Khám và chẩn đoán thị lực từ xa

11:06, 24/10/2012

Thời gian khám bệnh cho mỗi học sinh chỉ mất từ 5-7 phút. Các em được trang bị kiến thức về cách giữ gìn thị lực…

Chỉ cần đứng ở cổng bất kỳ trường học nào, có thể quan sát thấy số học sinh phải đeo kính là khá đông. Một học sinh lớp 10 của trường Hà Nội - Amsterdam kể, lớp em có 39 bạn thì tới… 25 bạn phải đeo kính

 

“Con tôi bị cận thị, tăng số rất nhanh !”

 

Một thống kê của Bệnh viện Mắt Trung ương cho thấy, tỷ lệ học sinh bị cận thị trong các trường tiểu học là 15 - 20%. Riêng tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, tỷ lệ này là 28 - 30%. Đặc biệt tại một số trường chuyên, tỷ lệ trẻ bị cận thị tương đương 50 - 55%. Một tỷ lệ khá cao học sinh mắc tật về mắt mà cha mẹ không biết. Và khi cha mẹ phát hiện, đưa con đi khám, thì nhiều cháu đã bị tật khúc xạ một thời gian dài, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt và học tập. 

 

Chị Trương Thị Bích Thảo, nhà ở phố Hoàng Văn Thái, Q. Thanh Xuân, Hà Nội, kể: “Tôi phát hiện ra cháu nhà tôi bị cận thị bởi mỗi khi cháu đọc cứ nheo mắt lại, rồi cô giáo liên hệ với cha mẹ, bảo là phải đưa đi khám, vì dạo này cháu học đuối quá, hình như không nhìn được bảng thì phải. Tôi đưa cháu đi khám ở mấy phòng khám tư, bác sĩ bảo cháu đã cận 2 đi-ốp rồi. Đeo kính một hồi, nửa năm sau khám lại, đã bị tăng lên 2,5 độ, rồi 3 độ”.

 

Chị Thảo cho biết, từ đó đến nay, trước mỗi học kỳ chị đều cho con đi khám mắt, và không có lần nào mà không phải chi tiền thay mắt kính mới vì tăng số. Chị Thảo ca cẩm: “Bảo con không biết bao nhiêu lần mà nó cứ “cắm” mặt vào sách, bảo sao không cận?”.

 

Chị Bùi Hương Lan, có con học lớp 9 trường Giảng Võ, phát hiện ra con chị bị cận từ khi cháu học lớp 3, lúc cháu bị cận 1,5 đi-ốp. Đến nay, cháu đã cận tới 6 đi-ốp. “Như vậy, mỗi năm phải thay kính 1 lần. Gia đình cũng nhắc nhở cháu không xem TV và sử dụng máy tính nhiều, nhưng bố mẹ đi làm suốt, cũng chả kiểm soát chặt chẽ được con”.

 

Thực tế hiện nay có rất ít gia đình có điều kiện đưa con em mình đến các cơ sở y tế khám định kỳ 2-3 lần/năm nên chắc chắn số lượng các cháu mắc bệnh không được phát hiện vẫn còn nhiều.

 

Nghi ngờ con bị tật khúc xạ, nhưng làm sao để xác định đúng và điều trị cho con, cũng là điều mà nhiều bậc cha mẹ băn khoăn. Chị Trần Kiều Minh- phụ huynh một học sinh lớp 4 trường British Internatinal Quận 2, TP HCM cho biết: chị đang tìm địa chỉ uy tín để đi khám mắt cho con. Bé nhà chị về nhà xem tivi hoặc muốn nhìn cái gì đều nheo mắt. Mẹ của cháu sau khi tốt nghiệp ĐH, đi làm rồi mới bị cận thị, nên chị cảm thấy hơi căng thẳng khi đối mặt với việc con có thể đã bị tật khúc xạ từ khi bé.

 

Bận rộn, không có thời gian, và cũng chưa có kiến thức đầy đủ, nhiều bậc cha mẹ đưa con đi đo mắt ở những nơi bán kính hoặc những phòng khám không đủ tiêu chuẩn, khiến cho các em bị chẩn đoán sai và điều trị sai (đeo kính sai độ cận/viễn/loạn). Điều trị như vậy, hậu quả là ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và thị lực của trẻ.

 

Điều trị tật khúc xạ ngay tại trường học

 

Dự án “Mắt sáng học đường” chính thức được bắt đầu triển khai tại trường THPT Chu Văn An  từ ngày 22/10/2012, với sự chứng kiến của Ngài Andrei Kotun- Đại sứ Nga tại Việt Nam, đại diện Ban lãnh đạo, các chuyên gia Nga của Bệnh viện Mắt quốc tế Việt – Nga, đại diện Sở giáo dục và Đào tạo Hà Nội. Dự án nhằm tạo ra sự hợp tác chặt chẽ giữa Nhà trường, gia đình và ngành nhãn khoa trong lĩnh vực điều trị bệnh mắt ở trẻ em.

 

Dự án này do Bệnh viện Mắt Quốc tế Việt – Nga phối hợp với Trường THPT Chu Văn An tổ chức triển khai, nhằm góp phần đẩy lùi nguy cơ cận thị học đường. Theo các bác sĩ nhãn khoa, bệnh cận thị và các tật khúc xạ phải được phát hiện và điều trị càng sớm càng tốt, nếu để lâu không điều trị kịp thời các bệnh trên sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm trong đó có “bệnh nhược thị” – sự suy giảm thị lực không thể phục hồi bằng kính đeo, chỉ có thể phục hồi bằng các phương pháp điều trị hiện đại và chỉ ở độ tuổi đến trường.

 

Phòng khám mắt tại trường THPT Chu Văn An (Hà Nội)

 

Trong dự án “Mắt sáng học đường”, Bệnh viện Mắt quốc tế Việt – Nga sẽ sử dụng “Chương trình khám chẩn đoán thị lực từ xa” thuộc bản quyền của phân viện Tổ hợp vi phẫu mắt MNTK Fyodorov thành phố Novosibirsk phát minh và chuyển giao, để khám tầm soát tình trạng thị lực của gần 2000 học sinh. Học sinh chỉ cần ngồi trước màn hình vi tính có nối mạng thực hiện các bài kiểm tra theo chương trình dưới sự giám sát của các nhân viên y tế, các số liệu được truyền sang trung tâm xử lý tại LB Nga và kết quả lập tức được truyền trả lại. Thời gian thực hiện cho mỗi học sinh vào khoảng 7-10 phút.

 

Sau đợt khám tầm soát này, Nhà trường, Bệnh viện và các bậc cha mẹ sẽ có được bức tranh tổng thể về tình trạng thị lực của từng em, tỉ lệ mắc bệnh trong toàn trường trong từng thời điểm tiến hành khám kiểm tra. Sau khi khám tầm soát, các bậc cha mẹ và các em học sinh sẽ được tư vấn chung các kiến thức giữ gìn bảo vệ mắt như: chế độ sinh hoạt và làm việc ở nhà, tác phong tư thế ánh sáng trong khi học tập ở trường,…

 

Với những em đã có dấu hiệu mắc bệnh sẽ được các bác sỹ chuyên gia Nga khám và tư vấn phương pháp chăm sóc và điều trị phù hợp. Các em bị cận thị sẽ được thực hiện các khóa điều trị trên các thiết bị chuyên dụng tại “Trung tâm điều trị cận thị” đặt tại trường. Tất cả các em học sinh đều được miễn phí khám và tư vấn chăm sóc mắt của các chuyên gia Nhãn khoa LB Nga trong suốt tuổi học trò bao gồm cả việc theo dõi, cấp đơn kính, thuốc điều trị. Kinh phí điều trị sẽ được huy động một phần đóng góp của cha mẹ học sinh, những nhà tài trợ hảo tâm cùng hỗ trợ giá của Bệnh viện. Đối với các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, Bệnh viện và Nhà trường sẽ xem xét hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ phần đóng góp của gia đình.

 

Bệnh viện Mắt Quốc tế Việt – Nga là kết quả trong Chương trình hợp tác giữa Việt Nam và LB Nga về lĩnh vực y tế xã hội giai đoạn 2007-2009 với sự tham gia của đối tác phía LB Nga là “Tổ hợp “Vi phẫu Mắt” MNTK mang tên Viện sỹ Fyodorov”. Bệnh viện là nơi được tiếp nhận, chuyển giao những phát minh khoa học- công nghệ mới về Nhãn khoa từ LB Nga và thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực Mắt trẻ em.

 

Ông Dương Chí Kiên, Tổng Giám đốc, Chủ tịch HĐQT Bệnh viện Mắt quốc tế Việt – Nga nhấn mạnh thêm: “Dự án sẽ mang lại cho các em học sinh kiến thức cần thiết để giữ gìn thị lực, kiến thức cần thiết để sử dụng đúng cách khi đeo kính và sử dụng thuốc. Việc đặt cơ sở khám và điều trị cận thị tại nhà trường sẽ góp phần tích cực bảo vệ đôi mắt cho các em và đặc biệt chúng tôi tin tưởng rằng với sự chung tay của gia đình, nhà trường và bệnh viện, có thể ngăn chặn mối đe dọa “cận thị học đường”.