Thiếu hụt nhà bán trú dân nuôi cho học sinh miền núi

10:45, 25/11/2012

Việc đầu tư xây dựng nhà bán trú của ngành GD và các ban ngành đoàn thể khác đã góp phần san sẻ bớt khó khăn cho các HS dân tộc thiểu số, HS ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa trong học tập, giảm thiểu những nguy cơ trong mùa mưa lũ và hy vọng sẽ làm giảm tỷ lệ học sinh bỏ học ở các vùng này. Tuy nhiên, từ thực tế ở các địa phương cho thấy, số lượng nhà bán trú được xây dựng chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu về chỗ ở của HS, một lượng lớn HS vẫn phải chấp nhận vượt chặng đường dài với nhiều bất trắc để đến trường hoặc cắm lều ở trọ quanh khu vực trường để học chữ.

Được khởi công từ cách đây 2 năm, thế nhưng, cho đến đầu năm học 2012 – 2013, công trình nhà bán trú cho HS Trường TH và THCS Dân Hóa (H. Hóa, Quảng Bình) với quy mô xây dựng 2 tầng cho 20 phòng ở cho HS cũng mới chỉ mới xong phần móng, trụ và xây được khoảng nửa tường của tầng một.Do vướng công tác giải phóng mặt bằng, nên công trình không thể đảm bảo được tiến độ xây dựng.

 

Để giải quyết nhu cầu về chỗ ở cho HS, nhà trường đã phải dùng một phòng học cấp 4 để làm phòng ở, GV cũng phải nhường một phòng trong dãy nhà công vụ nhưng cũng chỉ giải quyết được chỗ ở cho 25 em. Trong khi đó, Trường TH và THCS Dân Hóa có khoảng 100 HS có nhu cầu về chỗ ở để bớt khó khăn trong đi lại từ nhà đến trường. Năm học trước, do quá khó khăn về đi lại và điều kiện học hành, đã có 2 HS bậc THCS phải bỏ học giữa chừng. Đầu năm học này, cũng đã có 2 HS lớp 6 quyết định nghỉ học vì đường đi quá trắc trở, lại không có chỗ ở lại.

 

Cũng năm 2010, Trường THCS Kim Thuỷ (H. Lệ Thuỷ, Quảng Bình) được Tỉnh đoàn Quảng Bình đầu tư xây dựng dãy nhà bán trú dân nuôi với diện tích sử dụng 60m2 từ nguồn vận động của Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam và Tỉnh Đoàn Quảng Bình quyên góp từ các nhà hảo tâm và hội viên. Tuy nhiên, dãy nhà bán trú này cũng chỉ đáp ứng nhu cầu của 31 em HS trong tổng số 120 em có nhu cầu về chỗ ở của nhà trường. Số HS còn lại, buộc phải chấp nhận cảnh đi sớm về muộn bởi nhà ở quá xa.

 

Đây là thực trạng chung của nhiều trường học ở miền núi bởi nhà bán trú dân nuôi luôn luôn ở trong cảnh “cung” không đuổi kịp “cầu”. Dù trường đã có nhà bán trú cho HS, thế nhưng, rất nhiều HS Trường THPT Hướng Phùng (H. Hướng Hoá, Quảng Trị) vẫn phải cắm lều ở tạm trong vườn của các hộ dân hảo tâm, thậm chí có những lều được dựng trên những bãi đất trống gần các con suối hoặc dưới chân vách núi.

 

Được biết, cũng đã có phụ huynh tạo điều kiện cho con thuê nhà ở trọ trong những nhà dân xung quanh khu vực trường, thế nhưng, với mức thuê 600.000 đồng/tháng/phòng là quá cao so với mức thu nhập của đồng bào  miền núi. Nhà ở bản Cợp, cách trường học hơn 16km đường rừng với nhiều suối và đèo dốc, em Hồ Thị Mến (HS Trường Tiểu học và THCS xã Húc Nghì - H. Đakrông, Quảng Trị) kể: “Hồi chưa được vào ở bán trú, hàng ngày, muốn đi học đúng giờ, em phải ra khỏi nhà từ lúc trời còn tối mịt. Mùa mưa mới thật sự là vất vả. Chúng em hầu như toàn mặc áo quần ướt suốt cả buổi học. Tan học, về được đến nhà thì bụng đã đói cồn cào, có hôm còn không nhấc nổi chân mà đi nữa. Học buổi sáng còn đỡ chứ học ca chiều còn khổ hơn nữa chị”.

 

Thế nên, khi được bố trí vào ở nhà bán trú dân nuôi của trường, việc học hành của Mến vì vậy cũng khá hơn nhiều. Cho dù, so với nhiều nhà bán trú khác, dãy bán trú gồm 2 phòng của trường TH và THCS xã Húc Nghì chỉ được dựng bằng gỗ tạm. Diện tích mỗi phòng chỉ chưa tới 20m2 nhưng có đến 16 HS chen chúc nhau ở. Mến hồn nhiên: “Chật một tí cũng không sao chị ạ. Còn đỡ hơn chúng em vừa đi trên đường vừa buồn ngủ, vừa sợ đủ thứ. Ở đây, bọn em cũng tự giác học bài hơn, cái gì mình không biết còn hỏi được các bạn chứ ở nhà thì chịu chết”.

 

Mới được Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Trị hỗ trợ xây dựng dãy nhà bán trú kiên cố với 3 phòng trong đó có 2 phòng ở cho HS từ năm ngoái, nhà bán trú dân nuôi của Trường THCS Pa Nang (Đakrông, Quảng Trị) chỉ đủ đáp ứng nhu cầu về chỗ ở cho 49 HS. Thầy Hoàng Văn Luận, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Số HS này đều có nhà ở cách xa trường từ 20km trở lên”.

 

Được biết, 100% học sinh của trường đều là người dân tộc Vân Kiều và phần đông trong số này đến từ các bản làng xa xôi, phải vượt qua nhiều sông suối, đường sá đi lại rất khó khăn, nhất là về mùa mưa lũ. Ngoài số HS có thể đi về trong ngày, Trường THCS Pa Nang còn khoảng 50 HS đang phải ở trọ trong các nhà dân xung quanh khu vực trường.

 

Theo thầy Hoàng Văn Luận, trường đang đề xuất với cấp trên để được chuyển đổi sang mô hình trường bán trú, với mong muốn sẽ được tạo điều kiện để số lượng HS được ở bán trú nhiều hơn nữa, góp phần giảm gánh nặng chi phí học tập cho các em.

 

Nhà bán trú dân nuôi là một nhu cầu rất bức thiết, giúp cải thiện điều kiện ăn ở, đi lại cho HS vùng sâu, vùng xa; góp phần nâng cao chất lượng dạy - học. Thế nhưng, theo như ý kiến của nhiều CBQL giáo dục, với kinh phí hạn hẹp của ngành như hiện nay, thì đây là một bài toán rất cần sự chung tay của các cấp, ngành, các đoàn thể và tổ chức xã hội.