ĐH Thái Nguyên liên tục đổi mới các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng đào tạo hướng tới hội nhập khu vực và quốc tế.
Được thành lập ngày 4/4/1994, sự ra đời của Đại học (ĐH) Thái Nguyên cùng các ĐH Quốc gia và ĐH vùng thực hiện chủ trương của Đảng nhằm hình thành những trung tâm đào tạo lớn đa ngành, đa cấp, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và chiến lược phát triển kinh tế theo vùng; đồng thời nâng cao khả năng cạnh tranh về giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ trong xu thế hội nhập.
20 năm hình thành và phát triển, vượt qua không ít khó khăn, thách thức ĐH Thái Nguyên phát huy những ưu thế, sức mạnh tổng hợp từ các đơn vị thành viên, khẳng định vị thế của ĐH vùng và liên tục đổi mới các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng đào tạo hướng tới hội nhập khu vực và quốc tế.
GS.TS. Đặng Kim Vui – Giám đốc ĐH Thái Nguyên đã có cuộc trả lời phỏng vấn báo chí nhân dịp kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Đại học Thái Nguyên (4/4/1994 - 4/4/2014).
PV: Thưa GS.TS Đặng Kim Vui, với chức năng, nhiệm vụ là đảm trách việc đào tạo nhân lực cho khu vực miền núi phía Bắc, thành tựu nổi bật của ĐH Thái Nguyên trong suốt 20 năm qua là gì?
GS.TS. Đặng Kim Vui: 20 năm qua kể từ khi thành lập, ĐH Thái Nguyên đã đạt được những thành tựu rất to lớn. Trong thời gian ngắn, với sự cộng hưởng của 4 trường thành viên, ĐH Thái Nguyên đã xây dựng thêm trường ĐH Kinh tế và Quản trị kinh doanh và trường ĐH Công nghệ Thông tin. Đây là các trường đáp ứng lĩnh vực về nghề nghiệp quan trọng cho khu vực. Chúng tôi xây dựng được các mảng này để có thể triển khai những đề tài nghiên cứu sâu và những ứng dụng khoa học công nghệ để phục vụ cho khu vực trung du, miền núi.
Điểm tiếp theo là chúng tôi tận dụng mọi cơ hội vị thế đào tạo phát triển nguồn nhân lực. Đến nay ĐH Thái Nguyên có tới 4.200 cán bộ công nhân viên, trong đó có 3.000 giảng viên, 75% giảng viên có trình độ thạc sĩ trở lên. Hiện ĐH Thái Nguyên có trên 100 giáo sư, phó giáo sư và trên 400 tiến sĩ. Đây là thành tựu lớn của ĐH Thái Nguyên, trên cơ sở hợp lực các trường ĐH thành viên và ứng dụng các quy chế phân cấp mới để phát triển.
PV: Với đặc thù sinh viên chủ yếu đến từ vùng khó khăn, vậy ngoài chính sách của Đảng, Nhà nước, ĐH Thái Nguyên đã tạo những điều kiện gì để sinh viên có cơ hội học tập và sau khi tốt nghiệp có đủ năng lực đáp ứng được yêu cầu công việc?
GS.TS Đặng Kim Vui: ĐH Thái Nguyên cũng xác định được trọng trách cao trong đào tạo nguồn nhân lực cho khu vực, và trong bối cảnh khu vực còn nhiều khó khăn về điều kiện giao thông, thông tin, mặt bằng đào tạo… cho nên trong quá trình tuyển sinh, ĐH Thái Nguyên đã gắn chặt cơ sở các địa phương, đồng thời đã xây dựng hệ thống thông tin riêng và giới thiệu chi tiết về ngành nghề đào tạo, cơ sở đào tạo về các điều kiện để đảm bảo.
Thông tin đó được gửi bằng văn bản, cũng như được gửi tới các website của các Sở Giáo dục đào tạo, thậm chí một số nơi đến cả các trường phổ thông, như vậy sinh viên có điều kiện tiếp xúc với các thông tin cụ thể, chính thức của những ngành nghề các em muốn được đào tạo.
ĐH Thái Nguyên cũng hợp tác với các tỉnh đào tạo theo địa chỉ, đào tạo cho những huyện nghèo. ĐH Thái Nguyên trong những năm qua có nhiều đối tượng chính sách đến học tập, có 35 - 40 % là con em dân tộc được hưởng chế độ Nhà nước ưu đãi. ĐH Thái Nguyên không chỉ quan tâm đến vấn đề tuyển sinh, mà trong quá trình đào tạo xây dựng những chương trình phù hợp, bồi dưỡng cho sinh viên kiến thức cơ bản đáp ứng yêu cầu của những môn chuyên ngành đào tạo.
PV: Thực hiện quyền tự chủ trong giáo dục ĐH, trong đó có tự chủ tuyển sinh, ĐH Thái Nguyên đã có sự chuẩn bị gì cho đề án tuyển sinh của mình?
GS.TS Đặng Kim Vui: Chúng tôi đang xây dựng đề án tự chủ tuyển sinh, tuy nhiên năm 2014 kết hợp giữa tuyển sinh chung do Bộ GD-DT tổ chức và một số ngành nghề sẽ tổ chức tự chủ tuyển sinh. Chúng tôi cũng xác định nguồn lực đến đào tạo ở ĐH Thái Nguyên có những đặc thù, cho nên là những ngành nghề, phương án mà ĐH Thái Nguyên đã trình Bộ phê duyệt dựa vào năng lực học tập của thí sinh chủ yếu ở 3 năm phổ thông – những môn chúng tôi lựa chọn phù hợp với ngành đào tạo.
Ví dụ, ngành Bác sĩ đa khoa, chúng tôi chọn ngành toán, hóa, sinh – 3 môn cốt lõi để đào tạo; chọn kết quả học tập 3 năm phổ thông làm kết quả xét tuyển ngành khác; kết hợp giữa thi và xét tuyển như ngành Văn hóa nghệ thuật, ngành Mẫu giáo mầm non, ngành Giáo dục thể chất; những môn năng khiểu chúng tôi tổ chức thi, còn xét tuyển những môn tương ứng ở những năm phổ thông. Từ nay đến 2016 được Bộ giao quyền tự chủ, chúng tôi chịu trách nhiệm tuyển sinh toàn phần, ĐH Thái Nguyên sẽ xây dựng đề án tuyển sinh riêng theo đặc thù từng ngành. Tùy theo yêu cầu học tập cũng như nghề nghiệp, chúng tôi sẽ có hình thức tuyển khác nhau, kể cả kết hợp điểm thi, cùng với xét tuyển quá trình học phổ thông và có phỏng vấn đối với một số ngành đặc thù.
PV: Thời gian tới, ĐH Thái Nguyên sẽ tập trung vào những hoạt động gì để năng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu đổi mới của đất nước ?
GS.TS Đặng Kim Vui: Chúng tôi đang đứng trước một cơ hội hết sức thuận lợi, đó là luật Giáo dục Đại học ra đời đã khẳng định vị thế của ĐH Thái Nguyên. Bên cạnh đó là việc triển khai Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Đổi mới căn bản toàn diện ngành giáo dục và chúng tôi cũng nhận được Thông tư 08 về hoạt động của ĐH vùng, trên cơ sở phân cấp rất mạnh, nên trong tương lai chúng tôi tin tưởng sẽ phát triển và phát huy hơn nữa vai trò của mình với khu vực.
ĐH Thái Nguyên cũng đã xây dựng Chương trình hành động số 1, tập trung nâng cao cái cơ sở vật chất, cải tiến chương trình đào tạo và đặc biệt chú trọng hơn nữa tới chất lượng đội ngũ bởi trong quá trình đào tạo, đội ngũ vấn là yếu tố then chốt.
Chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế, cũng như áp dụng các chương trình đào tạo tiên tiến của nước ngoài, trên cơ sở đó ĐH Thái Nguyên có thể ứng dụng chương trình đào tạo chất lượng cao, đào tạo bằng tiếng Anh và kỹ thuật số để tiến tới trong tương lai, có thể năm 2020 – 2025, ĐH Thái Nguyên từng bước hội nhập được với chương trình đào tạo nguồn nhân lực của ASEAN cũng như của thế giới.
PV: Xin cảm ơn Giáo sư!
Với 284 ngành nghề đào tạo (tăng 6,93 lần so với năm 1994 khi mới thành lập), trong đó có 89 chuyên ngành đào tạo sau ĐH; quy mô đào tạo tăng liên tục qua các năm (năm 2014 tăng 14,38 lần) đạt 90.404 người, trong đó đào tạo sau đại học là 4.014 người (tăng 44,6 lần). Trong 20 năm qua, ĐH Thái Nguyên đã đào tạo và cung cấp cho đất nước trên 100.000 cán bộ có trình độ cao đẳng, ĐH và sau ĐH, trong đó có 6.000 cán bộ có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, hàng trăm bác sỹ chuyên khoa cấp 1, cấp 2, bác sỹ nội trú và hàng nghìn cán bộ có trình độ trung cấp và công nhân nghề.
Từ khi thành lập, ĐH Thái Nguyên đã thực hiện 13.739 đề tài, dự án khoa học các cấp, trong đó có 733 bài báo được in trên tạp chí Khoa học công nghệ quốc tế; nhiều đề tài được chuyển giao công nghệ, ứng dụng hiệu quả trong sản xuất và đời sống, phục vụ tích cực cho công tác đào tạo. ĐH Thái Nguyên đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhì; nhiều tập thể, cá nhân các đơn vị thành viên vinh dự được nhận Bằng khen, giải thưởng của các Bộ, ngành.
|