Ngành giáo dục bàn giải pháp hạn chế ùn tắc giao thông

15:46, 05/04/2012

Ý thức tham gia giao thông thông của nhiều sinh viên (SV), học sinh (HS) còn kém; còn tồn tại tình trạng ùn tắc giao thông khu vực cổng trường; chưa giải quyết dứt điểm tình trạng HS đi xe máy đến trường khi chưa có giấy phép lái xe...

Giải pháp nào để cải thiện tình trạng này, góp phần hạn chế ùn tắc giao thông tại một số thành phố lớn hiện nay? Đó là những vấn đề được đề cập tại hội thảo do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 5/4 tại Hà Nội với sự tham gia của đại diện lãnh đạo Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh, Hà Nội.

 

Ông Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Vụ Công tác HS- SV (Bộ GD-ĐT) cho biết: Trung bình mỗi ngày có hơn 30 người chết và hàng chục người bị thương nặng do tai nạn giao thông, chủ yếu tập trung trong độ tuổi từ 15 đến 49, gây nhiều tổn thất về người và của cải.

 

Một trong những nguyên nhân được chỉ ra do ý thức người tham gia giao thông, mà trong đó có không ít HS, SV chưa cao. Hưởng ứng "Năm an toàn giao thông 2012", Bộ GD-ĐT đã ban hành Kế hoạch về thực hiện công tác giáo dục an toàn giao thông trong trường học". Ngoài việc tăng cường tuyên truyền, giáo dục về việc chấp hành Luật Giao thông cho HS,SV Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các đơn vị chỉ đạo quyết liệt việc nghiêm cấm HS chưa đủ điều kiện điều khiển xe mô tô, xe gắn máy đến trường.

 

Về việc thực hiện điều chỉnh giờ học tập, làm việc, ý kiến của đại diện Sở GD-ĐT Hà Nội và một số trường học đều khẳng định đã có tác dụng đáng kể trong việc cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố thời gian qua. Đại diện Sở GD-ĐT của hai thành phố lớn cũng đã cùng nhau chia sẻ một số kinh nghiệm trong triển khai các giải pháp chống ùn tắc như: điều chỉnh linh hoạt giờ vào học và tan học của các trường trên cùng một tuyến đường; bố trí các điều kiện phục vụ cho việc quản lý HS trong thời gian giao giữa hai ca học sáng- chiều hoặc trong thời gian chờ phụ huynh đến đón; chủ động ký kết với đơn vị vận tải công cộng phục vụ việc đưa- đón HS…

 

Tuy nhiên, để các giải pháp này đạt hiệu quả như mong muốn, các đại biểu cũng thống nhất đề xuất một số kiến nghị như có thêm các biển cấm đỗ xe khu vực cổng trường; nghiêm khắc hơn khi xử phạt HS,SV vi phạm Luật giao thông; ngăn chặn triệt để tình trạng trông giữ xe của HS khu vực gần trường học…

 

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quý khẳng định: giáo dục An toàn giao thông cho HS,SV vừa là nhiệm vụ trước mắt để bảo đảm tính mạng cho các em, vừa là nhiệm vụ lâu dài để hình thành một thế hệ công dân tương lai có ý thức chấp hành pháp luật, có văn hóa ứng xử và kỹ năng tham gia giao thông an toàn. Lực lượng này chấp hành tốt Luật Giao thông sẽ góp phần không nhỏ trong việc lập lại trật tự an toàn giao thông trên cả nước, trong đó có việc xây dựng nét đẹp văn hóa giao thông trong mọi tầng lớp nhân dân nói chung và thế hệ trẻ Việt Nam nói riêng.

 

Thứ trưởng Trần Quang Quý biểu dương tinh thần cố gắng của lãnh đạo và các nhà trường của hai thành phố lớn trong việc chung tay cùng các lực lượng xã hội giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông và yêu cầu hai địa phương tiếp tục nỗ lực, chủ động, sáng tạo và thực hiện nhiều giải pháp hữu hiệu nhằm tăng cường ý thức chấp hành Luật giao thông của HS,SV.