Vinh dự và tự hào, Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc đã 3 lần được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm vào các mùa Xuân năm 1960, 1962 và 1964.
Với những đóng góp xuất sắc cho sự nghiệp giáo dục nói chung, giáo dục con em đồng bào các dân tộc thiểu số nói riêng, đến nay, Nhà trường lại vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Đây là một mốc son của Nhà trường, đồng thời cũng đặt ra trách nhiệm nặng nề đối với đội ngũ thầy, cô giáo và các em học sinh trong chặng đường phát triển tiếp theo.
Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc tiền thân là Trường Thiếu nhi rẻo cao Khu tự trị Việt Bắc, được thành lập năm 1957. Trường đảm nhận trách nhiệm đào tạo nguồn cán bộ dân tộc thiểu số cho các tỉnh miền núi phía Bắc, với 3 hệ đào tạo: Hệ THCS dành cho học sinh (HS) dân tộc rất ít người (như: Ngái, Lự, Mảng, Cơ Lao, La Hủ, Si La, La Chí, Pu Péo...); hệ THPT nội trú và hệ dự bị đại học dân tộc.
Ngay thời gian đầu mới thành lập, Nhà trường đã được nhận vinh dự lớn lao: 3 lần đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm vào các mùa Xuân năm 1960, 1962 và 1964. Lần đầu tiên Bác đến thăm vào ngày 13-3-1960, cả Trường rộn lên trong niềm hân hoan khôn xiết. Tất cả thầy, trò đứng quanh Bác, nghe lời Bác căn dặn: “…Các cháu phải ngoan ngoãn nghe lời thầy cô dạy bảo, phải chịu khó học tập để sau này có khả năng xây dựng bản làng, phục vụ các dân tộc...”. Bác còn căn dặn các thầy, cô giáo và cán bộ, công nhân viên Nhà trường: “...Phải chăm sóc các cháu như người cha, người mẹ, người anh, người chị. Phải có tình thương yêu dạy dỗ chu đáo, phải chú ý chăm sóc đời sống sức khỏe của các cháu để làm sao cho các mầm non đó phát triển ngày càng xanh tươi, sau này các cháu sẽ trở thành cán bộ tốt của các dân tộc”. Lời Bác căn dặn đã được các thế hệ cán bộ, giáo viên, HS Nhà trường trân trọng khắc ghi trong tim và coi đó là phương châm, là mục tiêu, nhiệm vụ phải phấn đấu thực hiện.
Trải qua gần 58 năm xây dựng và phát triển, Nhà trường đã thực sự khẳng định được vị thế trong khối các trường dân tộc nội trú toàn quốc, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần tạo nguồn nhân lực có trình độ, đóng góp hiệu quả vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh miền núi phía Bắc. Trong 10 năm trở lại đây, Nhà trường đã đào tạo được hơn 25.000 HS là con em của 32 dân tộc thiểu số thuộc 21 tỉnh miền núi từ Quảng Bình trở ra, trong đó có nhiều HS thuộc dân tộc rất ít người (như: Ngái, Lự, Mảng, Si La, Cơ Lao, La Chí, La Hủ, Cống, Pu Péo, Bố Y…).
Tỷ lệ HS thi đỗ tốt nghiệp hàng năm trung bình đạt 98%; tỷ lệ thi đỗ vào các trường đại học, dự bị đại học, cao đẳng đạt trên 90%, trong đó có nhiều HS dân tộc rất ít người thi đỗ đại học. Số HS dân tộc ít người đạt danh hiệu HS giỏi Quốc gia tăng qua từng năm học. Hầu hết các em đang công tác ở khắp mọi miền của Tổ quốc, không chỉ đem ánh sáng văn hóa đến những bản làng xa xôi mà nhiều người đã trở thành những cán bộ giỏi, đảm đương các vị trí lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương.
Để đáp ứng nhu cầu giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) trong thời kỳ đổi mới, Nhà trường đặc biệt chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên giỏi về chuyên môn, có kỹ năng sư phạm tốt và vững vàng về chính trị; đồng thời đổi mới toàn diện nhằm nâng cao chất lượng dạy và học, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước giao phó. Nhà trường là đơn vị tiên phong trong việc thực hiện tốt nhiệm vụ GD&ĐT, đồng thời luôn sẵn sàng gánh vác và thực hiện tốt những nhiệm vụ khó khăn mới. Cùng với thực hiện nhiệm vụ đào tạo hệ phổ thông, từ sau năm 2003, Bộ GD&ĐT đã tin tưởng giao thêm cho Trường nhiệm vụ dạy hệ dự bị đại học dân tộc với chỉ tiêu năm sau cao hơn năm trước. Đến nay, Nhà trường đã có gần 3.200 em tốt nghiệp hệ dự bị đại học và đều đủ điều kiện vào học tại các trường đại học.
Từ năm học 2004-2005, trước yêu cầu về đội ngũ cán bộ có trình độ văn hóa cao cho đồng bào các dân tộc thiểu số đặc biệt ít người, Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc đã được Bộ GD&ĐT giao cho nhiệm vụ đào tạo học sinh là con em các dân tộc rất ít người (như: Ngái, Lự, Mảng, Cơ Lao, La Chí, La Hủ, Cống, Bố Y…, có dân tộc hiện nay dân số dưới 1.000 người như Si La, Pu Péo thuộc các tỉnh Lai Châu, Hà Giang, Điện Biên, Sơn La vào học tập tại Trường từ lớp 9). Hầu hết các em HS này đều chưa nói, viết thạo tiếng Việt nên việc giảng dạy và giáo dục gặp rất nhiều khó khăn.
Vì vậy, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường đã quyết tâm trong chỉ đạo, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, chăm lo đời sống sinh hoạt, nắm bắt tâm lý, quan tâm tới đời sống của các em; cử các giáo viên giàu kinh nghiệm, tâm huyết, có sự hiểu biết sâu về tâm lý, đặc điểm của HS dân tộc thiểu số làm chủ nhiệm và giảng dạy các lớp đặc biệt này. Nhờ sự nỗ lực và quyết tâm cao, tính đến nay Nhà trường đã tuyển sinh và đào tạo được 207 HS có trình độ văn hóa từ lớp 9 thuộc các tỉnh Lai Châu, Hà Giang, nhiều em đã thi đỗ vào các trường đại học, có 1 em tham dự kỳ thi HS giỏi Quốc gia và đoạt giải.
Về chất lượng đào tạo của Trường ngày càng được nâng lên. Năm học 1994-1995, Nhà trường mới bắt đầu có HS tham dự kỳ thi chọn HS giỏi Quốc gia và chỉ có 1 em đoạt giải. Những năm học sau đó, số HS giỏi đoạt giải cấp Quốc gia của Trường năm sau luôn cao hơn năm trước. Đến nay đã có 260 HS dân tộc thiểu số của Trường đoạt giải trong các kỳ thi chọn HS giỏi Quốc gia, trong đó nhiều em đoạt giải nhất, nhì, một số em thuộc các dân tộc rất ít người như Lự, Mông, Dao, Sán Chí...
Với những thành tích đạt được, Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc đã được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều danh hiệu và phần thưởng cao quý: 1 Huân chương Lao động hạng Ba (năm 1983); 1 Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 1989); 1 Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 1997); 1 Huân chương Độc lập hạng Ba (năm 2002); 1 Huân chương Độc lập hạng Nhì (năm 2012). Đảng bộ Nhà trường liên tục được công nhận danh hiệu Đảng bộ trong sạch, vững mạnh và vững mạnh tiêu biểu.
Nhà trường liên tục được công nhận danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc; nhiều cán bộ, giáo viên được phong tặng các danh hiệu cao quý: Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú, Chiến sĩ thi đua toàn quốc… Đặc biệt, với những đóng góp xuất sắc cho sự nghiệp giáo dục nói chung, giáo dục con em đồng bào các dân tộc thiểu số nói riêng, trong dịp này, Nhà trường rất vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Đây là một mốc son của Nhà trường, đồng thời cũng đặt ra trách nhiệm rất nặng nề đối với đội ngũ thầy, cô giáo và các em HS những thế hệ tiếp theo để tiếp tục tô thắm thêm trang sử vàng truyền thống của Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc.