Chỉ còn gần 4 tháng nữa 10.690 học sinh (HS) khối 12 của toàn tỉnh bước vào kỳ thi THPT quốc gia 2015. Đây là lần đầu tiên Bộ GD&ĐT quyết định gộp kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ thành kỳ thi quốc gia chung.
Hiện, các trường THPT trong toàn tỉnh đang tập trung tổ chức ôn tập để đạt kết quả cao trong kỳ thi tới. Nhưng trước nhiều điểm mới của kỳ thi quan trọng này, tâm trạng lo lắng, băn khoăn của cán bộ, giáo viên, HS vẫn không thể tránh khỏi…
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, HS chỉ tham gia một kỳ thi và dựa trên kết quả đó cùng với điểm trung bình trong quá trình học tập lớp 12 để xét tốt nghiệp THPT. Theo quy định, HS sẽ phải thi tối thiểu 4 môn để xét tốt nghiệp gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một môn tự chọn trong số 5 môn: Địa lý, Sinh học, Hóa học, Vật lý và Lịch sử. Ngoài ra, HS có thể đăng ký thêm môn tự chọn để lấy kết quả xét tuyển vào các ngành học của các trường theo nhu cầu. Trước sự thay đổi lớn về phương thức tổ chức kỳ thi, cũng như lựa chọn môn thi đã khiến các em HS không khỏi lo lắng. Để giảm áp lực, cũng như chuẩn bị kiến thức cho các em có điều kiện làm bài thi đạt kết quả cao, ngay từ đầu năm học, bên cạnh việc đảm bảo số giờ lên lớp theo quy định, nhiều trường THPT trên địa bàn tỉnh đã tổ chức phụ đạo trái buổi đối với 3 môn thi bắt buộc là Toán, Văn và Ngoại ngữ.
Theo đồng chí Trần Thị Mỹ Quang, Trưởng phòng Giáo dục Phổ thông, Sở GD & ĐT: Sở đã có công văn chỉ đạo ôn tập và giảng dạy theo hướng đáp ứng cho kỳ thi “2 trong 1” sắp tới ngay từ đầu năm học. Chúng tôi chỉ đạo các nhà trường tổ chức nghiêm túc việc kiểm tra, đánh giá, xếp loại HS trong từng học kỳ và cả năm học theo đúng quy chế đảm bảo khách quan, trung thực, công bằng, đánh giá đúng năng lực thực chất của HS. Các trường THPT đã lập kế hoạch chi tiết cho việc ôn tập các môn thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ. Ngoài 4 môn thi tối thiểu, HS có thể đăng ký thêm các môn khác trong số các môn tự chọn để có thêm cơ hội xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Trên cơ sở môn thi của HS, các trường chủ động lập kế hoạch tổ chức ôn tập cho HS khối 12. Căn cứ vào hướng dẫn của Bộ GD & ĐT về cấu trúc đề thi, các trường rà soát lại chương trình toàn cấp cho mỗi môn học, tham khảo các đề thi tốt nghiệp THPT, đề tuyển sinh ĐH, CĐ của Bộ GD&ĐT những năm gần đây từ đó lập ma trận đề kiểm tra và xây dựng ngân hàng đề cho các môn thi tốt nghiệp THPT thỏa mãn các yêu cầu sau: Đề kiểm tra đánh giá HS ở 4 mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao, đảm bảo phân hóa trình độ HS. Đề kiểm tra, đánh giá đều hướng tới phát triển năng lực của HS; trong đó có những năng lực chung và những năng lực riêng đáp ứng cho từng môn học. Chủ động kết hợp một cách hợp lý, phù hợp giữa hình thức kiểm tra tự luận với trắc nghiệm khách quan, giữa kiểm tra lý thuyết và thực hành trong các bài.
Để “tập dượt” chuẩn bị cho kỳ thi 2 trong 1, nhiều trường đã tổ chức thi hết môn kết thúc học kỳ I đối với khối lớp 12 tổ chức như thi đại học để các em có cơ hội làm quen với kỳ thi Quốc gia “2 trong 1”. Đồng chí Phan Vĩnh Thái, Hiệu trưởng Trường THPT Dương Tự Minh cho biết: Để chuẩn bị cho HS tâm thế tốt nhất trước kỳ thi THPT quốc gia, từ tháng 10-2014, Nhà trường đã phân công giáo viên ôn tập trái buổi cho HS 3 môn thi bắt buộc, với số lượng 3 buổi/tuần, mỗi buổi 3 tiết. Kết thúc học kỳ I, Trường đã tổ chức cho HS đăng ký ôn các môn tự chọn theo nguyện vọng và bắt đầu tổ chức ôn tập được hơn 1 tháng. Theo đó, ngoài 3 môn thi bắt buộc, trong số 220 HS khối 12 có 30 em đăng ký ôn môn Vật lý, 29 em đăng ký ôn thi môn Hóa học, 25 em đăng ký ôn môn Lịch sử, 23 em đăng ký ôn môn Sinh học và 11 em đăng ký ôn môn Địa lý. Trường chỉ đạo các tổ chuyên môn phân công những giáo viên có năng lực, tâm huyết để đứng lớp ôn tập cho các em.
Quan sát giờ ôn tập môn Ngữ văn của lớp 12A5 chúng tôi thấy các em HS học tập rất hào hứng. Trao đổi với chúng tôi cô giáo Đào Khánh Vân, Chủ nhiệm lớp cho biết: Với quy định của kỳ thi “2 trong 1” năm nay, riêng môn Ngữ Văn chúng tôi xây dựng nội dung ôn tập thay đổi rất nhiều so với năm học trước. Cụ thể, nội dung của môn có sự tích hợp kiến thức từ chương trình THCS đến hết lớp 12 của 3 phân môn là Tiếng việt, Văn và làm văn. Trong đó đặc biệt chú trọng kiến thức nghị luận xã hội, các sự vật, hiện tượng, các vấn đề mang tính thời sự của đời sống. Đặc biệt, chúng tôi còn vận dụng kiến thức liên môn vào giúp các em HS thông hiểu có thể giải quyết các tình huống thực tiễn đặt ra trong bài.
Tại Trường THPT Trần Phú (Võ Nhai), Nhà trường cũng đã tổ chức cho 114 HS khối 12 ôn tập 3 môn thi bắt buộc ngay từ đầu năm. Theo cô giáo Âu Thị Huế, Phó Hiệu trưởng Nhà trường: Năm học trước, trong tổng số 132 HS khối 12 chỉ có trên 20 em đăng ký thi ĐH, CĐ. Năm học này, sau khi Bộ GD & ĐT có chủ trương tổ chức kỳ thi THPT quốc gia thăm dò cho thấy đa số HS khối 12 của Trường đều chỉ có nguyện vọng thi lấy kết quả tốt nghiệp. Mặc dù vậy, lãnh đạo Nhà trường yêu cầu các giáo viên chủ nhiệm làm tốt công tác tư vấn cho các em HS khối 12 để các em có những lựa chọn phương án thi đúng đắn, cũng như tổ chức hiệu quả công tác ôn tập để các em củng cố và trang bị cho mình những kiến thức cần thiết.
Trao đổi với chúng tôi, Lê Thị Thủy, lớp 12A5, Trường THPT Dương Tự Minh cho rằng: Nhìn chung, quy chế của kỳ thi quốc gia chung có nhiều điểm thuận lợi cho HS chúng em. Điều băn khoăn nhất ở quy chế thi mới này của em là trước đây đề thi của 2 kỳ tốt nghiệp THPT, ĐH là riêng lẻ, có sự phân cấp rõ ràng. Bây giờ gộp 2 kỳ thi làm một, em lo lắng không biết mức độ khó - dễ của đề sẽ ra sao và làm thế nào phân loại học sinh tốt nghiệp THPT với HS thi ĐH được.
Một vấn đề cũng khiến lãnh đạo các trường THPT băn khoăn là chương trình năm học sẽ kết thúc vào cuối tháng 5 nhưng phải đến tháng 7 kỳ thi mới diễn ra. Trong khoảng thời gian từ lúc kết thúc năm học đến khi thi, các trường có tiếp tục tổ chức ôn tập cho HS hay không?, nếu đã là kết thúc năm học, HS nghỉ ở nhà liệu các gia đình liệu có quản lý được các em không…
Trước nhiều điểm mới của kỳ thi quan trọng này, tâm trạng lo lắng, băn khoăn của cán bộ, giáo viên, HS là không thể tránh khỏi. Song với sự chủ động, sáng tạo, nỗ lực của thầy trò các nhà trường, hy vọng kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 HS của tỉnh Thái Nguyên sẽ đạt kết quả tốt - Kỳ thi được cho là đổi mới một cách toàn diện, mang tính đột phá của ngành giáo dục.