Miệt mài gieo chữ vùng cao

16:48, 18/11/2013

Gần đến Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, chúng tôi ngược những con dốc cao đến tức thở đến điểm trường bản Cà Đơ, xã Lam Vỹ (Định Hoá). Mặc dù điều kiện dạy học ở đây đã được quan tâm, đầu tư xây dựng song vẫn còn không ít gian nan và thiếu thốn cho việc dạy và học. Nhưng cho dù còn gặp nhiều khó khăn, cô giáo Trương Thị Huyên vẫn “bám trụ” ở điểm trường để miệt mài “gieo mầm” con chữ cho những ước mơ xanh…

Có tới Cà Đơ, chứng kiến tận mắt cuộc sống của đồng bào nơi đây, chúng tôi mới thấm thía nỗi nhọc nhằn, vất vả của các giáo viên vùng cao. Bản Cà Đơ có 15 hộ dân với hơn 100 nhân khẩu, diện tích đất nông nghiệp trên 2ha. Trước đây, một số hộ dân của bản vẫn quen nếp di dân tự do, cộng với trình độ dân trí còn hạn chế, nên đời sống của đồng bào gặp rất nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo của bản chiếm tới trên 80%. Khi chúng tôi hỏi về việc học của bà con dân bản, ông Triệu Văn Đạo, Trưởng bản cho biết: “Ngày trước không được học, từ khi về đây, nhờ các thầy cô giáo đưa cái chữ vào bản, chúng tôi đã biết đọc, biết viết, cảm ơn các thầy cô nhiều lắm, nhất là cô Huyên. Nhờ được học cái chữ, chúng tôi đã biết làm ăn, không du canh du cư, đốt rừng làm nương rẫy, giờ đã có gạo ăn, mọi người ốm đau đều đưa đến trạm y tế, trẻ con đến tuổi được tới trường...”.

 

Trở lại lớp học được xây dựng cheo leo trên quả đồi trung tâm của bản, chúng tôi được chứng kiến một buổi học đúng “bản sắc vùng cao”. Đây cũng là lớp học duy nhất của bản. Đó là lớp học ghép 2 trình độ (lớp 1 và lớp 4). Gọi là lớp học, nhưng cả lớp chỉ có 5 học sinh (4 học sinh lớp 1 và 1 học sinh lớp 4). Trong căn phòng rộng hơn 10m2, đầu lớp và cuối lớp được kê 2 chiếc bảng. Cô giáo Trương Thị Huyên giảng hết một phần bài của lớp 1 lại xuống giảng tiếp bài cho học sinh lớp 4. Cứ như vậy, trong một buổi sáng, cô phải đi lại nhiều lần, giảng giải cặn kẽ để các em hiểu bài.

 

Cô Huyên cô tâm sự: “Công tác vận động để đưa các cháu đến trường đã khó thì việc giữ sĩ số lớp học nơi vùng sâu, vùng xa, này lại càng khó khăn hơn. Do bố mẹ các em không được học hành, nên không chú trọng vào công việc học tập của con em mình. Các cháu ở đây cũng không, nhanh nhẹn như các bé vùng xuôi, việc tiếp thu bài chậm, khả năng nói tiếng Việt rất hạn chế, có cháu thích thì học, không thích thì lặng lẽ trốn về. Bản chỉ có 15 hộ nhưng ở rải rác, hộ ở xa nhất đi bộ từ điểm trường tới nhà cũng hơn mất 3 tiếng đồng hồ. Vào đầu năm học, tôi phải đi từng nhà để vận động, tuyên truyền, phân tích cho bà con hiểu việc học tập của con em là rất quan trọng, giờ bà con đã hiểu và cho con em đi học tương đối đầy đủ”. Khi nói về những kỷ niệm trong cuộc đời dạy học của mình, cô Huyên chia sẻ: “Có hôm phải ra trường họp gấp, tôi cho học sinh làm bài tập rồi dặn dò kỹ lưỡng các em, nhưng vừa đi được một đoạn, ngoảnh đầu lại, thấy các cháu đã cắp cặp ra về đằng sau...”.

 

Được biết, cô Huyên đã gắn bó với sự nghiệp “trồng người” ở Cà Đơ 18 năm nay. Thuận lợi lớn nhất chính là cô là người Dao (100% dân bản Cà Đơ là đồng bào Dao và Sán Chí). Trước năm 1995, cô chuyển từ Lạng Sơn về đây sinh sống. Với tấm bằng Trung cấp sư phạm, năm 1995, cô xin vào dạy tại Trường Tiểu học xã Lam Vỹ và được cử vào bản Cà Đơ dạy học. Yêu người bao nhiêu, yêu nghề bấy nhiêu, 18 năm qua, cô gắn bó với dân bản, bám trụ để gieo cái chữ cho những mầm xanh tương lai. Hai vợ chồng cô dựng nhà ngay dưới chân dốc nơi đặt lớp học để ở. Điện không có, nhà ở của cô cũng như lớp học đều tạm bợ bằng tranh tre nứa lá, tứ phía vách nứa hở toang hoác, gió thông thốc thổi. Đêm đêm chỉ có chiếc đèn dầu leo lét để soạn giáo án. Mãi đến năm 2005, nhờ sự giúp đỡ của Công đoàn ngành Giáo dục Việt Nam mà bản Cà Đơ được đầu tư xây dựng 1 phòng học. Sau khi đầu tư xây dựng phòng học này, ghi nhận sự đóng góp của cô Huyên, các nữ cán bộ, công chức ngành Dầu khí đã quyết định xây dựng tặng cô 1 căn nhà cấp 4. Tuy đã có phòng học, song điều kiện để giảng dạy ở đây vẫn còn thiếu thốn rất nhiều. Vì không có điện nên về mùa đông, lớp thường phải học muộn hơn so với lịch chung của Nhà trường khoảng 30 phút. Cũng vì không có điện nên các bộ môn khác như hát nhạc, học tin học… hàng tuần cô Huyên lại phải đưa học sinh ra điểm trường chính để học. Để bù đắp những thiếu hụt cho học sinh, mỗi tuần, cô Huyên lại dành ra 3 buổi chiều ôn tập và hướng dẫn thêm cho các em trên lớp cũng như tổ chức 1 buổi đưa các em ra điểm trường chính ở trung tâm xã để học sinh được giao tiếp với các bạn, giúp các em mạnh bạo hơn, cũng như phát triển khả năng ngôn ngữ. Cũng vì thế mà các em học sinh ở Cà Đơ học rất tiến bộ, đều là học sinh khá, giỏi.

 

Được biết, 5 năm trở lại đây, bản Cà Đơ đã có 3 học sinh học xong trung cấp chuyên nghiệp, trong đó có 2 em đã tìm được việc làm. Hiện nay, có 2 học sinh đang học THPT, 3 học sinh THCS và 5 học sinh học tiểu học.

 

Cách đây 2 năm, chồng cô Huyên bị mắc bệnh hiểm nghèo đã qua đời. Con gái lớn của cô đã xây dựng gia đình ở ngay trung tâm xã. Còn cậu con trai của cô đã học xong Trung cấp Sư phạm. Người thân bảo cô xin chuyển ra trung tâm xã ở, dạy học cho đỡ vất vả, song cô vẫn một lòng bám trụ ở bản Cà Đơ. Điều gì khiến cô vẫn ở lại với lớp học này? “Mình chuyển đi thì ai sẽ là người đứng lớp ở đây”. Có lẽ vậy, bởi vào Cà Đơ với đường đất ấy không dễ tìm được người dũng cảm như cô. Chúng tôi thực sự cảm phục trước câu trả lời của cô. Nói đến ngày cả nước tôn vinh nghề dạy học 20-11, cô dưng dưng: “18 năm trong cuộc đời dạy học, tôi chưa từng nhận được một bông hoa hay món quà nào của học sinh bởi đời sống của họ quá khó khăn. Nhưng tôi hạnh phúc vì nhìn thấy những lớp học sinh mình dạy nhiều người đã trưởng thành. Bà con bản Cà Đơ luôn coi tôi là thành viên chính thức của bản…”.

 

Ngày Nhà giáo Việt Nam nhằm tôn vinh các thầy giáo, cô giáo - những người đảm nhiệm sứ mệnh vẻ vang của sự nghiệp “trồng người”. Ngày 20-11 không chỉ là ngày hội của ngành Giáo dục mà thực sự đã trở thành ngày hội của toàn xã hội nhằm tri ân, tôn vinh những đóng góp của các thầy cô cho sự nghiệp giáo dục. Những người thầy, người cô bám bản gieo chữ như cô Huyên thật đáng khâm phục, họ đã và đang vượt qua khó khăn, vất vả, sống gắn bó, âm thầm hy sinh, miệt mài gieo chữ nơi vùng cao.