Động lực thúc đẩy phong trào dạy tốt - học tốt

15:36, 01/04/2015

Trong những năm qua, ngành Giáo dục Thái Nguyên luôn dẫn đầu khối thi đua vùng I, liên tục được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Cờ thi đua tiêu biểu xuất sắc.

Các chỉ tiêu lớn được đề ra theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đều hoàn thành trước kế hoạch, chất lượng giáo dục mũi nhọn và đại trà liên tục được nâng cao…

 

Những kết quả trên có được là do ngành Giáo dục đã tổ chức tốt các phong trào thi đua yêu nước. Qua đó khơi dậy và tạo động lực cho việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của ngành - Đó là khẳng định của đồng chí Ngô Thượng Chính, Phó Giám đốc phụ trách Sở Giáo dục và  Đào tạo khi trao đổi với chúng tôi.

 

Nhận thức rõ thi đua, khen thưởng là động lực góp phần động viên các cán bộ quản lý giáo dục (QLGD), nhà giáo, các em học sinh (HS) phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong những năm qua, ngành Giáo dục đã đổi mới hình thức tổ chức phong trào thi đua. Trọng tâm là khen thưởng kịp thời, đúng người, đúng việc, coi trọng khen thưởng đội ngũ nhà giáo trực tiếp giảng dạy. Mặt khác, Ngành cũng tổ chức tuyên truyền sâu rộng những tấm gương tiêu biểu, người tốt, việc tốt về đội ngũ nhà giáo, HS bằng nhiều hình thức trên các phương tiện thông tin đại chúng.

 

Trung bình mỗi năm học ngành Giáo dục đã có 70-80 % số đơn vị đạt danh hiệu "Tập thể lao động tiên tiến"; 25-30% tập thể đơn vị đạt danh hiệu "Tập thể lao động xuất sắc"; 25-30 tập thể và cá nhân được Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen; 30-50 đơn vị và cá nhân được UBND tỉnh tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc toàn diện năm học. 76 tập thể tiêu biểu được Sở GD&ĐT khen thưởng về thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2010-2015.

Từ năm học 2012-2013, Ngành đã cải tiến việc đánh giá thi đua cuối năm học đối với các đơn vị trực thuộc bằng việc xây dựng các tiêu chí đánh giá, cho điểm cụ thể với từng lĩnh vực công tác phù hợp với nhiệm vụ đặc thù trọng tâm từng năm học. Nhờ vậy, việc đánh giá thi đua đảm bảo tính khoa học và công bằng hơn, được cán bộ giáo viên trong ngành ủng hộ. Các phong trào thi đua được gắn với thực hiện các cuộc vận động lớn như “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”... công tác thi đua, khen thưởng từng bước được đổi mới cả về nội dung và hình thức, nhờ vậy đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của toàn ngành, góp phần đưa sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh phát triển toàn diện.

 

Bám sát định hướng thi đua của Ngành, từng trường đã cụ thể hóa vào tình hình thực tiễn. Trao đổi cùng chúng tôi, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Quang Thuấn, Bí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Thái Nguyên khẳng định: Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ từng năm học, Nhà trường đặc biệt coi trọng tổ chức tốt phong trào thi đua trong cán bộ, giáo viên, HS. Nội dung các phong trào thi đua của Trường tập trung vào việc thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm của năm học mà Sở GD và ĐT đã giao cho. Các đợt thi đua tập trung vào việc chào mừng các ngày lễ lớn trong năm như: Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2); ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26-3); ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11)… Với cách làm trên đã tạo khí thế thi đua giữa các cá nhân, các tổ chuyên môn trong Nhà trường. Cô giáo Phạm Thị Thu Nga, Tổ trưởng Tổ Sinh học Nhà trường cho biết thêm: Ngay từ đầu năm học, sau khi Nhà trường phát động phong trào thi đua, chúng tôi tổ chức cho các cá nhân trong tổ đăng ký các danh hiệu thi đua và số lượng HS đạt giải HS giỏi cấp tỉnh, cấp Quốc gia. Căn cứ vào năng lực của từng người, tổ trưởng phân công dạy từng phần đối với việc ôn luyện cho đội tuyển thi HS giỏi Quốc gia. Các thành viên trong tổ đều nỗ lực, dành hết tâm huyết, trí tuệ, tận tâm vì học trò thân yêu. Nhờ vậy, 5 năm qua gần như 100% HS của Tổ tham dự thi kỳ thi chọn HS giỏi Quốc gia đều có giải thưởng và nhiều giải cao.

 

Có thể khẳng định, nhờ tổ chức tốt các phong trào thi đua trong toàn ngành đã tạo động lực trong việc tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của từng năm học. Chất lượng đội ngũ nhà giáo và CBQL giáo dục đủ về số lượng và nâng cao chất lượng. Đến năm 2015, tỷ lệ CBQL và giáo viên trên toàn tỉnh đạt chuẩn 100%, tỷ lệ CBQL và giáo viên trên chuẩn ngày càng cao: CBQL trên chuẩn đạt tỷ lệ 97,1%; giáo viên mầm non trên chuẩn đạt tỷ lệ 66,68%; Tiểu học đạt 85,43%; THCS đạt 77,86%; THPT đạt 23,9%. Đây là những chỉ số rất cao so với toàn quốc. Hệ thống mạng lưới trường lớp được phát triển đều khắp trên địa bàn toàn tỉnh từ mầm non đến THPT và giáo dục chuyên nghiệp.

 

Công tác phổ cập giáo dục được quan tâm đúng mức và đạt kết quả cao: Thái Nguyên là tỉnh thứ 21 trong toàn quốc đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi tại thời điểm 6-2014; là tỉnh thứ 9 trong toàn quốc đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2 tại thời điểm tháng 12-2014. Đặc biệt là công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia được các cấp uỷ Đảng và chính quyền địa phương các cấp quan tâm và tạo điều kiện ủng hộ đạt hiệu quả cao. Toàn tỉnh hiện nay có 475/667 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 71,2%, về trước 1 năm so với mục tiêu của Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XVIII đặt ra. Trong đó: mầm non đạt 67%; tiểu học đạt 92%; THCS đạt 56%; THPT đạt 42%. Với những giải pháp cụ thể, chất lượng giáo dục mũi nhọn và đại trà được nâng lên từng bước. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT hàng năm đều đạt trên 98%; tỷ lệ HS đỗ vào các trường đại học, cao đẳng theo nguyện vọng 1 hàng năm đều đạt trên 30%; số HS giỏi đạt giải quốc gia lớp 12 trong 5 năm qua đều đạt trên 50 giải, đặc biệt năm 2015 đạt 58 giải, trong đó có 1 HS được tham gia kỳ thi Olympic quốc tế môn Sinh học.