Để mọi người dân được học tập thường xuyên và suốt đời

08:28, 29/01/2014

Không chỉ có vai trò rất lớn trong việc tạo cơ hội cho mọi người được học tập suốt đời, góp phần nâng cao dân trí, các trung tâm học tập cộng đồng còn là nơi dạy rất nhiều ngành nghề thiết thực, cho nhiều đối tượng và với nhiều hình thức khác nhau.

Thông qua các trung tâm này, người dân được xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau biết chữ; cập nhật kiến thức, kỹ năng và chuyển giao công nghệ về pháp luật, văn hóa xã hội, sức khỏe, môi trường, phát triển kinh tế...

 

Cơ hội học tập cho vùng khó

 

Theo đánh giá của nhiều Sở Giáo dục và Đào tạo vùng khó khăn, trung tâm học tập cộng đồng đã giữ vai trò quan trọng, góp phần đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập, bồi dưỡng nguồn nhân lực, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân vùng cao.

 

Tại Thanh Hóa, các trung tâm học tập cộng đồng hoạt động hiệu quả với các nội dung phong phú, đa dạng gắn với nhu cầu học tập thiết thực của người dân. Các nội dung tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, chủ trương chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật; dạy nghề tạo việc làm; xóa mù chữ, phổ cập giáo dục, học tập tin học ngoại ngữ; tổ chức các chuyên đề nâng cao chất lượng cuộc sống được triển khai thường xuyên.

 

Ngoài ra, nhiều gia đình thông qua các lớp học chuyển giao, tiến bộ khoa học kỹ thuật đã áp dụng vào thực tiễn sản xuất của gia đình mang lại hiệu quả kinh tế cao.

 

Tại xã Sơn Kim 1 (Hà Tĩnh), một xã biên giới với đa số dân là người dân tộc thiểu số, tệ nạn ma túy diễn biến phức tạp. Với sự có mặt của các trung tâm học tập cộng đồng, số người mù chữ tại một số xã đã không còn, tỷ lệ người dân vi phạm pháp luật đã giảm rõ rệt, một số người nghiện ma túy đã tự giác cai nghiện.

 

Các mô hình sản xuất đã được nhân rộng như tại xã Sơn Kim 1 có 15 mô hình chăn nuôi hươu lấy nhung với quy mô trên 10 con, 20 mô hình trang trại tổng hợp khác có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

 

Ông Nguyễn Văn Đô, Trung tâm học tập cộng đồng xã Dray Sáp, huyện Krông Ana, Đắk Lắk cho biết, việc tổ chức các trung tâm học tập cộng đồng tại địa phương đã đem lại hiệu quả đáng kể, không chỉ góp phần chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, phát triển các mô hình về dạy nghề như trồng nấm, sửa xe gắn máy, cắt may... tạo việc làm cho người dân trong thôn, buôn của xã mà còn góp phần phổ biến chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước giúp ổn định chính trị, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân.

 

"Trong xã đã có nhiều gia đình có người tham gia học nghề thoát nghèo chỉ sau một năm học nghề, nhiều gia đình tham gia học nghề đã trở thành hộ khá...", ông Đô phấn khởi nói.

 

Chưa đạt được mục tiêu

 

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ năm 2008 đến nay, mạng lưới trung tâm học tập cộng đồng đã phát triển mạnh mẽ, với gần 11.000 trung tâm, phủ kín 97,5% số xã, phường, thị trấn trong cả nước. Tuy nhiên, hiện số Trung tâm học tập cộng đồng hoạt động có chất lượng và hiệu quả chỉ chiếm tỷ lệ 30%. Phần lớn các Trung tâm còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng, hoạt động mang tính hình thức, kém chất lượng và hiệu quả.

 

Theo ông Phạm Đăng Hùng - Trưởng ban Phong trào Hội Khuyến học Việt Nam, hiện nay điểm yếu của các trung tâm học tập cộng đồng là đội ngũ hướng dẫn viên, báo cáo viên chưa ổn định, ảnh hưởng tới việc huy động nhân dân, người lao động tự do đến sinh hoạt, học tập tại các trung tâm học tập cộng đồng.

 

Theo thống kê, hiện nay mới chỉ huy động được 14 triệu lượt người/lần/năm đến học tập ở các trung tâm học tập cộng đồng. Với số lượng quá ít đó, trung tâm học tập cộng đồng không thực hiện được mục tiêu là "trường học của dân - do dân- vì dân", việc học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập ở cơ sở là rất khó khăn.

 

Nhận xét về hiệu quả của các Trung tâm học tập cộng đồng, ông Nguyễn Công Hinh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên - Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, mạng lưới trung tâm học tập cộng đồng phát triển nhanh về số lượng nhưng tổ chức hoạt động chưa hiệu quả, nhiều trung tâm còn hoạt động mang tính hình thức hoặc không có điều kiện tổ chức sinh hoạt; đội ngũ cán bộ quản lý còn lúng túng, tài liệu học tập còn thiếu nhiều...

 

Nhiều đối tượng người dân chưa thường xuyên tiếp cận các chương trình giáo dục sức khỏe, chương trình giáo dục kỹ năng sống, các chuyên đề nhằm phòng tránh giảm thiểu rủi ro thiên tai, biến đổi khí hậu...

 

Tăng cường mô hình trung tâm học tập cộng đồng

 

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 8 khóa XI năm 2013 đã thông qua Nghị quyết 29/NQ/TW về đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục với phương châm xây dựng nền giáo dục mở, hướng tới xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời, khẳng định đổi mới nền giáo dục sẽ không thể thiếu mô hình học tập cộng đồng.

 

Tuy vậy, để hướng tới một xã hội học tập, học tập suốt đời, rất cần những trung tâm học tập cộng đồng hoạt động hiệu quả cho mọi người dân với phương châm "cần gì học nấy", tạo điều kiện thuận lợi nhất để mọi người ở mọi lứa tuổi được học tập thường xuyên, học tập suốt đời.

 

Ông Nguyễn Công Hinh cho biết, để các trung tâm học tập cộng đồng hoạt động có hiệu quả và bền vững, cần có sự quan tâm sâu sắc của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đặc biệt là chính quyền cấp xã phải coi trung tâm học tập cộng đồng là công cụ, phương tiện để phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao chất lượng sống của người dân.

 

Cần tiếp tục đa dạng hóa nội dung giáo dục, đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của mọi tầng lớp nhân dân. Bên cạnh đó, cần tổ chức các hình thức học tập linh hoạt, phù hợp với các đối tượng. Ngoài ra, cần tận dụng tối đa cơ sở vật chất hiện có của địa phương phục vụ các hoạt động của trung tâm.

 

"Việc huy động sự đóng góp của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm; sự tham của cán bộ nghỉ hưu, những người có khả năng, kinh nghiệm tham gia giảng dạy tại các trung tâm học tập cộng đồng sẽ góp phần nâng cao năng lực của các trung tâm học tập cộng đồng, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao của nhân dân," ông Hinh nhấn mạnh.

 

Xác định mục tiêu tăng cường mô hình trung tâm học tập cộng đồng để đổi mới toàn diện giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo chú trọng phát triển mô hình hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng kết hợp với Trung tâm văn hóa, thể thao xã. Mỗi đơn vị cấp xã có một trung tâm làm nhiều nhiệm vụ.

 

Trong đó, trung tâm tiếp tục đa dạng hóa nội dung giáo dục, đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của mọi tầng lớp nhân dân; đưa lớp học về gần với người học, tổ chức các hình thức học tập linh hoạt và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia học tập, góp phần nâng cao năng suất lao động và hiệu quả công việc, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân./.