Học phải đi đôi với thực hành

15:34, 18/03/2015

Với cách tiếp cận: Học ngoại ngữ để sử dụng trong hoạt động chuyên môn của Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp (Đại học Thái Nguyên) bước đầu đã đem lại những thành công.

 Đến nay, 93% cán bộ, giảng viên giảng dạy lý thuyết đạt chuẩn tiếng Anh Toefl-ITP 450 điểm trở lên, trong đó trên 50% đã đạt mức trên 500 điểm.

 

Năm 2014, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên được Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá là một trong những trường đại học dẫn đầu khối không chuyên về ngoại ngữ của cả nước trong việc triển khai Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 (Dạy và học Ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020). Đạt được kết quả này là những nỗ lực của toàn Trường với quyết tâm đổi mới gắn liền với hội nhập quốc tế. Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Ưu tú Phan Quang Thế, Hiệu trưởng Nhà trường chia sẻ: “Đổi mới căn bản và toàn diện thì phải chuẩn hóa theo quốc tế và để không bị tụt hậu trong bối cảnh hội nhập quốc tế thì học và sử dụng ngoại ngữ (trong đó tiếng Anh) là chìa khóa để đưa Nhà trường vượt ra khỏi biên giới quốc gia bắt kịp với những thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến trên thế giới. Chính vì vậy, Nhà trường luôn xác định mục tiêu đạt chuẩn tiếng Anh phải đi trước một bước”.

 

Bắt tay vào triển khai Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 từ năm 2011, Nhà trường đã gặp phải những khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ, môi trường dạy và học ngoại ngữ… Nhưng khó khăn nhất là thay đổi nhận thức trong toàn Trường về học ngoại ngữ. nhiều luồng tư tưởng còn trái chiều, như: Tài liệu, giáo trình tiếng Việt học trên lớp đọc còn chưa hết, lại lần mò dịch từng chữ tiếng Anh. Dịch không đúng, nắm không rõ kiến thức còn bị sai… Tuy nhiên, để thay đổi tư duy dạy và học, Nhà trường đã chấn chỉnh lại toàn bộ quy trình đào tạo, nghiên cứu khoa học, trong đó 100% giảng viên phải công bố giáo trình và bài giảng trước khi lên lớp qua hệ thống quản lý điện tử nội bộ Trường để Hội đồng Khoa học Nhà trường theo dõi; sinh viên được tham khảo và chủ động tìm tài liệu nghiên cứu, hạn chế tối đa việc dạy học một chiều và dạy “chay” theo giáo án lưu cữu năm này qua năm khác. Tiếp đó là bổ sung các giáo trình mới bằng tiếng Anh của các nhà khoa học có tên tuổi được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế và đang dạy học tại các trường đại học ở Hoa Kỳ, Hàn Quốc và một số nước tiên tiến.

 

Căn cứ vào chất lượng từng giáo án và mức độ sử dụng kiến thức mới, Nhà trường xây dựng bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên. Chính từ cách làm này, đội ngũ cán bộ, giảng viên trong Trường đã thấy được tính cấp thiết của việc đổi mới phương pháp dạy học, nghiên cứu khoa học và tự xác định cho bản thân là “muốn có chất lượng đào tạo chuẩn quốc tế thì người thầy phải cập chuẩn trước, trong đó có tiếng Anh”. Thạc sĩ Bùi Quang Hưng, giảng viên Khoa Cơ khí cho biết: “Đọc những tài liệu, giáo trình trước đây thì tính hàn lâm cao và nặng về lý thuyết. Khi tiếp cận những giáo trình mới của các trường đại học Hoa Kỳ, Hàn Quốc… đa số đề cập tính ứng dụng tích hợp nhiều kiến thức vào một nội dung, nhất là phần tự động hóa…Thực tế ứng dụng trong đời sống cũng đang cần nhiều những ứng dụng như vậy, nên chúng tôi phải nghiên cứu, tham khảo và tìm hiểu những giáo trình như vậy để giới thiệu với sinh viên trong mỗi bài giảng”.

 

Song song với việc đẩy mạnh chương trình chuẩn hóa ngoại ngữ, năm 2012, Trường được Đại học Thái Nguyên giao triển khai đào tạo 2 chương trình tiên tiến nhập khẩu, đó là chương trình đại học Kỹ thuật điện, Kỹ thuật cơ khí và một chương trình Kỹ thuật điện tử liên kết với đại học của Hàn Quốc bằng tiếng Anh. Chính từ những yêu cầu làm chủ công nghệ, kiến thức và thuần thục tiếng Anh mới đáp ứng được yêu cầu đào tạo của chương trình tiên tiến đã thôi thúc đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên phải cập chuẩn. Để đáp ứng được yêu cầu về học thuật, nhất là tiếng Anh, Nhà trường đã đưa khoảng 40 giảng viên sang Mỹ tập huấn từ 2-3 tháng về học thuật chuyên môn và rèn luyện tiếng Anh; hàng chục cán bộ chủ chốt làm quản lý của Trường cũng được đưa sang đó học tiếng Anh mỗi năm. Đặc biệt, từ năm 2012 đến nay, Trường đã đón nhận gần 200 lượt chuyên gia nước ngoài đến tham gia giảng dạy, nghiên cứu, liên kết hợp tác đào tạo, nên đã tạo một môi trường rèn luyện tiếng Anh thường xuyên và liên tục.

 

Kết qua, hết năm 2014, toàn Trường đã có trên 93% cán bộ, giảng viên phổ cập  tiếng Anh Toefl ITP 450 điểm, trong đó, 100% giảng viên đều đạt và vượt mức này; riêng Khoa Quốc tế, 100% giảng viên phổ cập Toefl ITP 550 điểm và phấn đấu hết năm 2015 sẽ đạt Toefl iBT 79 điểm trở lên. Đối với toàn bộ cán bộ, giảng viên, Trường phấn đấu hết năm 2015, sẽ phổ cập 500 Toefl ITP cho toàn trường. Đối với sinh viên, Trường đã thay đổi hoàn toàn cách tổ chức dạy học, không học tiếng Anh rải rác vài tín chỉ một, mà tổ chức cho sinh viên chỉ học tiếng Anh liên tục trong một học kỳ, những học kỳ sau học bổ sung. Học kỳ I năm học 2013-2014, Trường đã tổ chức cả một học kỳ chủ yếu là tiếng Anh miễn phí cho 700 tân sinh viên. Chính vì vậy, từ năm 2014, toàn bộ sinh viên của Trường tốt nghiệp đều đạt chuẩn ngoại ngữ Toefl ITP 390 điểm. Theo lộ trình thực hiện Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020, mỗi một năm xét sinh viên tốt nghiệp, Nhà trường sẽ tăng lên 10 điểm và đến năm 2021, sinh viên sẽ đạt 450 điểm đúng yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

 

Thực hiện Đề án 2020, Nhà trường đặc biệt lưu ý là tính bền vững của việc giữ chuẩn và nâng chuẩn ngoại ngữ. Với quan điểm: Giảng viên đạt được chuẩn tiếng Anh nhưng phải dùng được tiếng Anh vào trong công việc, vào giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Do đó, quy tắc đặt ra cho mỗi giảng viên của Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên là học tới đâu phải dùng tới đó. Giảng viên phải dùng sách giáo khoa tiếng Anh để soạn thành bài giảng, sau đó cung cấp cho sinh viên. Sinh viên muốn tham khảo thêm thì phải đọc sách tiếng Anh. Đến nay, 29 ngành đào tạo của Trường đều đã được điều chỉnh bổ sung giáo trình bằng tiếng Anh của các nước Anh, Hoa Kỳ, Đức, Hàn Quốc. Đặc biệt, hiện tại đã có gần 80% giảng viên của Trường sử dụng giáo trình viết bằng tiếng Anh và soạn bài, ra bài tập cho sinh viên bằng tiếng Anh, 100% giảng viên sử dụng phương tiện E-Learning tương tác thầy - trò ngoài giờ học trên lớp để trao đổi kiến thức, chữa bài tập mẫu và đánh giá năng lực học tập, nghiên cứu khoa học, mức độ sử dụng ngoại ngữ… Trong năm 2014, Nhà trường có gần 200 bài báo nghiên cứu khoa học được công bố trên các tạp chí khoa học trong nước và quốc tế thông qua công cụ ngôn ngữ tiếng Anh, bước đầu đã tạo được nhiều liên kết đào tào và được mời tham dự trên 20 hội thảo khoa học quốc tế.

 

Tại Hội thảo về xây dựng mô hình điểm về dạy và học ngoại ngữ trong các trường đại học và cao đẳng được tổ chức tại Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên tháng 1-2015, sau khi khảo sát thực tế, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển đã nhận định: “Điển hình không phải là những đơn vị có điều kiện thuận lợi nhất mà là những đơn vị có những giải pháp phù hợp nhất để nhanh tiến tới đích theo mục tiêu của Đề án. Quan trọng là học để phục vụ công việc từ đòi hỏi thực tế xu thế hội nhập quốc tế”.