Nâng cao chất lượng giáo dục để phát triển bền vững

08:58, 15/11/2012

Với phương châm nâng cao chất lượng dạy và học, 5 năm qua Trường THCS Hương Sơn (T.P Thái Nguyên) đã chú trọng đổi mới công tác quản lý, đổi mới phương pháp dạy và học, nên chất lượng giáo dục 2 mặt của trường luôn ổn định trong nhóm trường hàng đầu của T.P Thái Nguyên. Việc UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2609/QĐ-UBND ngày 6/11/2012 và cấp Bằng công nhận Trường đạt chuẩn Quốc gia là minh chứng cho sự nỗ lực không mệt mỏi và ghi nhận thành tích to lớn của thầy và trò Nhà trường.

Trường THCS Hương Sơn tiền thân là Trường cấp I, II Gang thép được thành lập năm 1977, sau nhiều lần đổi tên, đến tháng 3/1997, thực hiện Quyết định số 194/TCCB của Sở Giáo dục - Đào tạo, trường được đổi tên như ngày nay. Trải qua 35 năm xây dựng và phát triển, thầy và trò Nhà trường đã đạt được nhiều thành tích xuất sắc trong công tác dạy và học, được Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương tặng nhiều bằng khen.

 

Những năm đầu thành lập, trường không chỉ khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học, mà công tác quản lý giáo dục, đặc biệt là chất lượng giáo dục của trường cũng còn nhiều bất cập. Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được phát động năm 2007 như một cơ hội lớn để Chi bộ, Ban Giám hiệu Nhà trường triển khai thực hiện kế hoạch nâng cao chất lượng dạy và học. Đặc biệt, Nhà trường đã gắn cuộc vận động với phong trào thi đua 2 tốt, cuộc vận động 2 không, đồng thời xây dựng môi trường sư phạm thân thiện, phát huy tính tích cực của học sinh nhằm nâng cao chất lượng cả về học lực và hạnh kiểm của học sinh. Ngoài việc duy trì thường xuyên các hoạt động thao giảng, dự giờ, thăm nắm, đánh giá tiết dạy của từng giáo viên, Ban Giám hiệu Nhà trường còn chú trọng việc phân luồng học sinh và có kế hoạch, phương pháp bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo cho học sinh yếu, kém một cách hợp lý.

 

Việc tổ chức phát động và ký kết thi giữa các lớp, các tổ, khối đã  góp phần nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm của mỗi cán bộ giáo viên trong việc xây dựng chất lượng giáo dục của nhà trường. Kết quả 5 năm qua chất lượng dạy và học của Trường THCS Hương Sơn đã có bước chuyển biến rõ nét. Đến cuối năm học 2011-2012, 100% giáo viên của trường đạt chuẩn về trình độ chuyên môn, trong đó có 86% đạt trình độ trên chuẩn. Tỷ lệ giáo viên xếp loại theo chuẩn nghề nghiệp xuất sắc đạt 87%. Tỷ lệ học sinh có học lực khá, giỏi của trường năm học 2011-2012 chiếm 67,1%, tỷ lệ lên lớp chiếm 97,9%; tỷ lệ đỗ vào lớp 10 các trường THPT đạt 97,3%; 29 học sinh đạt học sinh giỏi các cấp năm học 2011-2012…

 

Cùng với việc nâng cao chất lượng dạy và học, thời gian qua Trường THCS Hương Sơn còn được UBND T.P Thái Nguyên, Ngành giáo dục quan tâm đầu tư hoàn thiện về cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị dạy học. Hiện nay Nhà trường có quy mô ổn định 12 lớp học của cả 4 khối, đáp ứng yêu cầu học 1 ca cho gần 500 học sinh. Ngoài ra, trường còn có phòng học dành cho ôn luyện bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu kém, đặc biệt với các hệ thống: phòng học, phòng bộ môn, thư viện, thiết bị, truyền thống và phòng công tác Đội…đều bảo đảm tiêu chuẩn về diện tích, ánh sáng. Khu vực sân tập thể dục, sân chơi rộng trên 3.600 m2 được bố trí hợp lý, khoa học kết hợp với khuôn viên cây xanh luôn đảm bảo môi trường sư phạm thân thiện.

 

Việc UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2069/QĐ-UBND và cấp Bằng công nhận trường đạt chuẩn Quốc gia giai đoạn 2011-2015 và những thành tích đã đạt được của thày và trò Trường THCS Hương Sơn trong thời gian qua thật đáng để tự hào. Tuy nhiên, với mục tiêu đưa Nhà trường vào tốp các trường THCS có chất lượng cao, điểm sáng trong sự nghiệp giáo dục- đào tạo của tỉnh và thành phố, trong thời gian tới Trường THCS Hương Sơn tiếp tục đề ra nhiều giải pháp thực hiện, trong đó tập trung khai thác có hiệu quả các điều kiện dạy, học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, bảo đảm sự phát triển bền vững của Nhà trường; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị và xây dựng đội ngũ; hưởng ứng và thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” gắn với phong trào thi đua “Dạy tốt- Học tốt”, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao.