Tăng tốc cập chuẩn tin học

16:47, 25/02/2015

Sau 2 năm thực hiện Nghị Quyết chuyên đề về Chuẩn hóa tin học theo tiêu chuẩn quốc tế (IC3) giai đoạn 2013-2015 của Đảng bộ, đến nay toàn bộ các trường và đơn vị thành viên thuộc Đại học Thái Nguyên đã và đang bước vào giai đoạn tăng tốc để về đích.

Mặc dù, đến nay mới có trên 50% cán bộ, giảng viên đã cập chuẩn, song thực tế đã có trên 85% hoàn thành chương trình đào tạo và “chờ” sát hạch. Điều đó khẳng định thêm quyết tâm mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Đại học Thái Nguyên đã đề ra là: Nâng cao chất lượng trong quá trình hội nhập quốc tế và đưa ĐH Thái Nguyên thành Đại học điện tử vào năm 2020.  

 

Với quy mô đại học vùng, có hơn 4.300 cán bộ, giảng viên  và có hơn 90 nghìn sinh viên, lưu lượng hàng năm có khoảng 10 nghìn sinh viên trúng tuyển và tham gia học tập, chính vì vậy, việc xây dựng bộ quy chuẩn thống nhất trong đào tạo, nghiên cứu và phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế là cần thiết đối với ĐH Thái Nguyên. Mặc dù các đơn vị thành viên trong toàn ĐH đã rất quan tâm và coi trọng việc hỗ trợ CNTT, như: Ứng dụng các phần mềm trong quản lý, điều hành (quản lý nhân sự, quản lý đào tạo, quản lý khoa học…), ứng dụng hệ thống các phần mềm chuyên biệt phục vụ các hoạt động đào tạo (các phần mềm khảo thí, các phần mềm đào tạo, các phần mềm hỗ trợ công tác tuyển sinh…), ứng dụng các phần mềm hỗ trợ công tác giảng dạy, học tập của cán bộ, giảng viên (các phần mềm tạo bài giảng trực tuyến, bài giảng điện tử, tài liệu số hóa, hệ thống website cá nhân…).

 

Qua đánh giá của ĐH Thái Nguyên tại thời điểm năm 2013 cho thấy: Giảng viên đã sử dụng các phần mềm như Power Point, Word, Excel, Maple, Violet… để giảng dạy, bồi dưỡng chuyên đề cho sinh viên. 75% giảng viên sử dụng các phần mềm cơ bản như Word, Excel, Power point để hỗ trợ giảng dạy, 60% sử dụng Website cập nhật bài giảng, trao đổi với sinh viên qua Internet và sử dụng các phần mềm để xây dựng ngân hàng câu hỏi và thi trắc nghiệm trên máy tính (Phần mềm Test Online, Violet)... Song, mức độ sử dụng thành thạo các phần mềm chỉ chiếm khoảng 25%. Đối với sinh viên khi tốt nghiệp ra trường, hầu hết được trang bị các kiến thức cơ bản về CNTT và các phần mềm Văn phòng: Word, Excel… hay các phần mềm phục vụ chuyên ngành (Maple, Matlab…) nhưng các kỹ năng này chỉ dừng ở mức căn bản mà chưa đáp ứng các yêu cầu, của nhà tuyển dụng cũng như các yêu cầu về công việc tiếp nhận.

 

Từ thực trạng trên, đầu năm 2014, Ban Thanh tra, Khảo thí và Đảm bảo chất lượng (TTKT&ĐBCL GD) đã tiến hành khảo sát trình độ CNTT cho các đối tượng học sinh, sinh viên năm cuối chuẩn bị tốt nghiệp. Khảo sát cho thấy, kĩ năng sử dụng CNTT của sinh viên không đồng đều và ở mức thấp, hầu hết chưa đạt chuẩn IC3.

 

Mặc dù việc cập chuẩn là cần thiết, nhưng để thực hiện được mục tiêu theo Đề án lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Các đơn vị trong ĐH không thể đồng loạt đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất để đào tạo và đào tạo lại cho toàn bộ gần 3.000 cán bộ, giảng viên trong độ tuổi bắt buộc (dưới 45 tuổi) và gần 90 nghìn sinh viên đang theo học, nghiên cứu. Chính vì vậy, mỗi cá nhân phải chủ động kế hoạch công tác, học tập của bản thân để đến các trung tâm đăng ký học tập, bồi dưỡng. Từ thực tế này ĐH Thái Nguyên đã xây dựng lộ trình bồi dưỡng thiết kế một khung chương trình và các trung tâm, cũng như đội ngũ giảng viên chuyên ngành, đáp ứng yêu cầu thực tế. Đối với sinh viên, bắt đầu từ năm học 2013-2014 được triển khai thí điểm cho đối tượng là sinh viên các hệ đào tạo chất lượng cao, và triển khai đại trà tại tất cả các trường thành viên từ năm học 2014-2015.

 

Thạc sĩ Trần Công Nghiệp, Trưởng Phòng TTKT&ĐBCL GD, Trường Đại học Kinh tế quản trị và Kinh doanh khẳng định: “Để bảo đảm uy tín “thương hiệu” của Trường, nhất là trong thị trường lao động việc làm, thì Đại học Kinh tế Quản trị và Kinh doanh đã bắt tay vào thực hiện chuẩn tin học IC3 ngay từ những năm 2011-2012. Và năm 2012, Trường đã được tổ chức IIG Việt Nam (Đơn vị khảo thí quản lý chất lượng giáo dục quốc tế tại Việt Nam) công nhận đủ điều kiện khảo thí tiêu chuẩn IC3.

 

Chuẩn IC3 là chứng nhận kỹ năng sử dụng máy tính cốt lõi và Internet (Internet and Computing Core Certification program), có giá trị toàn cầu để chứng minh người sở hữu nó được trang bị những kỹ năng máy tính trong thế giới số, có khả năng sử dụng một loạt công nghệ máy tính - từ phần cứng đến phần mềm, hệ điều hành, các ứng dụng và Internet...

Cá nhân tôi, trong công việc hàng ngày, nếu thao tác văn bản, giao dịch điện tử và soạn giảng cũng như quản lý công việc không theo chuẩn IC3 thì vô cùng lạc hậu”. Đồng chí Nguyễn Vũ Hoàng, cán bộ Ban công tác Học sinh, sinh viên (ĐH Thái Nguyên) chia sẻ: “Mặc dù công việc đặc thù không sử dụng hết những kiến thức tin học theo chuẩn IC3, nhưng các loại văn bản, báo cáo hoặc quản lý công việc, tài liệu, dữ liệu… đều cần sử dụng bộ chuẩn kiến thức IC3, không trang bị những kiến thức, kỹ năng CNTT chuẩn thì công việc chắc chắn sẽ ùn tắc, nhất là những thời điểm đầu năm học, mùa thi, kỳ nghỉ và kể cả theo dõi các chế độ hồ sơ sinh viên…”.

 

Còn tiến sĩ Ngô Giang Nam, Phó Trưởng phòng Hành chính, Đại học Sư phạm Thái Nguyên sau khi hoàn thành sát hạch chương trình tin học IC3 cho biết: “Khi ĐHTN đã công bố chuẩn đầu ra thì đương nhiên có chứng chỉ IC3 là có thể tự tin bước vào công việc mà nhà tuyển dụng cần. Vì đã là tiêu chuẩn quốc tế, mà chúng ta đang tiến hành hội nhập quốc tế, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục thì phải cập chuẩn. Nếu không tự chúng ta đóng cánh cửa trí thức với thế giới và tụt hậu”.

 

Với những nỗ lực của từng đơn vị, đến nay Trường Đại học Kinh tế quản trị và Kinh doanh Thái Nguyên đã có trên 97% cán bộ, giảng viên đạt chuẩn tin học IC3; Đại học Khoa học đã có trên 70% đạt chuẩn, Đại học Kỹ thuật Công nghiệp gần 70%; Khoa Quốc tế có trên 80% cán bộ, giảng viên đã cập chuẩn. Toàn ĐH Thái Nguyên đã có trên 85% cán bộ, giảng viên hoàn thành chương trình đào tạo sẵn sang bước vào kỳ sát hạch. Đối với sinh viên, ngay từ năm học đầu tiên của khóa 2014-2015 này, các trường thành viên ĐH Thái Nguyên đã bố trí bồi dưỡng kiến thức tin học đại cương. Theo đó, kết thúc năm thứ 2, sinh viên đã có thể tham gia thi sát hạch theo chuẩn IC3. Đây chính là những tín hiệu khả quan để thực hiện thắng lợi mục tiêu chuẩn hóa tin học trong đội ngũ cán bộ, giảng viên ĐH Thái Nguyên và thực hiện công bố chuẩn đầu ra hàng năm toàn bộ các ngành nghề đào tạo của ĐH Thái Nguyên ngay trong năm 2015 này.