GS Ngô Bảo Châu viết tiểu thuyết toán hiệp

14:39, 04/03/2012

Nhiều bản thảo hấp dẫn đang chờ có mặt tại Hội chợ sách TPHCM diễn ra từ ngày 19 – 25.3 tới. Trong đó, cuốn tiểu thuyết “toán hiệp” của GS Ngô Bảo Châu và Nguyễn Phương Văn có lẽ là một “ẩn số” gây hồi hộp hơn cả.

“Đa số những người thích đọc sách đều có một chút tham vọng viết sách, trở thành nhà văn. Tôi quan niệm rằng viết văn là viết trước hết cho bạn bè, vì đọc văn là một sự chia sẻ rất nhiều giữa người đọc và người viết. Những người chưa là bạn, cũng có thể trở thành bạn qua việc đọc sách”. (GS Ngô Bảo Châu)

  

“Ẩn số” thể loại: “Tiểu thuyết toán hiệp”

 

Cuốn sách có cái tên rất dài, như thường thấy ở những cuốn sách viết về những cuộc phiêu lưu kỳ thú: “Ai và Ky ở xứ sở của những con số tàng hình”* (có tên ban đầu là “Cuộc phiêu lưu của Ai và Ky”), kể về cuộc phiêu lưu của hai cậu bé Ai và Ky trong thế giới cổ tích của toán học.

 

 

Xuất phát từ ý tưởng muốn viết một cuốn sách về lịch sử toán học của GS Ngô Bảo Châu (nhưng trong quá trình viết, mạch truyện lại “ngang bướng” rẽ theo một hướng khác) mà hai cậu bé Ai và Ky đã “chào đời” sau 8 tháng “mang nặng”. Để “xa mặt (mà không) cách... dòng” (do hai tác giả - một ở Việt Nam, một ở Mỹ), cuốn sách đã được ráp nối qua... skype, gmail và những lần gặp nhau tại các quán càphê ở Hà Nội, Sài Gòn... Và các tác giả đã đặt cho cuốn sách một thể tài mới: “Tiểu thuyết toán hiệp”.

 

Cuốn sách gây tò mò không chỉ bởi tên của tác giả mà còn của... nhân vật. Vì sao lại nhất định phải là hai cái tên “nửa tây nửa ta” Ai và Ky? “Nửa tây nửa ta” mà nghe vẫn hết sức giản dị và gần gũi! Thực ra, tên nhân vật lúc đầu được đặt là Ay và Bi với hàm ý hai điểm A và B, cũng như hàm ý A0 là khối phổ thông chuyên toán - nơi GS Ngô Bảo Châu từng học tại Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội (cũ) và B0 là khối phổ thông chuyên lý của người bạn cùng trường, khác khoá Nguyễn Phương Văn (một nhân vật rất quen thuộc với cư dân mạng tại địa chỉ blog).

 

Cộng hưởng của họa sĩ Thái Mỹ Phương cho cuốn sách “Ai và Ky ở xứ sở của những con số tàng hình”.

 

Tuy nhiên, khi bước vào cuộc phiêu lưu, “sứ mệnh tinh thần” của cậu bé Ai còn lớn hơn thế nhiều: Cái nhìn ngác ngơ, trong vắt của cậu có thể xem là biểu tượng cho bản tính “nhân chi sơ” của mỗi chúng ta, trên hành trình kiếm tìm vẻ đẹp của toán học và triết lý sống. Còn Ky - với “hành tung đáng ngờ” của mình, rất dễ khiến người ta ngờ rằng chính là “nơi ẩn nấp thú vị” của nhà toán học nổi tiếng thế giới và là đồng tác giả cuốn sách.

 

Khi cậu luôn là nguồn cảm hứng cho Ai trên bước đường khám phá, thường xuất hiện điềm tĩnh và đúng lúc để đưa tới những “khai sáng”, “vỡ nhẽ”. Chưa nói, còn là những điểm tương đồng về... “nhận dạng”! Khác chăng, cái tài của tác giả ở đây là “giấu... giỏi”!

 

Mỗi nhân vật là một ẩn số

 

“Tiểu thuyết toán hiệp” - nghe thì có vẻ “đánh đố” vậy, nhưng thực ra, lại có thể khiến một kẻ sợ toán bớt sợ toán. Khi thế giới toán học ở đây hoá ra đơn giản hơn chúng ta tưởng, lãng mạn hơn chúng ta tưởng. Hay nói như nhà giáo dục học Phạm Toàn là “một thế giới trong vắt”! Bởi xuất phát điểm của cuộc hành trình đơn giản chỉ là những bài học vỡ lòng về toán mà gần như ai trong chúng ta cũng đều từng được nghe giảng.

 

Cộng hưởng của họa sĩ Thái Mỹ Phương cho cuốn sách.

 

Có điều, lần này, người “giảng toán” là một nhà toán học nổi tiếng thế giới và “trực quan sinh động” mà người thầy đó sử dụng, độc đáo thay, chính là những trang văn trong veo, lãng mạn. Với một “bục giảng” rì rào tiếng sóng, thầy và trò rảo bước bên nhau trên cát, giữa lớp lớp những “điểm, đường thẳng, đường tròn, giao tuyến”... Hay cánh đồng những con số, nơi hai cậu bé được gặp Cartesius cùng hệ tọa độ của ông...

 

Đồng hành với Ai, do đó, không chỉ có Ky và chú dế Jim có tài búng râu kỳ dị mà còn có những “người thầy vĩ đại” từng có công góp phần định hình nên nền văn minh nhân loại cùng những biểu tượng quen thuộc của họ trong toán học và triết học cổ đại như: Thales với cặp kính kỳ dị hình bình hành, Pythagoras và những hạt đậu, Euclid với cây thước thẳng, Diogenes và “ngọn đèn đứng gác”...

 

Một thế giới của những cá tính không lặp lại, không giống ai! Chẳng hạn: Nếu Thales dùng hình để dựng nên các số, thì Cartesius lại làm ngược lại: Ông dùng các con số để dựng hình... Và cũng vì vậy mà cuốn sách, thay vì chọn cách thông thường là dạy chúng ta tin, lại chọn cách khó hơn là dạy chúng ta... nghi ngờ.

 

Nghi ngờ tới nỗi những phép màu (có lúc) cũng trở nên trần trụi. Thậm chí, như Cartesius, còn coi việc biết nghi ngờ như một lẽ sống, khi món quà ông trao tặng các cậu bé, chính là “tôn chỉ”: “Phải biết nghi ngờ mọi thứ, rồi suy nghĩ có phương pháp để xua tan nghi ngờ!”. Vậy, rốt cuộc, vẫn là dạy chúng ta cách để tin. Tin vào ai đó và một điều gì đó, ngay cả khi nó còn là một ẩn số.

 

Thế giới của những cái tên quen và lạ! Và điều kỳ lạ là mặc dù tất cả những cái tên được nhắc đến ở đây đều xuất thân từ văn minh phương Tây mà không có bóng dáng một hiền nhân phương Đông nào, nhưng dưới “góc máy” của tác giả, những “người lạ” đó lại bỗng trở nên quen biết và gần gũi.

 

Hẳn vì thế, mà dù lạc vào một xứ sở rặt văn minh phương Tây mà Ai vẫn còn nghe rõ “tiếng gàu thong thả kéo nước lên từ miệng giếng đá”. Còn Ky - với vai trò kết nối Ai và các nhân vật khổng lồ trong xứ sở của những con số tàng hình thì luôn được mô tả như một vai lão bộc trong chèo cổ. Ranh giới không gian - thời gian vì thế mà cũng được chồng mờ một cách hết sức khéo léo để cầm tay nhau đồng hiện.

 

“Người thật, việc thật” đã đành, nhưng khi nhà toán học là nhà văn, thì “quyền lực” của họ bỗng lớn hơn bao giờ, đủ để người đọc - dù được dẫn đường - vẫn không khỏi có lúc bối rối vì không biết đâu là thật, đâu là hư cấu.

 

Bối rối một cách thú vị như khi người ta yêu vậy! Và ở đây, là tình yêu toán học!



Điều kiện tiếng anh du học úc