Lớp học vùng cao tránh sao khỏi…rét

07:59, 24/11/2012

Một ngày đầu đông, chúng tôi đến với Văn Lăng, một xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Đồng Hỷ để thăm những ngôi trường nằm giữa đại ngàn heo hút gió. Nhìn những em học sinh người Mông mặt mũi lem luốc, chân trần, áo mỏng lầm lũi đi bộ vượt gần chục km đường mòn để đến trường khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng…

Điểm đầu tiên chúng tôi ghé thăm là Phân trường Tiểu học của xóm Liên Phương. Đây được coi là Phân trường có đường đi dễ nhất mà chúng tôi vẫn phải vượt qua hàng chục con dốc thẳng đứng và các khe suối nằm vắt ngang đường. Sau khoảng 1 tiếng đồng hồ vừa đi vừa dắt xe trên quãng đường dài 5km, chúng tôi đã có mặt tại đây.

 

Phân trường hiện ra với 6 phòng học nhỏ cũ kỹ, sân trường nhấp nhô những mô đất. Trong số 6 phòng học thì có 4 phòng được xây cấp 4, còn 2 phòng vẫn làm bằng vách nứa và không có lấy một cánh cửa nào, gió đông cứ thế lùa vào tứ phía làm các em vừa học vừa…run. Bàn ghế ở đây hầu hết đã được sử dụng hàng chục năm nay, cái thì thấp, cái thì cao khiến học sinh ngồi học không đúng tư thế.

 

Trò chuyện với chúng tôi, cô Lê Quỳnh Nga, Trưởng nhóm giáo viên cắm bản cho biết: Phân trường hiện có 7 giáo viên, 89 học sinh thuộc 3 xóm (Khe Đà, Khe Hai, Liên Phương) đang theo học từ lớp 1 đến lớp 5. 100% các em là người dân tộc Mông và đều thuộc hộ nghèo. Việc học của trẻ em nơi đây vô cùng khó khăn bởi hàng ngày để đến trường học, đa số các em phải thức dậy từ 4, 5 giờ sáng, chuẩn bị đồ đạc rồi đi bộ vượt qua hơn 5 km đường mòn để đến trường thì mới kịp giờ học. Những ngày nắng ráo, đường khô thì còn đi bộ được, còn những ngày mưa là những ngày khổ sở đối với các em bởi đường trơn, lầy lội khi đi được đến trường quần áo đã lấm lem bùn đất. Đó là chưa kể những ngày mưa lớn nước ở các khe suối dâng cao chia cắt con đường độc đạo dẫn đến trường thì hành trình đi tìm con chữ của các em càng trở nên gian nan. Vì học sinh ở đây học 2 buổi/ngày nên khoảng 50% học sinh nhà xa phải đem đồ ăn từ nhà đi để ở lại trường ăn trưa. Bữa ăn của các em rất đơn giản, chỉ có mỳ tôm úp hoặc cơm nắm ăn với rau xanh đã nguội ngắt. Ăn cơm xong không có chỗ nghỉ trưa nên các em thường tụ tập nô đùa, có em lại vào trong lớp tranh thủ nằm ngủ ngay trên bàn học của mình. Giờ học buổi chiều thường kết thúc lúc 17 giờ nên những em nào ở xa thì phải tối mịt mới về đến nhà.

 

 

Em Lý Văn Dăm, học sinh lớp 3 của Phân trường hàng ngày phải đi bộ gần 6 cây số để đến trường cho biết: Hôm nào em học cả ngày thì mẹ nấu cơm và rau từ tối hôm trước để buổi trưa em ở lại trường ăn cơm cùng các bạn.

 

Theo tìm hiểu của chúng tôi thì điều mà học sinh ở đây cần nhất là quần áo và sách vở bởi mỗi em chỉ có hai, ba bộ quần áo mỏng dùng cho cả mùa hè và mùa đông, có em còn phải mặc cả quần, áo vá đi học. Điều kiện học hành của các em hầu như không có gì, vì mải lo cái ăn nên việc đầu tư mua sắm sách vở cho con em mình học tập không được người dân nơi đây quan tâm. Cứ đầu năm học là các thầy, cô giáo cắm bản lại phải hỗ trợ thêm cho các em sách vở và đồ dùng học tập. Ở đây, người dân sống chủ yếu trong những ngôi nhà gỗ bé xíu, cả gia đình cùng sinh hoạt chung trong đó. Vì vậy, các em không có góc học tập riêng. Đi học về, các em lại tranh thủ giúp đỡ gia đình, lên rừng kiếm củi, làm nương. Khi màn đêm buông xuống thì cả người lớn và trẻ em đều đi ngủ sớm vì ở đây chưa có ánh sáng của điện lưới.

 

Rời Phân trường Tiểu học Liên Phương, chúng tôi đi bộ theo một lối mòn nhỏ rồi lên cái mảng được ghép từ những cây tre to và không hề có một phương tiện bảo hộ nào để lần theo chiếc dây cáp vượt qua dòng sông Cầu đến với các em học sinh của Phân trường Mỏ Nước. Giữa không gian im ắng của núi rừng, chúng tôi nghe rõ cả tiếng giảng bài của cô giáo và tiếng đọc bài ê a của những học sinh nói tiếng kinh chưa thạo. So với Phân trường Liên Phương thì điều kiện học hành của học sinh ở Mỏ Nước khó khăn hơn rất nhiều.

 

Cả Phân trường có 3 phòng học tả tơi, xiêu vẹo được dựng chênh vênh bên sườn núi. Đứng ở bên ngoài có thể nhìn rõ mọi hoạt động bên trong bởi tất cả các phòng học đều được làm từ mấy tấm ván gỗ dựng lưa thưa và không có cánh cửa. Trong lớp học có mấy bộ bàn ghế cũ kỹ đã bị mối mọt và hầu như cái nào cũng long chân, thỉnh thoảng vài đàn gà của dân lại vào bới đất tung tóe ở các góc lớp. Nhìn chiếc đồng hồ đeo tay, chúng tôi thấy mới 16 giờ 20 phút nhưng học sinh ở đây đã phải cúi gập lưng, nhìn sát vào quyển vở trước mặt để viết vì phòng học quá tối và không có điện. Cô Nguyễn Thị Loan, giáo viên được tăng cường về đây cho biết: Điểm trường hiện có 2 giáo viên về dạy chương trình tiểu học các em. Năm nay, phân trường chỉ có 3 học sinh lớp 4 và 5 học sinh lớp 5 nên các em có đủ phòng để học riêng, còn năm nào có học sinh theo học đủ từ lớp 1 đến lớp 5 thì hầu như các em phải học ghép. Hai hoặc ba lớp với trình độ khác nhau phải ngồi chung phòng và có những giáo viên dạy riêng, nhưng cũng có phòng hai lớp lại chỉ có một người đứng dạy. Ở đây, các cô không chỉ dạy chữ cho các em mà nhiều lúc còn phải đóng vai trò là các nhà tâm lý luôn dỗ dành, nhẹ nhàng dạy bảo, nếu không các em sẽ chán và bỏ học. Vậy mà phần lớn học sinh cũng chỉ học hết tiểu học là nghỉ ở nhà phụ giúp bố mẹ rồi lấy vợ, lấy chồng từ khi mới 14, 15 tuổi. Nếu muốn học cao hơn, hàng ngày các em phải chèo mảng qua sông hoặc đi bộ hàng chục km đường rừng mới có trường để học…

 

Rời Mỏ Nước khi bóng tối đã bắt đầu bao trùm xóm nhỏ, đứng trên chiếc mảng chòng chành để sang sông trở về thành phố, chúng tôi thầm hy vọng vào một ngày không xa, những trẻ em nghèo vùng cao nơi đây sẽ có một điểm trường khang trang, kiên cố, có đường đi và có điện thắp sáng để con đường đến với tri thức của các em bớt gian nan hơn.