Biến giảng đường thành chợ?

08:37, 02/03/2012

Chuông reo vào lớp nhưng sân trường vẫn nháo nhác "người vào người ra". Thậm chí giờ học nhưng sĩ số lớp học vắng hoe...Tình trạng này đã trở lên quá quen thuộc với các bạn sinh viên ở một số giảng đường ĐH, CĐ.

Ít bạn đi học đúng giờ

 

7h40 sáng, tiếng chuông reo cách đây 10 phút mà sân trường vẫn nháo nhác “kẻ ra người vào”. Những cô cậu sinh viên  vẫn thản nhiên  như thể không biết rằng mình đang muộn học. Tình trạng này được nhiều bạn sinh viên cho biết, đi học muộn đã là thói quá quen hàng ngày...

 

Bạn Nguyễn Thị Huệ (CBC5D – CĐTruyền hình), một trong những người đến lớp sớm nhất cũng là người có khả năng quan sát độ chuyên cần của các bạn cùng lớp nhất cho biết: “Thường thì rất ít bạn đi học đúng giờ. 7h30 vào học thì phải 10p sau, may ra lớp học mới có thể ổn định”.

 

Ghé qua giảng đường Trường ĐH Thành Đô trong giờ học Triết, chúng tôi không khỏi bàng hoàng với sĩ số vắng... hơn 1 nửa lớp. Cho đến tiết học thứ 2, “địa hình” lớp lại bắt đầu thay đổi với tình trạng thêm chỗ này, khuyết chỗ kia”. Khi giảng viên chuẩn bị điểm danh cũng là lúc sinh viên nhốn nháo "cứu" nhau bằng tin nhắn.

 

Một sinh viên Khoa kế toán (Trường ĐH Thành Đô) cho biết “ Ngày nào cũng thế, nếu không phải điểm danh thì lớp học lúc nào cũng như cái chợ, ra vào tự do. Điểm danh xong rồi thì không khí sẽ trở nên “ổn định” hơn, bởi theo quan niệm thì chỉ có kẻ ham học thật sự mới trụ lại lớp ngay cả khi thầy giáo đã “chấm công” xong!”

 

Đi học là để lấy kiến thức. Tuy nhiên, với một số bạn sinh viên lại cho rằng việc đến lớp chẳng hề quan trọng. Có chăng chỉ là có mặt và hô “có” để “bảng chấm công” của thầy giáo có tên mình. Họ gần như coi việc đi học như đi chơi và lớp học như cái chợ. Thế nên mới có chuyện, các quán trà đá trước cổng trường ĐH, CĐ không bao giờ vắng khách, ngay cả trong giờ học.

 

Học thế phổ biến?

 

Sinh viên đông, có những giảng đường sĩ số lên tới hàng trăm người. Điều này gây bất lợi của giảng viên trong việc quản lý sinh viên nhưng lại là lợi thế của những người thích tìm học thế điểm danh cho mình mà không sợ giảng viên nhớ mặt.

 

Phần lớn, hầu hết những bạn thường xuyên vắng mặt ở lớp đều là những người “ham chơi lười học”. Mục tiêu duy nhất của họ chỉ là tấm bằng nên việc đi học không bao giờ được chú trọng. Để có thể đủ điều kiện thi (không nghỉ quá số tiết), họ dùng nhiều cách để chống chế, một trong số những cách đó là nhờ người điểm danh hộ.

 

Vào lớp MNk 1a4, Trường CĐ Sư phạm Hà Nội đúng lúc điểm danh, chúng tôi được chứng kiến cảnh “ngơ ngác” của các bạn sinh viên mỗi khi đọc đến tên ai đó. Những thành viên chính thức của lớp sẽ “săm soi” người mới và để ý xem họ là học thế cho ai.

 

Chia sẻ với chúng tôi, một sinh viên trong lớp cho biết: “Vì lớp quá đông, thầy giáo không nhớ hết mặt sinh viên nên việc nhờ người điểm danh hộ không mấy khó khăn. Chính vì vậy nên mới có tình trạng không ngày nào là lớp em không có bạn mới”.

 

Học tập là quyền lợi, nhưng họ đã “lãng quên” quyền lợi đó và biến nó thành điều bắt buộc. Khi học tập không phải là việc làm quan trọng nhất của sinh viên thì liệu rằng họ sẽ làm gì trong khoảng thời gian đó? Có lẽ, vấn đề này có vô vàn đáp án để lựa chọn.

 

“Ê, hôm nay tao có việc bận, mày tìm người lên lớp điểm danh hộ tao nhé! Ok!”. Hà Anh, sinh viên năm 2 Trường CĐ Điện tử - Điện lạnh đang ngồi trong quán trà sữa trên đường Xuân Thủy vừa cúp máy, vừa nhìn cô bạn đối diện, nháy mắt cười. “Việc bận” mà Hà Anh nói tới ở đây chính là uống trà sữa và “tám” chuyện với bạn bè. Chỉ qua một cuộc điện thoại, giờ học bỗng biến thành giờ chơi với lý do hết sức chính đáng. Còn người điểm danh hộ, chỉ cần một tiếng “có” quý báu, họ có thể nhận được một khoản hậu hĩnh từ bạn của mình.