Tạ Lay Lặc là một trong 20 con em của tỉnh Luông Pha Băng, nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào đến học tập tại Trường Cao đẳng Kinh tế - Tài chính Thái Nguyên.
Tạ Lay Lặc là một trong 20 con em của tỉnh Luông Pha Băng, nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào đến học tập tại Trường Cao đẳng Kinh tế - Tài chính Thái Nguyên. Đây là khoá đầu Nhà trường tiếp nhận sinh viên (SV) Lào đến học tập theo Chương trình mục tiêu của Bộ Giáo dục - Đào tạo và được sự nhất trí của tỉnh Thái Nguyên. Các em mới nhập trường từ tháng 10-2011 đến nay, tuy mới sang học tập môn tiếng Việt trong một thời gian ngắn, nhưng do hằng ngày được thầy cô giáo trong trường tận tình hướng dẫn, lại được giao tiếp, trao đổi với sinh viên SV của trường bằng tiếng Việt, nên đến nay hầu hết các bạn SV Lào đã biết giao dịch bằng tiếng Việt Nam. Nhiều bạn còn sử dụng cả những câu châm ngôn Việt Nam trong trò chuyện với chúng tôi. Có bạn đã hát rất hay các bài hát nói về tình đoàn kết giữa 2 nước Việt Nam - Lào và bài hát "Như có Bác trong ngày vui đại thắng".
Theo thầy Nguyễn Công Dương, Hiệu trưởng Nhà trường: Việc đào tạo đối với lưu SV Lào được Nhà trường xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình "Đẩy mạnh, mở rộng hợp tác đào tạo quốc tế". Coi đây là một trong những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu hội nhập kinh tế quốc tế của Nhà trường cho những năm trước mắt và lâu dài. Cũng từ thông qua hoạt động liên kết đào tạo này, Nhà trường đã góp phần thiết thực trong thực hiện chủ trương của lãnh đạo 2 Đảng, 2 Nhà nước về việc tiếp tục vun đắp truyền thống quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và thuỷ chung trong sáng của nhân dân 2 nước Việt Nam - Lào.
Từ năm 2011, Nhà trường đã có Đề án Đào tạo cán bộ quản lý kinh tế bậc cao đẳng, đại học cho SV tỉnh Luông Pha Băng và các tỉnh lân cận của Lào.
Theo chương trình đào tạo, SV Lào sang học tập tại trường được tổ chức học tập trong thời gian 4 năm. Riêng năm đầu các em được học tiếng Việt, từ năm thứ 2 các em được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ trên cơ sở nguyện vọng đăng ký của cá nhân hoặc theo yêu cầu của tỉnh Luông Pha Băng. Nhà trường thực hiện đào tạo giúp Lào các chuyên ngành như: Kế toán doanh nghiệp, kế toán Nhà nước, thuế, bảo hiểm, kiểm toán… Khi ra trường SV Lào được Nhà trường cấp chứng chỉ và các văn bằng tốt nghiệp gồm: Chứng chỉ công nhân đạt chuẩn tiếng Việt, Chứng chỉ B Tin học, Chứng chỉ Giáo dục Quốc phòng và Bằng tốt nghiệp cử nhân cao đẳng chuyên ngành.
So với SV Việt Nam đang theo học tại trường, SV Lào được ưu tiên hơn về cơ sở vật chất, điều kiện học tập, như việc Nhà trường sắp xếp cho SV Lào ăn, ở, học tập tại tầng 6 và tầng 7 của nhà K1 trong kí túc xá SV. Khi đến thăm, chúng tôi thấy các phòng ở của SV Lào được xây dựng khép kín, mỗi phòng ở kê 3 giường đơn, tủ đựng quần áo, máy điều hoà nhiệt độ… Lớp học và nhà ăn dành cho SV Lào cũng được Nhà trường bố trí ngay trong Nhà K1.
Tôi hỏi Un Hươn về cuộc sống của em khi đến đây có gì xáo trộn không? Sau một lát suy nghĩ, Un Hươn nói chậm rãi từng từ vì sợ sai câu: Những ngày đầu xa nhà em thấy lo lắng, còn bây giờ em quen rồi, lại thích nữa vì mình có thêm nhiều người bạn Việt Nam. Tôi quay sang hỏi Piêm Xục về điều kiện học tập tại trường. Piêm Xục không ngần ngại, em nói khá rõ: Điều kiện học tập ở đây rất tốt, ngoài giờ học trên lớp, chúng em còn thường xuyên lên thư viện của trường mượn thêm tài liệu nghiên cứu và vào mạng internet đọc báo, xem phim, email về quê cho người thân được miễn phí.