Hiệu quả từ công tác xã hội hóa

09:39, 30/03/2012

Nhiều đổi mới trong giảng dạy; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đầy đủ; 100% số trẻ được ở bán trú… là kết quả của việc thực hiện tốt công tác xã hội hóa ở Trường Mầm non Minh Lập (Đồng Hỷ)

Đưa chúng tôi đi thăm các lớp học, cô Bùi Thị Vân, Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: “Hiện nay, Trường có 4 cụm cơ sở, với 16 lớp học, 29 giáo viên và 345 học sinh ở 5 nhóm tuổi (nhà trẻ, 2-3 tuổi, 3-4 tuổi, 4-5 tuổi, 5 tuổi).

 

Từ năm học 2009-2010 đến nay, trong toàn xã số trẻ em 5 tuổi đến trường luôn đạt 100%, các nhóm tuổi khác đạt 90% trở lên, gấp 4-5 lần so với những ngày đầu thành lập. Trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn I từ năm 2008-2009… 

 

Nhớ lại những ngày khi trường mới thành lập (năm 2000), lúc đó, để có địa điểm cho trẻ em trong xã học tập, Nhà trường phải mượn nhà văn hóa, nhà kho đã cũ, ọp ẹp của các xóm làm nơi giảng dạy. Giáo viên cùng phụ huynh học sinh chặt tre làm cột chống mái nhà, đóng bàn ghế cho các em ngồi học... Lúc đầu trường chỉ có 7 cô giáo, hầu hết là giáo viên dạy cấp 1 đã nghỉ hưu, thiếu phương pháp giảng dạy mầm non nên “trông trẻ là chính, dạy chỉ là phụ”…

 

Năm 2002, khi tổ chức Plan (tổ chức phi chính phủ quốc tế phát triển cộng đồng lấy trẻ em làm trung tâm) đầu tư dự án về giáo dục tại địa phương, Ban Giám hiệu Nhà trường đã nhanh chóng tiếp cận, tham mưu với UBND xã họp dân, bầu ra Ban giám sát thi công, vận động nhân dân tham gia đối ứng tiền, công sức, cùng tổ chức Plan xây dựng trường lớp. Cuối mỗi năm, Ban giám sát thi công cùng Nhà trường lên kế hoạch xây dựng cơ sở vật chất cho năm sau, họp bàn dân lấy ý kiến đóng góp nhằm huy động nhanh các nguồn kinh phí đối ứng.

 

Trường mầm non Minh Lập đạt chuẩn quốc gia mức độ I năm học 2008-2009, là một trong số những trường đạt chuẩn quốc gia sớm nhất toàn huyện. Trường đang phấn đấu  để đạt chuẩn mức độ II vào năm 2013.

 

Huyện Đồng Hỷ có 9/19 trường mầm non đã đạt chuẩn quốc gia, đứng thứ 6/9 huyện, thành thị của tỉnh về tổng số trường mần non đạt chuẩn.

Đến năm 2007, điểm trường cuối cùng hoàn thành và được đưa vào sử dụng. Nhà trường tập trung nâng cao chất lượng giảng dạy thông qua mở các khóa bồi dưỡng chuyên môn, hướng dẫn giáo viên phương pháp tích hợp nhiều hoạt động trong cùng một buổi học khi dạy trẻ… Trong hội thi giáo viên giỏi, Nhà trường khuyến khích giáo viên sáng tạo đồ chơi, các mô hình giảng dạy mới…

 

Với cách làm đó, các phương pháp giảng dạy phù hợp nhanh chóng được đưa vào dạy học, hiện nay, trường có 28/29 giáo viên đạt trình độ trên chuẩn… Tại các buổi họp phụ huynh, kết hợp tuyên truyền, phổ biến cho phụ huynh về cách chăm sóc trẻ khoa học, giáo viên vận động họ cùng Nhà trường tổ chức các hội thi cho trẻ và phụ huynh cùng tham gia như Bé vui hội xuân hồng, thi nấu ăn…, từ đó tạo sự gắn kết giữa thầy cô và phụ huynh, giúp việc giáo dục trẻ tốt hơn.

 

Nhờ làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục, 12 năm qua, nhân dân địa phương đã đóng góp hàng nghìn ngày công lao động và hơn 250 triệu đồng; cùng trên 400 triệu đồng nguồn ngân sách hàng năm do Phòng GD & ĐT huyện cấp; và lớn nhất là số tiền trên 8,5 tỷ đồng của Dự án Plan hỗ trợ, Trường Mầm non Minh Lập đã được xây dựng khang trang với đầy đủ hệ thống phòng học, nhà ăn, khu vui chơi, các mô hình học tập ngoài trời…đáp ứng nhu cầu dạy và học.

 

 “Hiện nay, mặc dù Dự án Plan đã hết thời gian đầu tư tại địa phương nhưng chúng tôi vẫn duy trì các hoạt động xã hội hóa, tranh thủ sự quan tâm, ủng hộ của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương để tiếp tục xây dựng trường lớp, tạo môi trường học tập tốt nhất cho trẻ… Thời gian này, chúng tôi đang tham mưu với UBND xã tách trường thành 2 trường biệt lập, nhằm giúp cho việc đi lại, học tập của con em trong xã cũng như việc quản lý thuận lợi, dễ dàng hơn.” cô Vân tâm sự.