Lãnh đạo Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) cho biết Đề án thí điểm đổi mới tuyển sinh đại học của Trường được xây dựng theo hướng chuyển từ thi sang tuyển.
Chiều 11/3, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phạm Vũ Luận đã trực tiếp làm việc với ĐHQGHN về phương án đổi mới tuyển sinh và một số nhiệm vụ trọng tâm của Trung tâm Kiểm định chất lượng.
PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, Phó Giám đốc ĐHQGHN, cho biết phương án tuyển sinh mới của Trường có những đặc trưng cơ bản, bao gồm: Đánh giá toàn diện năng lực thể hiện qua việc đánh giá toàn diện quá trình học tập và rèn luyện đạo đức, phẩm chất của ứng viên; kết quả tuyển sinh đảm bảo sự khách quan, công bằng; giảm áp lực thi cho thí sinh và xã hội nhưng vẫn đảm bảo độ tin cậy, độ chính xác; liên thông trong hoạt động tuyển sinh giữa các cơ sở giáo dục ĐH trong cả nước (các cơ sở giáo dục ĐH có thể sử dụng kết quả của bài thi đánh giá năng lực chung và đánh giá năng lực chuyên biệt do ĐHQGHN tổ chức để tuyển chọn các ứng viên); thực hiện theo lộ trình từng bước chuyên nghiệp hóa và chuẩn hóa việc đánh giá năng lực, tiến dần tới việc tách "đánh giá năng lực" ra khỏi "tuyển chọn người có năng lực” (tách "thi" khỏi "tuyển"); phù hợp với xu thế quốc tế và đặc điểm hệ thống giáo dục Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.
Bắt đầu thực hiện từ năm 2014, ĐHQGHN đặt mục tiêu đến năm 2016 sẽ áp dụng đại trà tuyển sinh theo hướng đánh giá năng lực cho tất cả các ngành đào tạo ĐH trước thời điểm dừng kỳ thi tuyển sinh ĐH theo hình thức “ba chung”.
Đánh giá cao chất lượng của Đề án tuyển sinh riêng của ĐHQGHN, do đã tiếp cận cách đánh giá mới, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhấn mạnh ĐHQGHN và ĐHQG TPHCM phải là những đơn vị chủ lực đóng góp tích cực vào đổi mới căn bản và toàn diện GDĐT. Tuy nhiên, Đề án cần được chi tiết hóa nhiều hơn, từ việc ra đề, chấm thi đến việc đẩy mạnh tuyên truyền sao cho tất cả học sinh đều biết mà không còn lo lắng.
“Việc đổi mới cách thi cũng phải làm dần từng năm, từ ít đến nhiều, từ nông đến sâu, không thể đột ngột thay đổi được. ĐHQGHN cũng cần chú trọng nghiên cứu phương án luyện cho thí sinh quen với cách thi mới, mà tốt nhất là qua mạng”, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nói.
Về hoạt động của Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục ĐHQGHN, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định Bộ GDĐT ủng hộ và tạo mọi điều kiện để Trung tâm hoạt động song Trung tâm phải đáp ứng nhu cầu kiểm định giáo dục cho các nhà trường.
Hiện nay, ĐHQGHN đã chuẩn bị các tiền đề khoa học và thực tiễn cho hoạt động của Trung tâm; chuẩn bị nguồn nhân lực và hoàn tất điều kiện hoạt động của Trung tâm.
ĐHQGHN có một đội ngũ đông đảo các chuyên gia đã được đào tạo tập huấn trong nước và quốc tế. Cho đến nay, 16 cán bộ của Trường đã được tập huấn và nhận chứng chỉ chuyên gia đánh giá ngoài của Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng vùng Đông Bắc, Hoa Kỳ (NEASC) nơi có các trường nổi tiếng như ĐH Harvard, MIT); 40 chuyên gia được cấp chứng chỉ của AUN, chứng nhận của ABET, UNESCO, APQN, QAA... ĐHQGHN cũng đã có hàng trăm lượt cán bộ tham gia các khóa đào tạo về đánh giá ngoài trong nước và có kinh nghiệm thực tiễn.