Những người gieo chữ giữa rừng Bồ Cu

17:36, 20/03/2015

Dù ở nơi không điện, không ti vi, không sóng điện thoại, đường xá đi lại vô cùng khó khăn nhưng những giáo viên đang công tác tại điểm trường Tiểu học xóm Nác không quản ngại gian khổ, kiên trì bám trụ, cống hiến sức trẻ của mình với cho sự nghiệp “trồng người”nơi giữa rừng.

Tâm sáng của người làm thày

 

Điểm trường Tiểu học xóm Bản Nác, xã Liên Minh (Võ Nhai) nằm lọt thỏm,heo hút  dưới những tán rừng của dãy núi Bồ Cu. Để vào được đây, chúng tôi phải đi bộ gần 60 phút và vượt qua những con dốc đứng trơn trượt. Hơn 11 giờ trưa nhưng cô giáo trẻ Hoàng Ngọc Quỳnh (giáo viên chủ nhiệm lớp 1) vẫn đang miệt mài dạy các em học sinh lớp 1 đánh vần. Giữa rừng thanh vắng nên tiếng những em học sinh là người dân tộc thiểu số đánh vần từng chữ theo cô giáo đều đều và vang vọng như xóa tan đi cái tĩnh mịch, giá lạnh của núi rừng. Cô Quỳnh (sinh năm 1992) là giáo viên trẻ nhất ở đây chia sẻ: Ngày từ khi học xong chuyên nghiệp, tôi đã đăng kí vào dạy tại điểm trường này. Vào mùa mưa, các thầy cô giáo ở đây chỉ đi bộ vào dạy hoặc phải ở lại trường hàng tuần mới ra trung tâm xã một lần. Nơi này không có điện, không sóng điện thoại... khó khăn đủ thứ. Thời gian đầu thấy vất vả, cực nhọc vì giao thông quá khó khăn, cơ sở trường lớp thiếu thốn đủ thứ nhưng rồi cũng dần quen…  

 

 Trong căn bếp chật hẹp, mọi người lục cục nồi niêu để thổi cơm trưa. Bên bếp lửa, những cây củi ướt sũng làm khói chảy nước mắt, chúng tôi cùng các cô giáo ngồi vây quanh hơ tay cho đỡ cóng. Cô Nghiêm Thị Thanh Tâm, người đã gắn bó nhiều năm với điểm trường xóm Nác kể: Trước năm 2004, đường vào xóm Bản Nác chỉ là lối mòn tắt qua các cánh rừng của dãy núi Bồ Cu xanh thẳm nên mọi người vào đây đều phải đi bộ. Điểm trường chỉ là các căn nhà vách nữa xập xệ, hễ gió to một chút là phải cho các em học sinh ra ngoài sân vì sợ lớp đổ. Năm 2006, con đường từ trung tâm xã Liên Minh vào xóm Nác được mở nên mới chuyên chở được vật liệu vào xây dựng 1 dãy nhà 2 tầng dành cho 5 lớp học (từ lớp 1 đến lớp 5) và nhà tập thể cho các giáo viên. Tất cả các thiết bị điện: bóng tuýp; quát trần.. đều được lắp đặt nhưng giờ đã phủ một lớp bụi nên nhìn không rõ mà vẫn chưa có điện”.

 

Vào những ngày nghỉ, các cô lại lần mò vào rừng làm “tiều phu” kiếm củi dự trữ để đun nấu, sưởi ấm khi áp Tết trời sẽ mưa rầm, gió bấc. Hiện tại, Điểm trường xóm Nác có 5 giáo viên chủ nhiệm (từ lớp 1 đến lớp 5) đứng lớp và 3 giáo viên chuyên (ôn tập và dạy ngoại ngữ, mỗi tuần 1 buổi). Cô giáo Nguyễn Thị Thái, giáo viên dạy ngoại ngữ của trường Tiểu học Liên Minh cho biết: Nhà tôi ở T.P Thái Nguyên, cách đây gần 60km nhưng ngày nào cũng phải đi về vì con nhỏ. Trong số các điểm trường tôi đi dạy thì Điểm trường xóm Nác là khó khăn nhất… Dù huyện Võ Nhai, lãnh đạo trường Tiểu học Liên Minh thường xuyên thực hiện công tác luân chuyển để đảm bảo giáo viên đứng lớp tại các Phân trường, Điểm trường và đảm bảo sự công bằng giữa các giáo viên. Theo đó, các giáo viên chỉ phải dạy tại các điểm trường đặc biệt khó khăn trong 2 năm. Sau đó, được luân chuyển về những trường có điều kiện thuận lợi hơn nhưng nhiều cô giáo vẫn kiên trì bám trụ lại điểm trường xóm Nác để dạy các em, như cô Tâm, chưa đến thời gian điều động nhưng đã chủ động xin đi dạy ở đây trước. Còn cô giáo trẻ Hoàng Ngọc Quỳnh dù đã hết thời gian 2 năm dạy tại điểm trường xóm Nác nhưng đã xin ở lại nơi này. Hình ảnh, nhiều em học sinh chân đất, khoắc trên mình bộ áo mỏng manh, dùng lá cây Ráy làm ô đội mưa để tới trường và những câu nói mộc mạc “cô ơi nước căn chân con buốt quá” là động lực mãnh liệt để các thày cô bám trụ lại mảnh đất này… Dù không ở qua đêm nơi giữa rừng Bồ Cu nhưng chúng tôi có thể hình dung và cảm nhận được sự vất vả, thiếu thốn đủ thứ nhưng các cô giáo trẻ vẫn miệt mại soạn giáo án bên ngọn đèn dầu leo lét…

 

Động viên học trò vượt khó

 

Xóm Bản Nác nằm heo hút nơi lưng trừng núi Bồ Cu, người dân ở đây chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số tốt bụng nhưng rất nghèo nên không hẳn gia đình nào cũng ý thức cho con đi học. Cô giáo Tâm chia sẻ thêm: Khi mới vào dạy tại điểm trường, các thầy cô vẫn phải đến một số gia đình vận động bố mẹ cho các em đi học đúng tuổi. Những năm gần đây ít có tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng đó là thành lớn đối với các thầy cô ở đây…

 

 Điểm trường tiểu học xóm Nác có 43 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5, nhiều em phải đi bộ hàng chục kilomet và nhiều khe suối để đến lớp nên vào mùa đông trời nhanh tối, có em phải đốt đuốc để soi đường. Em Triệu Thị Hằng, học sinh lớp 4 ở đây cho biết: Nhà em cánh trường khoảng 8 km, vì bố mẹ bận làm nương nên em phải đi bộ 1 mình tới lớp…. Qua tìm hiểu và được các cô giáo ở đây chỉa sẻ: Hơn 50% học sinh ở cách điểm trường từ 5 đến 8km, chỉ một số ít học sinh được bố mẹ đưa đi, đón về còn lại là tự các em đi bộ đến lớp. Gói cơm nắm hoặc gói mỳ tôm là bữa ăn trưa giúp các em có sức để chiều học tiếp. Cá biệt có em học sinh gia đình quá khó khăn, không có gì ăn trưa lại được các cô giáo ở đây nấu cơm cho ăn cùng. Ông Nguyễn Xuân Nông, Chủ tịch UBND xã Liên Minh bộc bạch: Quả thật là giáo viên và học sinh điểm trường xóm Bản Nác, điểm trường Khuôn Nang nằm trên núi Bồ Cu nên giao thông đi lại còn nhiều trở ngại, chính quyền xã cũng đã nhiều kiến nghị lên cấp trên xem xét đầu tư nâng cấp. Trong thời gian chờ đợi nguồn vốn đầu tư, xã sẽ nghiên cứu để có giải pháp duy trì giao thông và mong thầy cô giáo chia sẻ khó khăn, tiếp tục công hiến cho sự nghiệp trồng người của địa phương.

 

 Tuy học lực của các em học sinh ở điểm trường xóm Nác còn thấp hơn so với học sinh ở những nơi có điều kiện nhưng một lòng kính trọng thầy cô và nuôi chí lấy “cái chữ” để thay đổi cuộc sống. Chia tay chúng tôi, các cô giáo lại tiếp tục trở lại lớp với học sinh, tiếng cô giáo giảng, tiếng học sinh đánh vần theo vang vọng núi rừng như xua tan đi sự tĩnh mịch, buốt giá của mùa đông nơi đại ngàn. Dù khó khăn, vất vả nhưng các thầy cô vẫn cố gắng để đem lại “cái chữ” cho những em học sinh nghèo nơi núi rừng.