70% giảng viên chuyên ngoại ngữ đạt và vượt chuẩn

22:53, 12/03/2015

Ngày 12-3, Đại học Thái Nguyên (ĐHTN) đã tổ chức Hội nghị đánh giá chương trình thực hiện Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020. Tham dự hội nghị có các đồng chí lãnh đạo quản lý các đơn vị thành viên trực thuộc ĐHTN và toàn thể đội ngũ giảng viên chuyên ngoại ngữ của ĐHTN.

Theo lộ trình thực hiện kế hoạch Chuẩn hóa năng lực ngoại ngữ cho giảng viên chuyên ngữ và Chuẩn ngoại ngữ cho các loại hình đào tạo cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ của ĐHTN đến 2015, 100% giảng viên dạy chuyên ngữ (tiếng Anh và ngoại nữ khác theo quy định được quy đổi trình độ tương đương) phải đạt trình độ C1 trở lên, B1 đối với giảng viên có trình độ thạc sĩ, B2 đối với giảng viên có trình độ tiến sĩ, A2 đối với sinh viên không chuyên ngữ hệ cử nhân. Để thực hiện mục tiêu này, ngay từ năm 2013, các cơ sở đào tạo trong toàn Đại học đã triển khai đến cả đội ngũ giáo viên chuyên ngoại ngữ, không chuyên và trong sinh viên. Tuy nhiên theo kết quả khảo thí, đánh giá, đến nay mới chỉ có gần 70% đội ngũ giáo viên chuyên ngoại ngữ đạt và vượt chuẩn, trên 44% sinh viên hệ cử nhân đạt chuẩn A2 sau khi tham gia kiểm tra đánh giá năng lực.

 

Đối với đội ngũ giảng viên không chuyên ngữ hiện mới chỉ có các trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp, Đại học Kinh tế-Quản trị kinh doanh, Đại học Nông Lâm, Khoa Quốc tế đã triển khai dạy học chuyên ngành các chương trình tiên tiến bằng ngoại ngữ cho sinh viên trong nước và quốc tế. Để thực hiện được mục tiêu của Đề án ngoại ngữ ngay trong năm 2015 này, các trường đã xây dựng các chương trình bồi dưỡng tăng cường cho giảng viên và sinh viên, kịp thời hỗ trợ kinh phí cho các nhóm đối tượng là sinh viên nghèo, hộ khẩu vùng khó khăn… có thêm cơ hội học tập và ôn luyện. Theo kết quả đánh giá khảo thí, mỗi kỳ thi, thí sinh đều có sự chuẩn bị kỹ về kiến thức và không khó khăn để đạt kết quả tốt khi thi. Song tại Hội nghị, đại biểu đã đề xuất cần dạy học và đánh giá năng lực ngoại ngữ đúng thực chất hơn, tránh tình trạng học theo hình thức thuộc lòng, học chỉ để thi láy chứng chỉ, mà sau khi đạt chuẩn phải sử dụng được trong môi trường làm việc sau này. Chính vì vầy, cần tập trung xây dựng hệ thống ngân hàng đề thi chuẩn, liên tục đổi mới nội dung dạy học và công tác ra đề. Bên cạnh đó ĐHTN cần quan tâm đến việc xây dựng môi trường ngoại ngữ ngay tại các trường, thông qua các hoạt động liên kết đào tạo, thực tập của sinh viên nước ngoài.