Thực hiện mô hình trường học mới: Dạy và học theo hướng chủ động

15:12, 07/04/2014

Mặc dù mới thực hiện thí điểm trong gần 2 năm học ở một số trường tiểu học trên địa bàn tỉnh, song Dự án mô hình trường học mới tại Việt Nam do Tổ chức Hợp tác toàn cầu giáo dục triển khai đã cho thấy những kết quả ban đầu đáng ghi nhận.

Từ năm học 2012-2013, trên địa bàn toàn tỉnh có 16 trường tiểu học với 96 lớp, 2.375 học sinh học tập theo mô hình trường học mới.  Năm học 2013-2014, toàn tỉnh có thêm 8 trường được nhân rộng.

 

Ngồi dự tiết học của lớp 2A, Trường Tiểu học Hóa Thượng số 2 (Đồng Hỷ) chúng tôi rất ngạc nhiên. Lớp học không kê bàn ghế theo kiểu truyền thống mà phân chia thành 5 nhóm, mỗi nhóm đều cử ra trưởng nhóm. Tiết học trở nên sinh động khi học sinh chủ động làm việc thực thụ. Thay vì ngồi suốt giờ học để nghe và chép lại những điều giáo viên giảng học sinh đã được tham gia thảo luận nhóm. Nhờ cách làm việc theo nhóm đã phát huy được trí tuệ của tất cả các em HS trong lớp. Qua tiết học giúp HS trải nghiệm, tự tìm tòi, khám phá, phát hiện kiến thức từ đó khắc sâu tri thức đã được tiếp thu. Đặc biệt, mô hình học tập này còn rèn luyện cho các em kỹ năng diễn đạt, khả năng làm việc theo nhóm và khả năng viết.

 

Trò chuyện cùng chúng tôi, Nguyễn Đức Phú, Lớp trưởng, Chủ tịch Hội đồng tự quản lớp 2A, Trường Tiểu học số 2 Hóa Thượng (Đồng Hỷ) hồ hởi kể: “Hội đồng tự quản của lớp em do các bạn bầu ra. Trước khi bầu thì cô giáo cho các bạn ứng cử. Bạn nào được tín nhiệm cao thì sẽ được làm trong Hội đồng. Hội đồng tự quản của lớp có nhiệm vụ tự quản lý, tổ chức lớp học. Bạn nào được tham gia vào hội đồng đều cảm thấy rất vinh dự và phải nỗ lực rất cao để hết học kỳ vẫn được các bạn bầu làm tiếp”.

 

Đây là lớp học được triển khai theo Dự án Mô hình trường học mới tại Việt Nam (Dự án GPE-VNEN, Global Partnership for Education - Viet Nam Escuela Nueva) gọi tắt là VNEN do Tổ chức Hợp tác toàn cầu giáo dục triển khai. Và cũng là mô hình trường học do các nhà khoa học, quản lý giáo dục hàng đầu tại Colombia nghiên cứu và áp dụng thành công tại đất nước này.

 

Khi thực hiện dự án cán bộ quản lý, giáo viên các nhà trường cũng rất băn khoăn, lo lắng bởi các giáo viên đã quen nếp với phương pháp giảng dạy truyền thống là đọc, chép. Theo cô giáo Doãn Thị Hòa Bình, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Thành 1, T.P Thái Nguyên (1 trong 8 trường được nhân rộng mô hình trong năm học này): Điều chúng tôi lo nhất là sách của dự án VNEN giảm tải nhiều thì lượng kiến thức mà HS thu lượm được có đảm bảo như chương trình hiện hành. Song qua kết quả học kỳ I vừa qua cho thấy 60% học sinh kiểm tra học lực đều đạt loại giỏi, tương đương với kết quả dạy học của chương trình sách giáo khoa hiện hành. Song dạy theo chương trình ENVN đã khắc phục được phương pháp cũ là dạy theo kiểu nhồi nhét, không biết HS tiếp thu được bao nhiêu lượng kiến thức.  Sách viết nhẹ nhàng mà vẫn đảm bảo về chuẩn kiến thức, kỹ năng.

 

Trực tiếp giảng dạy theo chương trình mới, cô giáo Nguyễn Thị Kim Liên, Chủ nhiệm lớp 2A, Trường Tiểu học Tân Thành 1 khẳng định: Điểm nổi trội của mô hình trường học mới là sách giáo khoa không chỉ cung cấp thông tin, kiến thức mà còn chú trọng việc hướng dẫn HS phương pháp học, tư duy, phát triển tính chủ động, sáng tạo, tự tin, năng lực học tập, năng lực giải quyết vấn đề, hợp tác nhóm, khả năng giao tiếp, thực hành… Các em tự tin hơn và luôn ở thế chủ động tham gia sôi nổi, hào hứng vào bài học. Các em bước đầu hình thành ý thức “Khi đến trường mình phải bắt đầu và kết thúc hành động như thế nào”, không phải chờ đến sự nhắc nhở của giáo viên.

 

Tuy mô hình trường học mới có nhiều ưu điểm nổi trội ở phương pháp giảng dạy và hiệu quả là tạo cho HS môi trường học tập thân thiện, HS cơ bản thay đổi thói quen học tập, các em đã biết làm việc theo nhóm và phát triển tốt kỹ năng nghe, nói, đánh giá, tự đánh giá... Song để nhân rộng mô hình thì đa phần cán bộ quản lý các nhà trường đang thực hiện dự án đều có chung chia sẻ: Hiện nay cơ sở vật chất các lớp học chưa đáp ứng được yêu cầu của phương pháp dạy học mới. Diện tích phòng học chật  rất khó cho việc bố trí nhóm học tập, ảnh hưởng nhiều đến hoạt động học tập, giảng dạy. Mặt khác, đây là chương trình dạy học hoàn toàn mới nên trong khi thực hiện nhiều giáo viên còn bỡ ngỡ về phương pháp giảng dạy. Bên cạnh đó một số bậc phụ huynh không biết cách hướng dẫn con học ở nhà, do đó hoạt động ứng dụng của các em thường không hoàn thành (chủ yếu giáo viên phải tổ chức thực hiện trên lớp)...

 

Mặc dù triển khai thí điểm song kết quả thực hiện dự cho thấy việc đổi mới cách tổ chức các hoạt động giáo dục và dạy học đã giúp HS tự tin hơn trong học tập, giáo viên và HS tương tác với nhau nhiều hơn, không khí học tập trong lớp tự nhiên, nhẹ nhàng và thân thiện. Đặc biệt là kết quả học tập, chất lượng giáo dục được cải thiện theo hướng thực chất hơn. Tuy nhiên, để nhân rộng mô hình này ngành Giáo dục cần tiếp tục nghiên cứu để có những điều chỉnh phù hợp với thực tế.