Buổi tọa đàm "Định vị lại nền giáo dục Việt Nam" diễn ra tối 1/3 tại Trung tâm Văn hóa Pháp - L’Espace (Hà Nội) chỉ ra các nút thắt nghẽn của ĐH Việt Nam và cách tháo gỡ. Diễn giả là TS Lê Đông Phương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giáo dục ĐH và nghề nghiệp (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) thu hút hơn 300 khách mời.
Thua tất cả láng giềng
Theo nghiên cứu của TS Phương thì với những nỗ lực trong một thời gian dài, "chúng ta cũng đáng tự hào về giáo dục ĐH nước nhà. Nhưng nhìn ra, thì khoảng cách còn rất xa so với thế giới".
Cụ thể, tỷ lệ người trong độ tuổi đi học biết chữ còn cao hơn Mỹ nhưng chất lượng lao động không ổn. Trong khi các nước láng giềng tỷ lệ lao động có trình độ ĐH từ 20% trở lên thì Việt Nam phần lớn lao động chỉ học hết lớp 9.
Ông dẫn số liệu của Diễn đàn Kinh tế thế giới đánh giá về các chỉ số phát triển giáo dục của Việt Nam mới hay, để giải bài toán "đổi mới căn bản toàn diện giáo dục ĐH" cần rút ngắn khoảng cách về chất lượng với các nước trong khu vực và thế giới.
Về giáo dục cơ bản của Việt Nam chỉ vượt Philippines còn thua tất cả các nước láng giềng như: Trung Quốc, Singapore, Thái Lan, Indonesia...Chất lượng giáo dục mới được đứng ở nhóm cuối và bị đánh giá có vấn đề.
"Khu vực giáo dục bậc cao, giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam còn thua tất cả các nước láng giềng".
TS Phương so sánh: "Xét về lịch sử phát triển giáo dục ĐH chúng ta có trường ĐH sớm sánh ngang với các nước phát triển. Tiếc rằng, ĐH Quốc Tử Giám đã không còn hoạt động", lời ông Phương.
Cụ thể, Quốc Tử Giám ra đời năm 1076 nhưng đến nay đã không còn hoạt động. Trong khi trên thế giới,10 trường ĐH lâu đời vẫn còn hoạt động như: ĐH Bologna (ra đời năm 1088 ở Italy), ĐH Pars (ra đời 1150), ĐH OxFord (ra đời năm 1167 ở Anh), ĐH Modena (ra đời năm 1175 ở Italy)...
Bất cập khó chữa
Nguyên nhân dẫn đến những bất cập trong hệ thống giáo dục Việt Nam được TS Phương nhắc lại: quy mô tăng nhanh cả về số cơ sở giáo dục lẫn số người học, nhưng lại mất cân đối. Có đến hơn 1/2 số trường ĐH, CĐ, TCCN, cơ sở đào tạo nghề dài hạn tập trung ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Huế, Đà Nẵng...Địa bàn xa không có trường hoặc có thì rất bé nên học sinh vùng sâu, vùng xa muốn học phải "cơm nắm muối vừng" về Hà Nội.
"Thêm nữa, tỷ lệ học sinh lao vào học khối Kinh tế, Ngân hàng chiếm hơn 1/3 số theo học. Trong khi khối ngành Nông-Lâm-Thủy sản chiếm chưa đến 5%".
Ông dự báo, với hiểu biết tù mù về sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam và định hướng lệch lạc từ người lớn, mùa tuyển sinh năm nay chắc chắn sẽ có 50% số học sinh thi vào khối ngành Tài chính - Ngân hàng.
Một bất cập nữa theo ông Phương đến nay vẫn chưa có giải pháp tháo gỡ, đó là doanh nghiệp chê sản phẩm đào tạo. Trong khi đó, nếu đào tạo theo đúng yêu cầu của doanh nghiệp thì sẽ sai quy trình, lệch chuẩn.
Không né thị trường giáo dục
TS Phương khẳng định trong tương lai giáo dục không thể là tháp ngà tồn tại giữa biển nước quốc tế. Đến lúc nên xem giáo dục là một dịch vụ xã hội.
'Giáo dục Việt Nam phải chấp nhận cho tư nhân tham gia giáo dục dưới sự điều tiết của nhà nước. Đã đến lúc phải sắp xếp lại hệ thống giáo dục theo hướng chuẩn hóa, nhanh chóng xúc tiến kiểm định chất lượng giáo dục....
Thêm nữa giáo dục phải hướng đến nâng cao dân trí, phát triển nhân lực và bồi dưỡng nhân tài. Về nhân tài không nên làm theo cách hiện nay theo kiểu "nuôi gà chọi" mà phải phát huy được cái đặc biệt của mỗi cá nhân.