Môi trường cho sinh viên học tập, rèn luyện

14:19, 16/11/2012

Trung tâm Giáo dục Quốc phòng Thái Nguyên thuộc Đại học Thái Nguyên có nhiệm vụ giảng dạy môn Giáo dục quốc phòng-an ninh cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn với quy mô hiện nay khoảng 18.000 -20.000 sinh viên/năm. Lưu lượng sinh viên sẽ tăng lên khoảng 22.000 sinh viên/năm vào năm học 2015-2016.

Nghị định số 15 của Chính phủ năm 2001 quy định, Giáo dục Quốc phòng – An ninh là môn học chính khoá trong hệ thống giáo dục – đào tạo. Xác định đúng đắn vai trò và nhiệm vụ, từ nhiều năm qua, Trung tâm Giáo dục Quốc phòng Thái Nguyên đã giáo dục cho sinh viên về những chủ trương, quan điểm cơ bản của Đảng về quốc phòng - an ninh (QP-AN), nâng cao ý thức cảnh giác cách mạng và rèn luyện những kỹ năng quân sự cần thiết, để tuổi trẻ góp phần tham gia vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 

Trung tâm hiện có 63 cán bộ, viên chức trong đó có 1 Phó giáo sư - Tiến sĩ; 4 thạc sĩ, 30 cử nhân. Song song với việc tăng cường chất lượng, nâng cao ý thức trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ giảng dạy, Trung tâm luôn quan tâm đến việc xây dựng môi trường học tập và rèn luyện cho sinh viên. Hệ thống thao trường, bãi tập, giảng đường, ký túc xá sinh viên được đầu tư xây dựng đồng bộ. Công tác quản lý sinh viên theo mô hình khép kín từ học tập, ăn, ở, sinh hoạt, vui chơi, giải trí đều được thực hiện trong khuôn viên của Trung tâm. Lãnh đạo Trung tâm coi đây là môi trường để sinh viên học tập, rèn luyện.

 

Đồng chí Hà Tiến Ngọc, Trưởng phòng Đào tạo – Khoa học và Đảm bảo chất lượng giáo dục cho biết: Đây là một môi trường giáo dục có tính đặc thù, bởi khi học tập bộ môn này tại Trung tâm, các sinh viên được rèn luyện như một chiến sĩ thực thụ theo cách tiếp cận Tri thức và Rèn luyện kỷ luật. Bình quân mỗi năm, Trung tâm tổ chức đào tạo 10-12 khóa học, mỗi khóa trung bình có từ 1.600 - 1.700 sinh viên. Sinh viên hệ Đại học đào tạo trong 5 tuần, cao đẳng: 4 tuần, trung cấp là 3 tuần. Ngoài việc giáo dục sinh viên của các nhà trường, khoa thuộc Đại học Thái Nguyên, Trung tâm còn đẩy mạnh giáo dục liên kết với các trường ngoài Đại học Thái Nguyên.

 

 Cùng với Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên) đào tạo lớp giáo viên Giáo dục Thể chất - Giáo dục Quốc phòng. Mục tiêu của công tác giáo dục quốc phòng - an ninh là trang bị cho các em những tư duy, lý luận về Quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, những kiến thức, kỹ năng cơ bản về Quân sự; ý thức kỷ luật, tác phong nghiêm túc, khoa học, tinh thần đoàn kết, ý thức tập thể, trách nhiệm cộng đồng.  Để chuẩn bị cho khóa học theo đúng kế hoạch đã được thông báo về các trường, sinh viên mỗi khóa được triệu tập để nhận quân trang bảo đảm sự thống nhất tác phong trong học tập rèn luyện và vật chất cần thiết phục vụ phương châm đổi mới phương pháp đào tạo. Phòng Đào tạo – Khoa học & Đảm bảo chất lượng giáo dục đã quán triệt mục tiêu, yêu cầu của môn học Giáo dục QP-AN trong giai đoạn cách mạng hiện nay. Cùng với đó, Phòng Công tác học sinh, sinh viên cũng đã phổ biến, hướng dẫn thực hiện quy chế môn học và những quy định cụ thể về chế độ học tập, rèn luyện kỷ luật theo đúng quy chế quản lý sinh viên của Trung tâm. Đại đa số sinh viên đã nhận thức đúng về trách nhiệm học tập, có ý thức kỷ luật và tích cực trong học tập và rèn luyện, vì thế tỷ lệ sinh viên hoàn thành môn Giáo dục QP-AN hằng năm đều đạt kết quả cao. Năm học qua, tổng số sinh viên tham gia thi là 11.699, số sinh viên đạt yêu cầu là 8.317 em, trong đó khá giỏi chiếm 6,49%; trong 6 tháng của năm học 2012-2013: có 3.669 trên tổng số 5.119 sinh viên đạt yêu cầu trong đó khá, giỏi chiếm 5,62% 

 

Có thể khẳng định, các sinh viên sau khi hoàn thành khóa học Giáo dục QP-AN tại Trung tâm, ngoài việc được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng QP-AN được rèn luyện trong môi trường có tính kỷ luật, khi trở lại trường đã có sự chuyển biến rõ nét trong học tập. Năm học này, Trung tâm tiếp tục tổ chức thực hiện kế hoạch đào tạo của Đại học Thái Nguyên; tiếp tục phát triển đào tạo liên kết đào tạo môn Giáo dục QP-AN cho sinh viên các đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh theo phân luồng của Bộ Giáo dục và Đào tạo.