Ngày để tri ân

16:53, 19/11/2012

20/11, ngày Nhà giáo Việt Nam, ngày để bao thế hệ học trò trên cả nước tri ân đến những người thầy, người cô đang lặng thầm làm công việc trồng người.

 

Cứ đến 20/11, các thế hệ học trò lại rộn ràng trong ngày lễ, nhưng không phải ai cũng biết đến nguồn gốc của ngày này. Ngược dòng thời gian, năm 1946, một tổ chức quốc tế các nhà giáo tiến bộ được thành lập ở Paris (Pháp) đã lấy tên là Liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo dục - viết tắt là FISE. Năm 1949, tại một hội nghị ở Vac-sa-va (Thủ đô của Ba Lan), Liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo dục đã ra bản "Hiến chương các nhà giáo".  Năm 1957, Công đoàn giáo dục Việt Nam với tư cách là thành viên của FISE đã quyết định lấy ngày 20/11/1958 là ngày "Quốc tế hiến chương các nhà giáo". Ngày này lần đầu tiên được tổ chức trên toàn miền Bắc Việt Nam. Năm 1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã quyết định ngày 20/11 hằng năm là ngày lễ mang tên "Ngày Nhà giáo Việt Nam".

Ngày Nhà giáo Việt Nam là dịp để tình cảm dành cho người thầy được thể hiện và để những người lặng lẽ chèo đò được tôn vinh. Các bậc phụ huynh cùng học sinh và tất cả những ai đã từng ngồi trên ghế nhà trường đều hướng tới các thầy, cô đã dạy dỗ, dìu dắt mình với những tình cảm kính yêu, chân thành nhất. Đối với dân tộc ta ngày này càng được thể hiện rõ hơn bởi người Việt Nam vốn có truyền thống “Tôn sư, trọng đạo”, “Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy”. Hướng về các thầy, các cô với tấm lòng thành kính cũng đồng nghĩa với việc các thế hệ học trò đã và đang thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.

Sẽ ngập tràn hoa tươi và những lời chúc tụng được gửi tới các thầy, cô trong ngày lễ trọng này. Nhưng chúng ta cũng mong rằng, tình cảm thiêng liêng và trân trọng sẽ không chỉ được thể hiện trong ngày 20/11 mà còn được thể hiện vào những ngày sau đó nữa. Không chỉ bằng những bó hoa, những lời chúc mừng mà bằng kết quả học tập hàng ngày và sự trưởng thành của bản thân mỗi học trò…