Nằm trong lộ trình đổi mới đồng bộ phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá ở các trường phổ thông theo định hướng phát triển năng lực của học sinh (HS), Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường dạy học theo hướng “tích hợp, liên môn”.
Ngành Giáo dục của tỉnh cũng đã chỉ đạo các trường phổ thông thực hiện hiệu quả chủ trương này. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn không ít băn khoăn…
Trao đổi cùng chúng tôi, thầy Cao Văn Tiến, Hiệu trưởng Trường THPT Gang Thép cho biết: Ngay sau khi Bộ GD & ĐT triển khai dạy học theo hướng tích hợp, Nhà trường đã quán triệt đến toàn thể đội ngũ giáo viên, HS; giao cho các tổ chuyên môn xây dựng kế hoạch thực hiện căn cứ vào phân bố chương trình. Dạy học tích hợp là đưa những nội dung giáo dục có liên quan vào quá trình dạy học các môn học. Nếu như chủ đề đơn môn chỉ là kiến thức thuộc về một môn học nào đó thì liên môn đề cập đến kiến thức liên quan đến hai hay nhiều môn học. Về phương pháp và hình thức tổ chức dạy học thì không có gì khác biệt. Điều quan trọng là dạy học nhằm phát triển năng lực HS đòi hỏi phải tổ chức hoạt động học tích cực, tự lực và sáng tạo cho HS, mà các hoạt động ấy phải được tổ chức ở trong và ngoài lớp, đặc biệt quan tâm đến hoạt động thực hành và ứng dụng kiến thức vào giải quyết những vấn đề thực tiễn.
Thực tế tại một số nhà trường chúng tôi nhận thấy đối với giáo viên khi mới thực hiện dạy học tích hợp gặp một số khó khăn do việc phải tìm hiểu sâu hơn những kiến thức thuộc các môn học khác. Tuy nhiên, theo cô giáo Nguyễn Thị Thu Trang, Tổ trưởng Tổ Hóa-Sinh, Trường THPT Gang Thép: Khó khăn này chỉ là bước đầu và có thể khắc phục được bởi trong quá trình dạy học môn học của mình, giáo viên vẫn thường xuyên phải dạy những kiến thức có liên quan đến các môn học khác và vì vậy đã có sự am hiểu về những kiến thức liên môn đó. Hai là, với việc đổi mới phương pháp dạy học hiện nay, vai trò của giáo viên không còn là người truyền thụ kiến thức mà là người tổ chức, kiểm tra, định hướng hoạt động học của HS cả ở trong và ngoài lớp học. Vì vậy, giáo viên các bộ môn liên quan có điều kiện và chủ động hơn trong sự phối hợp, hỗ trợ nhau trong dạy học. Như vậy, dạy học theo các chủ đề tích hợp không những giảm tải cho giáo viên trong việc dạy các kiến thức liên môn trong môn học của mình mà còn có tác dụng bồi dưỡng, nâng cao kiến thức và kĩ năng sư phạm cho giáo viên, góp phần phát triển đội ngũ giáo viên bộ môn hiện nay thành đội ngũ giáo viên có đủ năng lực dạy học kiến thức liên môn, tích hợp.
Nếu như năm học 2012-2013 - Năm đầu tiên Sở GD&ĐT tổ chức cuộc thi dạy học theo chủ đề tích hợp toàn tỉnh có 90 bài của cán bộ, giáo viên các trường phổ thông dự thi cấp tỉnh, thì nùm hoåc 2013-2014 nâng lên 364 bài và năm học này 2014-2015 con số tăng lên gần gấp đôi 630 bài dự thi. Trong số bài đạt giải cao cấp tỉnh được chọn thi cấp quốc gia của 2 năm học qua, đaä coá 19 baâi thi đạt giải (6 giải Ba và 13 giải Khuyến khích). |
Còn theo cô giáo Lâm Nguyễn Thu Hiền, Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh: Về thực chất thì không có nhiều khó khăn cả về kiến thức lẫn phương pháp dạy học. Cụ thể như môn Địa lý để giúp HS học tốt thì phải vận dụng hiệu quả những kiến thức của các môn học khác như: Sinh học, Lịch sử… Lật giở đề tài “Tích hợp kiến thức giáo dục bảo vệ môi trường trong một số bài học môn Địa lý lớp 10” mà cô Hiền soạn giảng chúng tôi nhận thấy, những phương pháp tích hợp kiến thức giáo dục bảo vệ môi trường được đưa vào trong một số bài học môn Địa lí lớp 10 là phương pháp đàm thoại gợi mở, sử dụng các phương tiện trực quan (sử dụng bản đồ, tranh ảnh, băng hình cung cấp tri thức cho học sinh) cuối cùng là nêu cũng như giải quyết vấn đề.
Phương pháp này không chỉ giúp HS kiểm nghiệm các kiến thức đã học trên lớp, đồng thời còn đi sâu, tìm hiểu bản chất của hiện tượng của môi trường tự nhiên, nhân tạo; hiểu mối quan hệ tác động qua lại giữa con người với môi trường, những vấn đề nảy sinh do các hoạt động của con người gây ra với môi trường những nguy cơ tiềm ẩn mà con người ngày càng phải thực hiện.
Nhìn chung việc dạy học theo hướng tích hợp, liên môn tuy giáo viên có vất vả hơn trong việc chuẩn bị giáo án, nhưng hiệu quả trong giảng dạy mang lại được đánh giá là rất tốt. Theo Nguyễn Thị Lan, HS lớp 12A2, Trường THPT Gang thép: Học các chủ đề tích hợp, liên môn, chúng em được tăng cường vận dụng kiến thức tổng hợp vào giải quyết các tình huống thực tiễn, ít phải ghi nhớ kiến thức một cách máy móc. Các chủ đề tích hợp, liên môn có tính thực tiễn nên giờ học rất sinh động, hấp dẫn, tạo hứng thú trong học tập đối với HS. Điều quan trọng hơn là các chủ đề tích hợp, liên môn giúp cho HS không phải học lại nhiều lần cùng một nội dung kiến thức ở các môn học khác nhau, vừa gây quá tải, nhàm chán, vừa không có được sự hiểu biết tổng quát cũng như khả năng ứng dụng của kiến thức tổng hợp vào thực tiễn. Còn theo La Thanh Tùng, HS lớp 12A1, Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh cho biết: “Từ ngày Nhà trường triển khai việc dạy học theo hướng tích hợp, liên môn chúng em rất hào hứng. Cụ thể như bài học “Môi trường và sự phát triển bền vững”, từ những kiến thức cô giáo truyền đạt em nắm được có thể vận dụng ngay vào cuộc sống hằng ngày. Cụ thể trong sinh hoạt, đơn giản như việc uống nước, trước đây có thể rót cả cốc, uống 1 ngụm rồi đổ đi. Giờ thì em đã hiểu phải tiết kiệm từ những việc nhỏ nhất, mình uống bao nhiêu thì rót vừa đủ”.
Trao đổi với một số thầy cô chúng tôi được biết: Khó khăn của giáo viên hiện nay nếu có chỉ là vấn đề tâm lí. Một số thầy cô tuổi đã cao đã quen nếp dạy rất ngại đổi mới. Mặt khác, tuy đã triển khai việc dạy học theo hướng tích hợp, liên môn được gần 3 năm nay nhưng ngành chưa tổ chức được các buổi hội thảo chuyên môn để các nhà trường cùng chia sẻ những bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện và những vấn đề cần rút kinh nghiệm nếu có. Các thầy cô cũng đề nghị Sở GD & ĐT nên sao in các giáo án mẫu đã giải cao toàn quốc gửi cho các nhà trường để cùng nhau học tập để thực hiện hiệu quả hơn chủ trương này.
Đem những băn khoăn của giáo viên trao đổi với đồng chí Trần Thị Mỹ Quang, Trưởng phòng Giáo dục phổ thông Sở GD & ĐT, đồng chí Quang khẳng định: Trước nhiều điểm mới trong phương pháp, cách thức dạy học những băn khoăn, thậm chí cả sự lo lắng của cán bộ, giáo viên là không tránh khỏi. Sau gần 3 năm học triển khai thực hiện chúng tôi nhận thấy các nhà trường đã tích cực, chủ động, sáng tạo trong triển khai thực hiện. Điều đó minh chứng qua việc tham gia cuộc thi dạy học theo chủ đề tích hợp 3 năm qua số lượng đề tài và chất lượng đã được nâng lên. Từ kết quả thực tế, tới đây chúng tôi sẽ tham mưu cho lãnh đạo Sở tổ chức hội thảo để đánh giá lại kết quả thực hiện bước đầu để rút ra những bài học kinh nghiệm, cũng như nhìn nhận những hạn chế để khắc phục. Song từ thực tế triển khai của các nhà trường thời gian qua cho thấy đội ngũ cán bộ, giáo viên, HS đã rất nỗ lực tích cực đổi mới, đây sẽ là tiền đề thuận lợi cho việc triển khai thực hiện đổi mới chương trình và SGK giáo dục phổ thông sau năm 2015.