Nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo, đáp ứng nhu cầu của xã hội

09:18, 20/11/2012

Nhân Kỷ niệm 30 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, phóng viên Báo Thái Nguyên đã phỏng vấn đồng chí Ma Thị Nguyệt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh về vấn đề nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo.

 

PV: Xin đồng chí đánh giá về sự phát triển của ngành Giáo dục – Đào tạo (GD-ĐT) của tỉnh trong những năm qua?

 

Đ/c Ma Thị Nguyệt:  Trong những năm qua, ngành GD-ĐT đã chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch năm học với các nhiệm vụ và chỉ tiêu cụ thể cho từng cấp học. Quan tâm xây dựng mạng lưới trường, lớp học, từng bước đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân địa phương. Quan tâm đến công tác quy hoạch, bồi dưỡng cán bộ, nâng cao năng lực và tinh thần trách nhiệm đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên. Tỷ lệ cán bộ, giáo viên ở các ngành học, bậc học đạt chuẩn và trên chuẩn ngày càng được nâng cao. Mạng lưới trường, lớp tiếp tục được phát triển theo cơ cấu hợp lý giữa các ngành học, cấp học. Cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị dạy học và công nghệ thông tin tăng cường đầu tư theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, đồng bộ hóa. Triển khai kịp thời Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, duy trì tốt kết quả phổ cập giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi và PC THCS. Số lượng, học sinh ra lớp được nâng lên; tỷ lệ học sinh bỏ học giảm. Số trường đạt chuẩn Quốc gia tăng. Đến tháng 9/2012 đã có 398/649 trường đạt chuẩn, đạt 61,25%.

 

Từ những kết quả đó, năm học 2011-2012 ngành GD&ĐT Thái Nguyên đã vinh dự là 1 trong 20 tỉnh dẫn đầu được nhận Cờ thi đua xuất sắc của Bộ GD&ĐT. Tôi đánh giá cao những kết quả đạt được của ngành GD-ĐT trong những năm qua và những đóng góp của ngành trong sự phát triển phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

 

PV: Theo đồng chí để giữ vững và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện thời gian tới ngành GD-ĐT Thái Nguyên cần quan tâm, thực hiện tốt những vấn đề gì?

 

 Đ/c Ma Thị Nguyệt:  Trên cơ sở phát huy những thành tích đã đạt được, năm học 2012-2013, ngành GD-ĐT cần tập trung thực hiện tốt Chỉ thị số 2737/CT-BGDĐT, ngày 27/7/2012 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về những nhiệm vụ trọng tâm của GD Mầm non, GD Phổ thông, GD Thường xuyên và GD Chuyên nghiệp năm 2012-2013. Nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của năm học là nâng cao chất lượng giáo dục một cách bền vững.

 

Để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, ngành GD-ĐT cần tích cự tham mưu cho Lãnh đạo tỉnh để triển khai kịp thời, có hiệu quả Chỉ thị số 10/CT-TW, ngày 05/12/2011 của Bộ Chính trị về phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi; củng cố, giữ vững kết quả phổ cập GD tiểu học, GD THCS, Thực hiện chương trình phát triển GD&ĐT giai đoạn 2011-2015 đã được UBND tỉnh phê duyệt. Tiếp tục thực hiện việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với Cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và tự sáng tạo”  và Phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” trong toàn ngành.

 

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị thực hiện tốt nhiệm vụ năm học. Đẩy mạnh công tác khảo thí và kiểm định chất lượng GD, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý và giảng dạy. Chú ý nâng cao chất lượng GD ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhằm nâng cao dân trí, góp phần xóa đói, giảm nghèo ở các địa phương.

 

 PV: Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, đồng chí có gửi gắm gì tới các thầy, cô giáo của toàn ngành Giáo dục tỉnh nhà?

 

Đ/c Ma Thị Nguyệt: Dân tộc ta vốn có truyền thống hiếu học và tôn sư trọng đạo. Bác Hồ sinh thời đã từng nói “Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Dù tên tuổi không được đăng báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những người anh hùng vô danh. Đây là một điều rất vẻ vang”. Ngày nay, chúng ta đang sống và làm việc trong một điều kiện thuận lợi hơn trước nhiều, song cũng có rất nhiều nhiệm vụ, thách thức đang đặt ra cho các nhà giáo. Vấn đề đổi mới căn bản nền giáo dục, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trong hội nhập đổi mới và phát triển; đào tạo theo nhu cầu của xã hội. Vì vậy tôi đề nghị ngành Giáo dục, cũng như các thầy cô giáo hãy phát huy truyền thống tốt đẹp của giáo giới, tích cực học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, đáp ứng yêu cầu đổi mới toàn diện nền giáo dục theo hướng hiện đại nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục.

 


PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!