Không chỉ có các trung tâm ngoại ngữ, các trường quốc tế hay trường tư thục, vài năm trở lại đây, các trường công lập cũng đã hợp đồng giảng dạy tiếng Anh với người nước ngoài. Mục tiêu của các trường là giúp học sinh tăng cường phần giao tiếp với người bản xứ, rèn kỹ năng nghe nói.
Rẻ và tiết kiệm thời gian
Tại TP.HCM, việc hợp đồng với giáo viên bản ngữ trong trường công được thực hiện từ nhiều năm nay, ở các trường có tăng cường tiếng Anh, trường tiên tiến. Năm học rồi, HS lớp TCTA của Trường THCS Tân Bình được học với giáo viên bản ngữ mỗi tuần 2 tiết, mỗi tháng học phí thỏa thuận với phụ huynh 150.000đ/trò. Ở bậc THPT thì học phí với giáo viên bản ngữ cao hơn, như ở Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền nay là 300.000 đ/tháng. Ở Trường THPT Nguyễn Du, nơi triển khai mô hình chất lượng cao, thì trong gói 890.000 đ học phí/tháng đã bao gồm mỗi tháng 2 buổi giáo viên bản ngữ (mỗi buổi 2 tiết).
Họp phụ huynh đầu năm khi đề cập đến “dịch vụ” giáo viên bản ngữ”, hầu hết phụ huynh đều đưa cả hai tay. Lí do khá đơn giản: rẻ, tiết kiệm thời gian học thêm. Chị Ngọc, một phụ huynh có hai con học tăng cường tiếng Anh cho biết: “Tính ra, với một lớp tăng cường 35 học sinh, tổng thu học phí để trả cho thầy ngoại và giáo viên nội (tiếng Anh) trợ giảng cũng không phải quá cao. Cộng với học phí tăng cường tiếng Anh nữa, cũng chỉ khoảng 200.000 đ/tháng. Mà học sinh học được nhiều, không phải “đi” trung tâm. So với mức học phí tuần ba buổi tiếng Anh ở các trung tâm cỡ trung như Dương Minh hay Việt Mỹ, thì quá rẻ, so với ILA thì… rẻ bộn. Con mình lại được học trong thời gian ở trường, không phải đêm hôm đưa đón đi học thêm nữa”.
Với học trò, thì được học với thầy “Tây”, cô “Tây” là việc thú vị rồi, ấy là chưa kể, một số giáo viên có cách dạy và giao tiếp thoải mái hơn cô “nhà mình”. Một chuyên gia tư vấn giáo dục Hội đồng khảo thí đại học Cambridge, cũng cho biết: Việc học tiếng Anh có yếu tố người nước ngoài, học sinh hứng thú hơn. Đặc biệt các kỹ năng nghe, nói, giao tiếp bằng tiếng Anh của học sinh nhờ đó cũng được nâng lên đáng kể.
Những bất cập từ... thầy Tây
Bên cạnh những mặt được, việc hợp đồng với các thầy Tây thời gian qua cũng bộc lộ những bất cập về mặt chuyên môn và văn hóa. Về chuyên môn người nước ngoài thường tùy hứng dạy, bởi vậy đã xuất hiện tình trạng có nhiều chương trình dạy khác nhau trong cùng cấp học hoặc trong cùng trường.
Một giáo viên dạy tăng cường tiếng Anh qua thực tế trợ giảng cho thầy Tây ở trường T (TP.HCM) cho biết: Theo quy định, giáo viên nước ngoài chỉ được phép tham gia chương trình dạy thêm và không được tham gia đánh giá học sinh. Nếu không tuân thủ nghiêm nguyên tắc này, học sinh sẽ đi chệch chương trình pháp quy và tiêu chuẩn đánh giá Việt Nam về giáo dục.
Bởi vậy, trong quá trình trợ giảng, mặc dù tôn trọng đồng nghiệp nhưng cô cũng phải rút kinh nghiệm với đồng nghiệp nhiều về sự tùy hứng. Khổ thay, học trò nhiều lúc coi tiết giáo viên bản ngữ như dịp xả stress nên… thích tùy hứng hơn chính quy. Học với giáo viên bản ngữ ở bậc tiểu học lại gặp khó khăn khi cùng thời điểm, trò vừa tập tròn vành rõ chữ tiếng Việt, vừa học ngoại ngữ. Vậy là tiết giáo viên bản ngữ nhưng… phải thực hiện song ngữ trò mới hiểu!
Một mặt trái nữa là yếu tố văn hóa. Thầy “Tây” nên rất tự nhiên, ngay cả với học sinh nữ. Hiệu trưởng một trường THCS từng hợp đồng với thầy “Tây” cho biết: Có giáo viên bản xứ rất hay trong tăng cường kỹ năng nghe nói của học sinh. Nhưng mặc dù phụ huynh có nhu cầu nhưng trường cũng có e ngại. Bởi vì xác định tư cách, trình độ của thầy “Tây” không phải dễ, chủ yếu trường nhờ Tổ ngoại ngữ giúp là chính, quản lí không rành.
Cũng có trường hợp thầy “Tây” không chú ý đến văn hóa học đường Việt Nam, khá tùy nghi trong ứng xử. Ví dụ, có thầy hồn nhiên ôm học trò vô tư, khiến học trò hoảng loạn. Khi giảng dạy thì… ngồi hẳn lên bàn học sinh. Các thầy cũng hay kết nhóm với một số em đi ăn uống, picnic… khiến phụ huynh e ngại. Mấy năm trước, khi phá một vụ án xâm hại tình dục trẻ em của một người nước ngoài, người ta phát hiện y từng… dạy tiếng Anh cho một số trung tâm.
Cần chuẩn hóa người nước ngoài dạy học
Thực hiện đề án dạy học chương trình tiếng Anh giai đoạn 2008-2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, giải pháp sử dụng người nước ngoài dạy học là một hướng đi được các thành phố lớn trực thuộc TW chú ý. Thay vì để các trường, các tổ ngoại ngữ linh động hợp đồng thầy “Tây” sau khi thỏa thuận với phụ huynh, ngành giáo dục các địa phương đã chú ý tới yếu tố quản lý chất lượng và tư cách nhà giáo của người đứng lớp.
Một lãnh đạo của ngành GD&ĐT Hải Phòng cho biết: Khi trong trường học có giáo viên nước ngoài dạy, các trường thông qua các công ty, trung tâm Anh ngữ có tư cách pháp nhân giới thiệu giáo viên cho trường, các đơn vị bảo lãnh ký hợp đồng có trách nhiệm đánh giá trình độ bằng cấp của giáo viên bản ngữ có đáp ứng yêu cầu không, có trình độ nghiệp vụ sư phạm mới được tham gia giảng dạy. Đối với các trường học, việc thuê giáo viên người nước ngoài dạy cũng góp phần nâng cao trình độ dạy tiếng Anh cho giáo viên của trường.
Tại TP.HCM, ngành GD&ĐT đã đi trước một bước bằng việc có đề án tuyển dụng giáo viên người nước ngoài đứng lớp. Mới đây, Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức họp bàn về công tác tuyển dụng giáo viên bản ngữ phục vụ cho việc thực hiện đề án phổ cập năng lực ngoại ngữ cho học sinh phổ thông.
Bắt đầu từ tháng 11 này, 100 giáo viên bản ngữ có bằng sư phạm tiếng Anh, có năng lực tổ chức các hoạt động ngoại khóa sẽ tham gia giảng dạy thí điểm tại các trường tiểu học, THCS. Những giáo viên này hưởng lương khoảng 40 triệu đồng/tháng (tương đương 2.000 USD), đảm nhận 35 tiết/tuần. Trong đó có 20 tiết trực tiếp đứng lớp, số tiết còn lại giáo viên tổ chức sinh hoạt ngoại khóa.
Tùy vào số lượng học sinh sẽ quyết định mức thu cụ thể nhưng để học với giáo viên bản ngữ từ 1-2 tiết/tuần học sinh sẽ phải đóng trung bình khoảng 120.000 đồng/tháng và mỗi năm các em đóng tiền trang thiết bị cho việc học này từ 500.000 đồng đến 2 triệu đồng. Sở tuyển 100 giáo viên nước ngoài theo quy chuẩn. Với nguồn đó, trường nào thấy thích hợp thực hiện trong năm học này thì đăng ký.
Tổ chức được cho giáo viên nước ngoài tăng cường kỹ năng nghe nói của học sinh là một giải pháp hay thực hiện đề án dạy học ngoại ngữ quốc gia. Khi đã xem đây là một trong những biện pháp để đẩy mạnh dạy học ngoại ngữ theo đề án quốc gia thì cũng cần có chính sách tương tự mua sắm trang thiết bị.
Tại TPHCM, thoạt đầu đề án tuyển dụng giáo viên nước ngoài dự kiến 50% kinh phí từ ngân sách, 50% kinh phí từ phụ huynh, nhưng trong cuộc họp mới đây, có vẻ như lãnh đạo thành phố đã đổi ý: 100% kinh phí phụ huynh phải chịu!