Trung tâm học liệu, Đại học Thái Nguyên (TTHL, ĐHTN) được thành lập theo Quyết định số 977QĐ- TCCB ngày 31/12/2007 của Giám đốc ĐHTN, chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01/01/2008.
TTHL có chức năng tham mưu cho lãnh đạo ĐHTN về công tác thông tin thư viện (TTTV), hỗ trợ hệ thống thư viện các đơn vị thành viên về chuyên môn, quản lý và ứng dụng công nghệ mới trong lĩnh vực TTTV đồng thời chịu trách nhiệm cung cấp thông tin tư liệu hiện đại và cập nhật nhằm đáp ứng nhu cầu giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho cán bộ giảng viên và sinh viên ĐHTN và nhân dân khu vực miền núi phía Bắc.
Sau 5 năm hoạt động, TTHL đã xây dựng được một nguồn lực thông tin phong phú, đa dạng, có chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của hầu hết các chương trình, ngành, bậc đào tạo của ĐHTN, phục vụ việc giảng dạy và học tập, nghiên cứu khoa học, và chuyển giao công nghệ của, giảng viên, sinh viên, cán bộ nhà trường. Khi mới thành lập, TTHL chỉ có 2 phòng chức năng với hầu hết cán bộ có trình độ cử nhân, hợp đồng. Để đáp ứng nhu cầu hoạt động, TT đã xây dựng được 4 phòng chức năng: Phòng Hành chính Tài vụ, Phòng Công nghệ thông tin, Phòng Quản lý dự án và Phòng Công tác nghiệp vụ. Các cán bộ đều được bố trí và phân công nhiệm vụ phù hợp với khả năng, năng lực chuyên môn. TTHL luôn chú trọng phát triển, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ. 100% cán bộ của TTHL được tập huấn nghiệp vụ TTTV và CNTT. TTHL đã cử: 01 cán bộ đào tạo tiến sỹ, 20 cán bộ đào tạo thạc sĩ trong nước và nước ngoài. Hiện trong tổng số 54 cán bộ, nhân viên (34 biên chế, 20 hợp đồng) trong đó có: 1 PGS. TS, 1 TS, 15 thạc sĩ và 25 cử nhân. Từ khi được thành lập, Chi bộ Đảng TTHL luôn coi trọng công tác phát triển đảng. Ban đầu chỉ là một chi bộ trực thuộc Đảng bộ Khối Cơ quan ĐHTN, sau 5 năm thành lập đã bồi dưỡng, kết nạp thêm 10 đảng viên mới. Hiện nay, Chi bộ TTHL - Nhà Xuất bản là chi bộ cơ sở trực thuộc Đảng bộ ĐHTN với tổng số 24 đảng viên. Các đảng viên luôn là lực lượng nòng cốt trong mọi hoạt động.
Với nền tảng hạ tầng được dự án trang bị rất tốt, ngay sau khi nhận bàn giao của nhà tài trợ, cán bộ của TTHL đã nhanh chóng nghiên cứu để nắm vững kỹ thuật và hoàn toàn làm chủ các thiết bị hiện đại, trong đó phải kể đến hệ thống thiết bị truyền hình trực tuyến. 5 năm qua, TTHL đã tổ chức thành công hàng chục cuộc họp trực tuyến do Bộ Giáo dục – Đào tạo, Bộ Khoa học Công nghệ, Ngân hàng Thế giới tổ chức. Hiện tại TTHL là đơn vị duy nhất trong ĐHTN và trong hệ thống các thư viện Việt Nam quản lý 100% hoạt động của TT thông qua phần mềm quản lý, từ khâu chấm công cho cán bộ viên chức, quản lý hỗ trợ bạn đọc, góp phần vào việc xây dựng ĐHTN sớm trở thành một trong những đại học điện tử đầu tiên của Việt Nam. TTHL luôn ưu tiên hàng đầu việc phát triển nguồn tài nguyên thông tin theo hướng cập nhật hóa, phong phú về nội dung, đa dạng về loại hình truy cập và phù hợp với nhu cầu của bạn đọc. Đến nay, số lượng tài liệu in ấn (tiếng Việt và ngoại văn) của TTHL đã lớn gấp gần 3 lần so với khi mới thành lập.
Mặc dù số lượng cán bộ có hạn, TTHL vẫn luôn chủ động tích cực tham gia các dự án lớn trong và ngoài nước nhằm góp phần xây dựng địa phương. Trong 5 năm qua, TTHL đã bổ sung thêm gần 3 triệu USD vào nguồn tài chính, hỗ trợ nguồn thu từ ngân sách Nhà nước và thu phí của sinh viên (chỉ chiếm 75% tổng thu) không những để duy trì các hoạt động của TTHL mà còn nhanh chóng đưa Trung tâm trở thành một trong nhưng TT TT-TV hiện đại kiểu mẫu. Đặc biệt năm 2010, TTHL đã phối hợp với trường Đại học Khoa học - ĐHTN mở ngành đào tạo Cử nhân Khoa học Thư viện hệ chính quy. Cán bộ TTHL đảm nhận giảng dạy 80% số môn học của chương trình đào tạo và chủ trì toàn bộ mảng thực hành, thực tập. Hiện đã tuyển sinh được 2 khóa đào tạo chính quy với 50 sinh viên, tổ chức được 5 lớp liên thông tại các tỉnh từ Nghệ An trở ra với tổng số hơn 800 sinh viên.
Với các nỗ lực không ngừng, TTHL đã trở thành một địa chỉ tin cậy và quen thuộc với bạn đọc khi có nhu cầu về các loại hình tài liệu và một môi trường học tập chuyên nghiệp có chất lượng cao đáp ứng yêu cầu lấy người học làm trung tâm của phương pháp giảng dạy hiện đại.