là một bãi đất đồi. Hàng năm, vào dịp Tết trồng cây, Trường lại tổ chức phát động giáo viên, học sinh trồng thêm nhiều cây xanh, vừa tạo bóng mát, đảm bảo cảnh quan môi trường. Bên cạnh đó, khi được tiếp nhận dự án ODA, lãnh đạo Trường đã tham mưu để họ đầu tư xây dựng khu vệ sinh của cán bộ, giáo viên, học sinh tách biệt với các lớp học, đảm bảo môi trường. Nhờ vậy, Trường tiểu học số 1 Nam Hoà đã trở thành một ngôi trường thân thiện theo đúng ý nghĩa của nó.
Đối với Trường THCS Yên Đổ (Phú Lương) để xây dựng khuôn viên cảnh quan thân thiện, Nhà trường đã đi tham quan nhiều mô hình ở một số trường điểm trên địa bàn tỉnh. Sau đó về tuyên truyền để huy động sự tham gia hiệu quả của các bậc phụ huynh. Nhờ vậy trong 3 năm qua, Trường đã huy động xây dựng gần 500m tường bao, láng 565m2 sân bê tông, trồng trên 1.000m2 cỏ nhật, xây dựng hòn non bộ, trồng các loại hoa, cây cảnh…. Vậy làm sao ở một xã nghèo mà việc huy động sức mạnh tổng hợp của các lực lượng trong và ngoài nhà trường để xây dựng một môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, hiệu quả? Trả lời thắc mắc của chúng tôi, cô giáo Lê Thị Việt Hoa, Hiệu trưởng Nhà trường khẳng định: "Khi bắt tay vào xây dựng trường chuẩn, cơ sở vật chất nhà trường mới có 1 nhà 2 tầng 10 phòng học, 1 dãy nhà cấp bốn làm khu hiệu bộ, giáo viên. Trường còn thiếu rất nhiều phòng học bộ môn, khuôn viên, tường bao, hệ thống nhà vệ sinh…thì gần như không có gì. Trong khi đó đời sống của nhân dân khu vực còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới trên 17% . Với suy nghĩ khó khăn đến đâu nếu biết dựa vào sức mạnh tập thể, nhân dân thì cũng làm được. Nghĩ là làm, tôi đã xây dựng Đề án, kế hoạch trình UBND xã xin ý kiến rồi tổ chức triển khai họp trong chi bộ, rồi toàn thể hội đồng sư phạm tạo sự đồng thuận, thống nhất cao. Đồng thời, cho tổ chức hội nghị với Ban đại diện Hội cha mẹ học sinh Nhà trường, các lớp để báo cáo và xin ý kiến, cũng như phân tích để các bậc phụ huynh hiểu việc xây dựng trường chuẩn không chỉ là đầu tư về cơ sở vật chất mà chính là nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Thông qua việc làm này, Nhà trường đã tranh thủ sự ủng hộ của các bậc phụ huynh trong việc đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục để đầu tư xây dựng các công trình phụ trợ. Mức đóng góp Nhà trường xây dựng dựa trên thu nhập trung bình của người dân và triển khai thu trong 3 năm". Nhờ vậy, đã giúp trường nhanh chóng hoàn thành tiêu chuẩn về cơ sở vật chất trường, lớp học theo hướng chuẩn hóa.
Đến thăm Trường THCS Yên Đổ những ngày này chúng tôi không khỏi ngạc nhiên về một ngôi trường xây dựng bề thế, hiện đại song lại rất thân thiện với học sinh. Cơ ngơi rộng trên 13 nghìn m2 được quy hoạch khoa học, xanh, sạch đẹp. Ngoài 13 phòng học chuyên môn là 6 phòng thực hành, thí nghiệm với đầy đủ các trang thiết bị dạy học. Hệ thống phòng truyền thống, thư viện, đoàn, đội, khu luyện tập thể thao… đầy đủ. Khu sân chơi với diện tích trên 4.500 m2 được đổ bê tông, trồng cỏ, hoa… tạo cảnh quan môi trường xanh mát. Được biết, trong tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng trường trên 5,8 tỷ đồng thì số tiền xã hội hóa giáo dục huy động được từ nhân dân và các tổ chức, cá nhân là trên 614 triệu đồng…
Có thể khẳng định, Phong trào "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" đã tạo nguồn sinh khí mới cho các nhà trường. Theo thống kê của ngành Giáo dục, từ khi thực hiện phong trào đến nay đã có 412/647 trường có khuôn viên cây xanh, cây cảnh được quy hoạch đảm bảo thoáng mát, luôn sạch đẹp. Trong đó chỉ tính riêng số cây trồng mới đã lên tới trên 111 nghìn cây. Số trường có công trình vệ sinh xây mới là 541 đơn vị. Hiện nay, khó khăn lớn nhất khi thực hiện nội dung xây dựng trường, lớp xanh, sạch, đẹp, an toàn là ở những điểm phân trường lẻ nằm ở các xóm, bản vùng sâu, vùng xa hoặc những cơ sở mới thành lập.Sau 3 năm thực hiện phong trào thi đua, ngành Giáo dục đã khen thưởng cho trên 300 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc đóng góp thực hiện phong trào.
Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh hiện có 369/647 trường đạt chuẩn quốc gia, bằng 57%. Việc thực hiện tốt Phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" là một tiêu chí khá toàn diện trong tiến trình phấn đấu của mỗi nhà trường để đạt được danh hiệu cao nhất đó là Trường đạt chuẩn Quốc gia.