Một trong những nội dung quan trọng trong Nghị quyết của Đảng bộ ĐHTN là thực hiện Đề án "Chuẩn hoá năng lực ngoại ngữ cho cán bộ giảng dạy và sinh viên của ĐHTN" giai đoạn 2013-2015 và 2015-2020. Mới qua năm đầu thực hiện Đề án, đã có những chuyển biến nhất định, song để đạt được mục tiêu đề ra đang cần có sự tăng tốc mạnh mẽ và quyết tâm chính trị cao.
Theo Đề án"Chuẩn hoá năng lực ngoại ngữ cho cán bộ giảng dạy và sinh viên của ĐHTN”: Đối với cán bộ giảng dạy ngoại ngữ không đạt chuẩn ngoại ngữ theo quy định sẽ không được tham gia đào tạo bồi dưỡng, làm giám khảo tại các hội đồng thi đánh giá năng lực ngoại ngữ do ĐHTN tổ chức. Đến hết 2015, cán bộ giảng dạy chuyên ngữ không đạt trình độ C1 sẽ phải xem xét khi phân công giảng dạy. |
Nhiều giáo viên chưa đạt chuẩn
Hiện nay, ĐHTN có 153 giảng viên giảng dạy tiếng Anh cho cả sinh viên chuyên ngữ và không chuyên ngữ, đạt mức gần 200 sinh viên/1 giảng viên, như vậy có thể thấy lực lượng giảng viên còn rất thiếu. Theo khảo sát của ĐHTN đầu năm 2013 khi thực hiện Đề án “Chuẩn hóa năng lực ngoại ngữ cho cán bộ giảng dạy và sinh viên” đã nhận định: Trình độ giảng viên không đồng đều, chưa được trang bị kiến thức đầy đủ và đồng bộ về phương pháp giảng dạy ngoại ngữ. Kết quả khảo sát cho thấy: Trong số 153 giảng viên tiếng Anh, 41 giảng viên có trình độ đại học, 86 người có trình độ thạc sĩ, 23 nghiên cứu sinh và 1 tiến sĩ.
Kết quả kiểm tra khảo sát 120 giảng viên tiếng Anh do Đề án Ngoại ngữ quốc gia đến năm 2020 tổ chức tháng 3 năm 2013 cho thấy: có 4 giảng viên đạt trình độ B1 (chiếm 2,5%), 48 giảng viên đạt trình độ B2 (40%), 68 giảng viên đạt trình độ C1 (57,5%). Đặc biệt, trong số 38 giảng viên Khoa Ngoại ngữ được đánh giá, có 24% mới đạt trình độ B1 và B2, chưa có giảng viên nào đạt chuẩn C2 theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với giảng viên ngoại ngữ giảng dạy sinh viên chuyên ngữ. Trước thực tế này, ĐHTN đã mở nhiều lớp bồi dưỡng tập trung, với sự giúp đỡ của các chuyên gia đầu ngành và các tình nguyện viên quốc tế bước đầu chất lượng đã được cải thiện. Cụ thể là: Đạt trình độ C2 có 13 giảng viên, C1 có 81 giảng viên và đạt trình độ B1 có 8 giảng viên.
Thế nhưng, theo kế hoạch của Đề án, đến hết năm 2015, 100% cán bộ giảng dạy tiếng Anh phải đạt trình độ tối thiểu C1, trong đó 20 % cán bộ giảng dạy tiếng Anh cho sinh viên chuyên ngữ đạt trình độ tiếng Anh C2 hoặc tương đương. Như vậy, so với thực tế năng lực hiện có của đội ngũ giảng viên là cách chuẩn khá xa.
Còn đối với đội ngũ giảng viên chuyên ngành khác có giảng dạy tiếng Anh, hoặc sử dụng tiếng Anh trong giảng dạy chuyên ngành, mặc dù yêu cầu trình độ chuẩn tiếng Anh thấp hơn, xong so với tiêu chuẩn của Đề án thì còn khoảng cách khá lớn. Cụ thể qua kết quả kiểm tra 63 cán bộ giảng dạy của một số chuyên ngành (Toán, Thương mại quốc tế, Công nghệ Thông tin, Kinh tế Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) được Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 chọn làm thí điểm giảng dạy một số môn học bằng tiếng Anh cho thấy: 69,5% cán bộ giảng dạy mới có trình độ A1 và A2, còn lại là B1. Trong khi mục tiêu Đề án, đến hết 2015: 70 % cán bộ giảng dạy các chuyên ngành khác là thạc sĩ phải đạt trình độ tiếng Anh B1 hoặc tương đương, hoặc đạt trình độ B1 ngoại ngữ khác được ĐHTN quy định; 60 % cán bộ giảng dạy các chuyên ngành khác có trình độ Tiến sĩ, Phó giáo sư, Giáo sư phải đạt trình độ tiếng Anh B2 hoặc tương đương, hoặc đạt trình độ B2 ngoại ngữ khác được ĐHTN quy định; 80% cán bộ giảng dạy chuyên ngành bằng tiếng Anh phải đạt trình độ tiếng Anh C1 hoặc đã tốt nghiệp đại học, thạc sĩ, tiến sĩ tại nước ngoài mà tiếng Anh được sử dụng trong quá trình học tập.
Tăng tốc để cập chuẩn
Theo mục tiêu của Đề án, Sinh viên chuyên ngữ bậc đại học cần đạt trình độ ngoại ngữ bậc 5 (C1); bậc cao đẳng cần đạt trình ngoại ngữ bậc 4 (B2). Áp dụng cho sinh viên tốt nghiệp từ năm 2014 đối với sinh viên chuyên ngữ tiếng Anh và từ 2015 chỉ tiêu này áp dụng đối với sinh viên song ngữ và các chuyên ngữ khác. Còn đối với sinh viên không chuyên ngữ, bậc đại học và cao đẳng cần đạt trình độ ngoại ngữ tối thiểu bậc 2 (A2). Áp dụng cho sinh viên tốt nghiệp từ năm 2015 (trừ đối tượng tuyển sinh đối với sinh viên cử tuyển và sinh viên được xét tuyển thẳng thuộc huyện nghèo theo quy định của Chính phủ). Để đạt được mục tiêu này, đội ngũ giảng viên nhất thiết phải cập chuẩn trước.
Tiến sĩ Hà Xuân Linh, Thường trực Ban chỉ đạo Đề án cho biết: Mặc dù ĐHTN đã tổ chức các lớp bồi dưỡng cho cán bộ, giảng viên ôn luyện để dự thi cập chuẩn, xong quá trình thực hiện gặp không ít khó khăn, do lịch giảng dạy của từng giảng viên và của từng trường khác nhau, nên họ khó có thể bố trí thời gian dự học cùng lúc. Hầu hết người học nhìn nhận ngoại ngữ là một môn học kiến thức chứ không phải là quá trình tập luyện để đạt được kỹ năng sử dụng ngôn ngữ trong những ngữ cảnh phù hợp. Chính vì vậy, việc dạy và học ngoại ngữ vẫn chỉ tập trung cho việc thi đỗ môn học này mà ít quan tâm đến việc sử dụng ngôn ngữ như một công cụ giao tiếp. Thạc sĩ Nghiêm Ngọc Tùng, thành viên Ban chỉ đạo Đề án chia sẻ: “Để thực hiện mục tiêu Đề án, cần nỗ lực rất lớn từ bản thân để vượt qua chính mình, bản thân tôi phải qua hai lần thi mới đạt trình độ C1 tiếng Anh. Mỗi lần thi sẽ có thêm những kinh nghiệm và tôi luôn tự xác định thi để học chứ không quá căng thẳng trong việc học để thi. Nếu chỉ xác định học để thi thì có thể ngay sau khi thi xong lại mất chuẩn, vì không thường xuyên ôn luyện”.
Cùng quan điểm này, Thầy giáo Mai Văn Cẩn, Tổ trưởng bộ môn Ngoại ngữ, Đại học Sư phạm Thái Nguyên cho rằng: “Đã là giáo viên ngoại ngữ thì phải cập chuẩn. Từ quan niệm này, hàng năm, thầy tự bỏ tiền ra để đến với các trung tâm Anh ngữ quốc tế sát hạch và bổ sung, trau dồi kiến thức cho bản thân. Đây cũng là những tiêu chuẩn cần thiết để xét thi đua đội ngũ giảng viên hàng năm ở Tổ bộ môn” Được biết, hiện nay Tổ Ngoại ngữ của Trường đại học Sư phạm Thái nguyên đã có 8/21 giảng viên đạt chuẩn C1 tiếng Anh, còn lại đều đã đạt trình độ B2.
Còn cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hồng, Tổ trưởng bộ môn Ngoại ngữ Đại học Y-Dược Thái Nguyên chia sẻ: “Tổ hiện có 4/8 giảng viên đạt chuẩn C1, để tiếp tục đạt chuẩn, chúng tôi phải cắt cử giảng viên thay nhau đi ôn luyện mỗi người phải mất 3-4 tháng, như vậy rất thiếu giảng viên đứng lớp. Tuy nhiên, điều khiến chúng tôi quan ngại là giữ chuẩn, vì giảng viên ngoại ngữ nhưng có ít môi trường ngoại ngữ để rèn luyện, va chạm thực tế. Nếu được, hàng năm mỗi giảng viên nên có thời gian đi thực tế ngắn hạn trong một môi trường ngoại ngữ thật, sau đó trở về sẽ tiếp tục sát hạch kiểm tra lại chuẩn”.
Từ thực tế triển khai và thực hiện Đề án có thể thấy tính chất cấp bách của việc chuẩn hóa đội ngũ giảng viên ngoại ngữ trong thời gian tới của ĐHTN là rất quan trọng. Nếu như không có sự quyết tâm cao từ mỗi giảng viên, lãnh đạo quản lý, chắc chắn việc tiếp cận cánh cửa hội nhập quốc tế sẽ còn những khoảng cách rất xa.