Phải khẳng định rằng, hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH) và chuyển giao công nghệ của Đại học Thái Nguyên (ĐHTN) trong những năm qua đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, phục vụ đắc lực cho việc nâng cao chất lượng đào tạo và phát triển kinh tế - xã hội tại các tỉnh khu vực trung du, miền núi phía Bắc.
Tính từ khi thành lập đến nay, ĐHTN đã thực hiện 13.739 đề tài, dự án khoa học các cấp, trong đó có 9 đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước, 8 đề tài nghiên cứu theo Nghị định thư và 26 đề tài nghiên cứu cơ bản, 1.450 đề tài, dự án khoa học cấp Bộ, 12.246 đề tài khoa học cấp cơ sở và sinh viên. Bên cạnh đó, ĐHTN đã thực hiện trên 100 chương trình, dự án hợp tác NCKH, chuyển giao công nghệ với 13/16 tỉnh thuộc khu vực trung du, miền núi phía Bắc và nhiều doanh nghiệp với tổng kinh phí trên 1.500 tỷ đồng. |
Gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo và NCKH
ĐHTN là nơi định hướng nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực, kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo với NCKH và chuyển giao khoa học công nghệ trong các lĩnh vực: Khoa học tự nghiên, khoa học xã hội - nhân văn, khoa học kỹ thuật công nghiệp nông lâm nghiệp, chăn nuôi, thú y, thuỷ sản, khoa học sự sống, khoa học môi trường, khoa học y - dược, công nghệ thông tin và truyền thông. Hiện, ĐHTN có 23 đơn vị thành viên, trong đó có 11 đơn vị đào tạo và 12 đơn vị nghiên cứu. Tổng số cán bộ viên chức là 4.232 người, trong đó có 98 phó giáo sư, giáo sư, 389 tiến sĩ, 1.560 thạc sĩ và tương đương.
Từ khi thành lập đến nay, ĐHTN luôn xác định, NCKH không những là nhiệm vụ của giảng viên, là một trong hai hoạt động cơ bản của trường đại học, góp phần nâng cao hiệu quả đào tạo mà còn giúp giảng viên, sinh viên thu nhận được những thông tin khoa học, tiếp cận với nền giáo dục tiên tiến thế giới. Nhất là trong giai đoạn hiện nay, NCKH càng cần được đẩy mạnh, nhằm góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học ở Việt Nam. Chính vì thế, các thế hệ lãnh đạo của ĐHTN luôn quan tâm tới phát triển khoa học công nghệ, luôn coi đó là hoạt động quan trọng song song với nhiệm vụ giảng dạy.
Mô hình nghiên cứu nông nghiệp của sinh viên Trường Đại học Nông lâm
Đến nay, NCKH và chuyển giao công nghệ của ĐHTN được triển khai ở 7 trường đại học thành viên, 1 trường cao đẳng, 3 viện nghiên cứu và 5 trung tâm nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ. Các lĩnh vực NCKH công nghệ của ĐHTN rất rộng và đa dạng, từ những nghiên cứu cơ bản về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội nhân văn, kinh tế đến những nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao trong công nghiệp, nông nghiệp, y dược, công nghệ thông tin và truyền thông.Các lĩnh vực NCKH và chuyển giao công nghệ mà ĐHTN có thế mạnh là: Khoa học cơ bản, phát triển sản xuất cây trồng nông nghiệp, bảo tồn quỹ gen tập đoàn cây dược liệu có giá trị kinh tế, nghiên cứu phát triển sản xuất lâm nghiệp và đặc sản rừng, nghiên cứu phát triển chăn nuôi và thủy sản…
Hằng năm, ngoài nguồn kinh phí khoa học cấp từ ngân sách nhà nước, các trường thành viên còn trích từ 2-4% nguồn thu học phí cho hoạt động NCKH, vì thế càng thu hút nhiều cán bộ viên chức tham gia hoạt động này. Nguồn nhân lực thực hiện các hoạt động NCKH ở ĐHTN chủ yếu là các giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên đại học. Với phương châm giảng viên là nhà khoa học, đào tạo dựa vào NCKH và nghiên cứu phục vụ nâng cao chất lượng đào tạo, các đề tài NCKH của ĐHTN gắn liền với các luận án tiến sĩ, luận văn thạc sĩ.
Bằng việc gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo và NCKH, những năm gần đây, hoạt động khoa học công nghệ của ĐHTN có bước phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng theo hướng chuyên sâu, phục vụ đắc lực cho đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao, dần hướng tới xây dựng ĐHTN thành đại học trọng điểm, trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao của vùng và trở thành một trong các đơn vị đào tạo hàng đầu Việt Nam, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Sản phẩm khoa học công nghệ mang tính ứng dụng cao
Các kết quả NCKH của ĐHTN có hàm lượng khoa học và giá trị thực tiễn, sản phẩm khoa học công nghệ có tính ứng dụng cao, phục vụ đắc lực nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của vùng trung du, miền núi phía Bắc. Nhiều đề tài, dự án đã được ứng dụng vào cuộc sống, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực như: Mô hình canh tác bền vững trên đất dốc (SALT) được triển khai áp dụng trên hàng nghìn ha đất của các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên; mô hình thay thế cây thuốc phiện bằng cây dược liệu; mô hình hệ thống canh tác lúa cải tiến (SRI) được triển khai trên 400.000 ha lúa ở 8 tỉnh thuộc khu vực trung du, miền núi phía Bắc với sự tham gia của trên 1 triệu nông dân; chuyển giao dây chuyền luyện gang phi cốc bằng lò hồ quang cho Công ty CP Gang thép Thái Nguyên; hệ thống điều tốc máy cuộn lại cho Công ty Giấy Bãi Bằng; chuyển giao hệ thống tuyển than tự động cho Mỏ than Khánh Hòa…
Cán bộ Viện Khoa học sự sống nghiên cứu công nghệ gen
Trong lĩnh vực giáo dục, y tế cũng có nhiều kết quả nghiên cứu được triển khai ứng dụng ở các tỉnh như: Các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông ở Bắc Kạn, giải pháp nâng cao năng lực giáo viên THPT vùng dân tộc thiểu số, ứng dụng kỹ thuật nội soi trong chẩn đoán và điều trị một số bệnh lý và chấn thương bụng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn, đánh giá thực trạng và áp dụng một số biện pháp can thiệp nhằm hạn chế bệnh đái tháo đường type 2 tại tỉnh Bắc Kạn; thực trạng tăng huyết áp ở người cao tuổi và đề xuất biện pháp quản lý tại tuyến y tế cơ sở trên địa bàn thành phố Thái Nguyên.
Bên cạnh đó, nhiều đề tài nghiên cứu sâu và nghiên cứu liên ngành được thực hiện có hiệu quả, góp phần giải quyết những vấn đề lớn của vùng, tạo ra các sản phẩm khoa học - công nghệ được đăng ký sở hữu trí tuệ, được xã hội đón nhận, điển hình là: giống lúa Nông lâm số 3 và Nông lâm số 7, sản phẩm phân hữu cơ sinh học và vi lượng đất hiếm, chế phẩm sinh học YPIX phòng bệnh tiêu chảy lợn con, Vắc xin VACCOLI phòng bệnh E.coli phù đầu ở lợn con, Roto nghiền bột giấy, máy bón phân dúi sâu, phần mềm quản lý công tác thi đua - khen thưởng...
Từ các kết quả NCKH, nhiều tập thể và cá nhân đã nhận các giải thưởng về khoa học công nghệ, đơn cử như PGS-TS Lê Thị Thanh Nhàn đã được nhận Giải thưởng Kovalevskaia vào năm 2011. Hằng năm có từ 20 - 30 đề tài được nhận giải thưởng Tài năng Khoa học trẻ Việt Nam, ĐHTN cũng đã 3 lần được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen về thành tích tổ chức hoạt động khoa học công nghệ.
Trải qua 20 năm, hoạt động khoa học công nghệ của ĐHTN đã có được những bước phát triển vượt bậc. Đến nay, ĐHTN đã ký kết được các thoả thuận hợp tác toàn diện về nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ với 12 tỉnh thuộc vùng trung du, miền núi phía Bắc, thực hiện hàng trăm chương trình chuyển giao công nghệ cho hầu hết các tỉnh trong vùng. Những hoạt động nghiên cứu này đã góp phần thiết thực vào công tác đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ, đồng thời thúc đẩy sự phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội trong vùng và cả nước.