Cốt lõi của giáo dục trong thời đại công nghệ thông tin, kỹ thuật số (KTS) không còn là cuộc đấu tranh nhằm khắc phục tình trạng thiếu thông tin và hiểu biết mà nằm ở khả năng phân tích, biện luận, đánh giá, phân biệt đúng sai.
Tải tri thức theo cách mới
Ông Paul Mathias, Thanh tra cao cấp giáo dục quốc gia của Pháp, trong buổi toạ đàm “Giáo dục trong thời đại KTS” tại Hà Nội vừa qua đã nói, KTS đã hiện diện rất nhiều trong đời sống của chúng ta, biểu hiện rõ nhất là việc bất kỳ đâu cũng dễ dàng bắt gặp người sử dụng smartphone hay lên mạng internet.
Ông thừa nhận, những năm gần đây, sự bùng nổ của công nghệ số hoá, công nghệ phần mềm cho phép chúng ta đi nhanh hơn, khối lượng thông tin chúng ta tiếp nhận nhiều hơn và chất lượng hơn. Thực tế, sự phổ biến công nghệ kỹ thuật số ít nhiều đang làm thay đổi mối quan hệ giữa chúng ta, thay đổi mối quan hệ của chúng ta với thế giới, thiết lập nên cả một nền văn hoá, văn minh mới.
Kỹ thuật số, hay Công nghệ thông tin (CNTT) đã đặt ra vấn đề mới trong học tập. Các đối tượng của tri thức vẫn là văn bản, hình ảnh, âm thanh, nhưng với sự hỗ trợ của KTS, chúng ta vừa phải thể hiện kinh nghiệm đọc, viết, diễn giải, phê bình, vừa làm chủ các giá trị, kiến thức đó. Vấn đề cốt lõi và trung tâm của việc học tập là trong các luồng thông tin, làm thế nào để phân biệt những gì chắc chắn, thích đáng, làm thế nào bỏ qua những gì ít quan trọng hay không hề có giá trị. Nói như ông Mathias là :“Phải giữ khoảng cách với thông tin để có thể đánh giá và sử dụng đúng đắn.” Nhiệm vụ và vai trò của giáo dục và học tập cũng vì thế phải có sự thay đổi.
Thế giới KTS tạo ra môi trường mới về trí tuệ khi tri thức tồn tại ở mọi nơi và mọi thứ bậc bị xoá nhòa, ai cũng có thể tiếp cận. Thay vì ở vị trí độc quyền tri thức, giáo viên và học sinh giờ là đối tác của nhau. Người thầy sẽ giúp sinh viên có sự tiếp nhận nhân văn nhất với các nguồn thông tin và hỗ trợ họ trong quá trình đó. Thích hợp hơn và dường như cũng đang trở thành xu hướng là hình ảnh sinh viên đón nhận các kiến thức, thông tin mà thầy giáo truyền đạt với các thiết bị kỹ thuật số.
Giáo viên sẽ không nói đúng hay sai nữa mà thế hiện vai trò hướng học sinh, sinh viên có cái nhìn phê bình; là chủ thể giúp học sinh phát huy hết khả năng của mình trong môi trường tri thức mới.
Điều này cũng mang lại thách thức lớn. Để có thể hoàn thành vai trò của người dẫn đường, thầy cô giáo cũng phải chấp nhận thay đổi và hiểu về nền văn hoá số đang hoạt động như thế nào. Bản thân người thầy cũng sẽ có sự cạnh tranh với các nguồn thông tin mà sinh viên có thể tiếp cận được. Đây là một thực tế cần được tất cả những người làm nhiệm vụ đào tạo quan tâm.
Bài học vô hồn nếu thiếu tâm hồn
Nhưng cũng có nhiều ý kiến băn khoăn về mặt trái của việc KTS xâm chiếm trường học.
Ông Nguyễn Đức Thạc, nguyên giảng viên Tâm lý học, người tiếp cận nhiều với chương trình giáo án điện tử cho các trường phổ thông, bày tỏ trăn trở về xu hướng đề cao tuyệt đối KTS, coi đó là sự hiện đại hoá trong dạy học. Ông nhận xét về những tiết học ông tham gia dự giờ rằng, “ngay cả các môn nhân văn cũng bị giáo viên lạm dụng các thiết bị KTS khiến cho giờ học trở nên vô hồn.”
Theo quan điểm của thầy Thạc, hiện đã hơn 70 tuổi, người đã dành cả cuộc đời cống hiến cho ngành giáo dục, thì giáo dục trước hết phải là giao tiếp nhân cách, truyền đạt niềm tin yêu về cuộc sống chứ không đơn thuần là truyền đạt kiến thức thuần tuý: “Ngay cả khi người thầy đưa thông tin mà không thể hiện cách nhìn, quan điểm thì phải chăng KTS sẽ làm biến dạng giáo dục?”
Bà Trương Thị Thuý Hằng (Khoa Quản lý - Học viện Quản lý Giáo dục) nêu quan điểm: ”Giáo dục ngoài kiến thức thì còn kỹ năng và nhân cách”.
“KTS đang thay đổi chúng ta rất nhiều nhưng cũng biến chúng ta thành nô lệ” - Bà nhấn mạnh, và cho biết luôn luôn cảnh tỉnh sinh viên của mình về mặt trái này: “Đến lúc nào đó, các bạn trẻ đắm chìm trong thế giới KTS mà không thoát ra được.”
Vậy trong giáo dục, KTS nên đóng vai trò như thế nào là hợp lý?
Ông Mathias thừa nhận, đây là vấn đề toàn cầu và nền giáo dục Pháp cũng phải đối mặt. Ngoài vấn đề chính là các giáo viên áp dụng KTS vào bài giảng thế nào cho phù hợp thì nên có các yêu cầu chung về phương pháp sư phạm. Bản thân người tiếp thu kiến thức thì phải trang bị kỹ năng: so sánh, đối chứng nguồn tin... Ngoài các thông tin trên mạng, cần tham khảo thêm các nguồn khác như: từ nhà trường, viện nghiên cứu, thư viện…trước khi đưa ra kết luận.
“Không nên nô lệ vào Internet!. Chúng ta cần biết thời điểm nào nên sử dụng chúng và luôn đặt tầm quan trọng của mối quan hệ giữa con người với nhau qua tiếng nói, ánh mắt, tình cảm…” - Ông Mathias chia sẻ
KTS đem đến nhiều lựa chọn hơn, giống như chúng ta có nhiều phương tiện để di chuyển: ô tô, máy bay, tàu hoả…tuỳ thời điểm mà sử dụng cho hợp lý. Cũng vậy, tuỳ yếu tố thẩm mỹ, văn hoá, mối quan hệ mà chúng ta kết hợp giữa KTS với các yếu tố nhân văn. Ông Mathias cho rằng: “Chẳng có sự lựa chọn nào khác ngoài việc kết hợp hài hoà KTS với các yếu tố khác để chúng thích nghi, hỗ trợ nhau.”